Trước đó, ngày 05/1/2015, 3 ngư dân tỉnh Thanh Hóa tử vong sau khi ăn ốc biển trên thuyền, khi đang đánh bắt thủy sản tại vùng biển tỉnh Hà Tĩnh.
3 ngư dân xấu số tử vong sau một bữa ốc trên biển. (Ảnh: Duy Tuyên)
Các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng điều tra, xét nghiệm mẫu ốc lạ gây ngộ độc. Kết quả đã điều tra cho thấy đây là vụ ngộ độc nghi ngờ do độc tố Tetrodotoxin có trong loài ốc biển lạ mà ngư dân đã ăn. Cơ quan chức năng đã lấy được mẫu ốc biển nghi ngờ gây ra vụ ngộ độc để kiểm nghiệm độc chất và định danh loài ốc lạ này.
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia xác định, đây là loài ốc biển thuộc chi Nassarius spp có chứa độc tố Tetrodotoxin với hàm lượng 60mg/kg.
Tetrodotoxin là một chất độc thần kinh, gây tử vong cao. Chất độc này có tính bền vững cao, không tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại (có thể bị phân huỷ trong môi trường kiềm hay acid mạnh).Tetrodotoxin đun sôi (100°C) thì sau 6 giờ mới giảm được một nửa độc tính; muốn phá hủy hoàn toàn độc tính phải đun sôi ở 200°C trong 10 phút.
Vùng biển nước ta có rất nhiều loài thủy sản có khả năng tạo ra độc tố, trong đó có tìm thấy ở cá nóc và loài ốc nói trên. Trong các loài thủy sản, cá nóc chứa nhiều độc tố nhất. Người ta tìm thấy nhiều chất độc có ở các bộ phận khác nhau của cá nóc như trong buồng trứng có tetrodonin, axit tetrodonin, tetrodotoxin; trong gan có hepatoxin. Ở da và trong máu cá cũng tìm thấy các loại chất độc trên. Thịt cá thường không độc nhưng khi chết, cá bị ươn thối, chất độc từ buồng trứng, gan sẽ ngấm vào thịt cá khiến thịt cá trở nên độc.
Vì thế, ngư dân đi biển, người dân cần thận trọng khi ăn các loại hản sản lạ, hải sản đã được cảnh báo có độc để phòng nguy cơ ngộ độc.
Hồng Hải