Ngay khi nghe tin Hàn Quốc đã ký thỏa thuận về việc tiếp nhận lao động sang làm việc ngày 1.1, anh Hoàng Trọng Quân (TP. Vinh, Nghệ An) đã rất phấn khởi. Năm 2011, anh Quân trúng tuyển trong kỳ thi tiếng Hàn nhưng cùng lúc này phía Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động.
Sau nhiều lần tìm kiếm cơ hội đi làm việc tại thị trường khác mà không thành, anh Quân đành ngồi nhà chờ đợi. “Gần 2 năm chờ đợi, tôi phải xin đi làm công nhân cho mấy công ty da giày. Giờ nghe tin thì vui quá, nhất định sẽ đăng ký để đi lại. Mỗi tội giờ tiếng Hàn quên hết, không biết phải làm thế nào” – anh Quân lo lắng.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), Nghệ An hiện là một trong ba tỉnh có tỷ lệ lao động trong diện được xuất cảnh đi XKLĐ tại Hàn Quốc lớn nhất. Ông Đặng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cho biết: “Toàn tỉnh Nghệ An có 2.600 lao động đã qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn, trong đó có 200 lao động dân tộc miền núi, lao động huyện nghèo”.
Nói về hướng triển khai công việc trong thời gian tới, ông Thắng thông báo: “Trước mắt, căn cứ vào công văn của Trung tâm gửi, Sở đang cho các huyện tiến hành rà soát lại số đối tượng có nhu cầu muốn đi làm tại Hàn Quốc để báo lại cho Trung tâm, đồng thời tiếp tục tuyên truyền cho người lao động biết thông tin”.
Đứng thứ hai về số lao động thuộc diện ưu tiên xuất cảnh là Thanh Hóa. Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh có khoảng 2.000 lao động đã trúng tuyển trong kỳ thi tiếng Hàn năm 2011. Trong đó, có khoảng 300 lao động thuộc diện hộ nghèo đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau gần 2 năm tạm ngưng, giờ con số lao động đăng ký đi lại chắc chắn sẽ giảm. “Giảm nhiều hay ít còn phải chờ đợi vào việc rà soát và chờ đối tượng trên đăng ký lại. Tuy nhiên, cái khó nhất lúc này chính là việc sau khi đăng ký lại làm sao để bổ túc được tiếng Hàn cho các lao động, bởi đa số lao động đã kết thúc học và thi khá lâu” – ông Huy băn khoăn.
Đó cũng là băn khoăn của nhiều lao động. Chị Hồ Thị Hiền ở xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi thi đậu chứng chỉ tiếng Hàn Quốc và học xong giáo dục định hướng đúng thời điểm phía Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động từ Việt Nam. Hiện trường hợp của tôi đã quá thời gian 2 năm thi chứng chỉ tiếng Hàn, không biết có phải thi lại nữa không?”.
Qua thống kê, đến thời điểm này Hà Tĩnh có 712 người đã có chứng chỉ tiếng Hàn, trong đó có 657 người tham gia kỳ thi vào tháng 12.2011 và 55 người tham gia kỳ thi vào tháng 5.2012. Ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng Việc làm – Sở LĐTBXH Hà Tĩnh cho biết, Bộ LĐTBXH vừa có hướng dẫn, những người đã có chứng chỉ tiếng Hàn này sẽ được gia hạn thêm 16 tháng (thời gian tính từ 31.12.2013). Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi, nhiều lao động đã quên hết tiếng Hàn, vì vậy, họ cần chủ động rèn luyện ngoại ngữ.
Gấp rút chống…cò và bỏ trốn
Ông Phan Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Lao động Ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, ngay sau khi 2 Bộ ký bản ghi nhớ đặc biệt ngày 31.12.2013, ngày 2.1, Trung tâm đã có công văn gửi các địa phương, đơn vị phối hợp tiến hành rà soát lại những đối tượng trong diện còn nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc. Từ đó làm căn cứ để Trung tâm lên phương án bổ túc tiếng Hàn, đồng thời cung cấp lại danh sách lên mạng cho chủ người Hàn Quốc lựa chọn.
Theo Trung tâm lao động ngoài nước, ba đối tượng có khả năng được sang làm việc tại Hàn Quốc theo thỏa thuận là: Lao động đã đỗ kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn 2011 và 2012; lao động huyện nghèo đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp; những lao động về nước đúng hạn đã đỗ kỳ thi tiếng Hàn đặc biệt trên máy tính. |
Hiện thông tin nối lại việc đưa lao động đi Hàn Quốc đã được nhiều tỉnh thông báo tới lao động. Theo thông tin từ Bộ LĐTBXH, có khoảng 14.000 lao động đủ điều kiện để xuất cảnh ngay, tuy nhiên phía bạn chưa thống nhất về số lao động tuyển từ phía Việt Nam. Vì thế, nếu không thông tin kịp thời, đây có thể là mảnh đất màu mỡ cho… cò quấy nhiễu.
Ý thức được điều đó, hơn 1 tháng nay Sở LĐTBXH Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn và phát tờ rơi đến tận các xã, phường cho 12/12 huyện, thị xã về toàn bộ chương trình EPS.
“Chúng tôi dự kiến được việc ký kết này nên đã chủ động làm trước một bước nhằm cung cấp thông tin cho người lao động tránh việc cò mồi và các đối tượng trục lợi người lao động. Nội dung tờ rơi cung cấp rõ các khoản phải đóng khi đi làm việc tại Hàn Quốc. Cụ thể là tổng chi phí một người là 1.250USD, bao gồm tiền mua vé máy bay, làm visa, bồi dưỡng kiến thức, học phí bổ túc tiếng Hàn, bảo hiểm…”- ông Dũng nói.
Ngoài ra, Sở này còn nhấn mạnh các biện pháp xử lý đối với người lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp, như bị mất tiền ký quỹ 100 triệu đồng, bị phạt hành chính tới 100 triệu đồng…
Đây cũng là lo ngại của Sở LĐTBXH Nghệ An. Ông Đặng Cao Thắng nói: “Đúng là vừa qua người dân có rộ lên một số thông tin liên quan tới một số đối tượng lừa đảo tung tin phía Hàn Quốc tiếp nhận lại lao động Việt Nam để trục lợi. Sở LĐTBXH Nghệ An đã liên tục cập nhật thông tin trên phương tiện nhằm cảnh báo người lao động không bị sa bẫy”.
Ông Phan Văn Minh bày tỏ, đây mới là ký kết đặc biệt để đánh giá lại các biện pháp kiểm soát lao động bỏ trốn. Vì vậy, các bên cần phải làm chặt, kiểm soát kỹ. “Nếu không chúng ta sẽ tiếp tục mất thị trường lao động này”- ông Minh nói.
Minh Nguyệt – Hữu Anh