Công viên đất nung Thanh Hà (Hội An) được xây dựng theo mô hình lấy bàn chuốt gốm làm trung tâm. Hai tòa nhà chính trong cách xây dựng không chỉ lấy nguồn gốc từ văn hóa Chăm hay Sa Huỳnh mà còn lấy cảm hứng từ hai loại lò nung của làng là lò úp và lò ngửa – hai khái niệm âm dương của văn hóa phương Đông.
H House (quận 2, TP.HCM) đòi hỏi nhiều nhu cầu khác nhau được bố cục trong một diện tích 12,5×14,5 m. Không gian sống cơ bản bao gồm sinh hoạt, phòng ngủ được đặt vào phía sau của khu đất trong khi các tiện ích khác như nhà bếp, nhà để xe, hồ bơi, phòng làm việc ở phía trước và được kết nối thông qua các không gian mở. Nội thất ngôi nhà được lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống Việt Nam thông qua việc sử dụng sân vườn, ao cá, hàng hiên, cửa sổ mành trập và khoảng xanh.
Maison T (quận Đống Đa, Hà Nội) được thiết kế giản dị, cởi mở trong một tổng thể thống nhất. Trong bối cảnh một đô thị quá đông đúc và ngột ngạt, giữa những khối nhà ken dày đặc, kiến trúc sư muốn công trình xuất hiện và hiện hữu một cách tự nhiên, đơn giản nhất. Ngôi nhà như một nốt lặng nhỏ để người nghe có những khoảng nghỉ cần thiết để cảm nhận rõ hơn giai điệu của cuộc sống xung quanh.
Nhà cộng đồng & homestay Nậm Đăm là một trong những công trình thuộc dự án “Làng đất” của thôn Nậm Đăm (Hà Giang). Đồ án theo mô hình nhà trình tường truyền thống của địa phương kết hợp với tạo hình cách tân nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí tiết kiệm năng lượng, giá thành rẻ, thi công đơn giản, phù hợp với đời sống văn hóa – xã hội của người bản địa. Công trình tiết kiệm năng lượng do sử dụng hệ ngói kép cách nhiệt, thu nước mưa tái sử dụng, kết cấu khung bê tông tường trình đất kết hợp kèo gỗ. Toàn bộ quá trình xây dựng thủ công, không gây tiếng ồn, hạn chế phát thải ra môi trường. Ngôi nhà được cộng đồng bản địa chung tay xây dựng với chi phí hơn 600 triệu đồng.
Nhà hàng chay Ưu Đàm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm giữa phố thị sầm uất nhưng lại nhẹ nhàng như một ốc đảo xanh đón người bộ hành trên sa mạc. Mỗi người bước vào sẽ tự cảm nhận, khám phá sự thú vị trong mỗi góc nội thất của công trình.
Re-Ainbow (Đức Thọ, Hà Tĩnh) là công trình đa chức năng phục vụ cộng đồng, được hòa trộn từ hai phần “tĩnh” và “động”. Phần “tĩnh” gồm có trạm y tế, nhà vệ sinh công cộng và khu vực phụ trợ. Bao quanh mảnh vườn trung tâm là phần “động” có thể dùng làm lớp học, hội họp, sân khấu, nơi tập thể dục… tùy theo từng nhu cầu cụ thể mà biến hóa với hệ vách ngăn và bao che di động. Mục tiêu của dự án là góp phần giúp cộng đồng nâng cao năng lực thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua giải pháp tận dụng các đồ phế thải và sử dụng năng lượng hiệu quả.
“Resort in House” (Đà Nẵng) có diện tích phổ biến của nhà phố (80 m2) với giải pháp xanh đồng nhất, từ công năng không gian bên trong cho đến hình thức kiến trúc bên ngoài, thể hiện sự thích ứng với môi trường thiên nhiên. Mặt tiền ngôi nhà được bao che bằng cây xanh nhằm giảm tiếng ồn, bụi bẩn. Bên cạnh đó cây còn làm cho ngôi nhà trở nên ấn tượng hơn trong khu phố, góp phần tạo một điểm nhấn xanh mát mắt cho đô thị.
The Bluff Villas (Bà Rịa – Vũng Tàu) lấy cảm hứng từ các cồn cát, các đường viền của sân golf, đại dương gợn sóng. Kết quả cuối cùng chính là mái cong anticlastic có màu cát mang tính biểu tượng của biệt thự, lần đầu tiên có tại Việt Nam. Ý tưởng kiến trúc này được thiết kế bao trùm cả cấu trúc biệt thự chính và gần như hoàn toàn hòa hợp vào các cồn cát. Gia chủ có thể thực sự cảm thấy rằng họ là một phần của môi trường xung quanh.
Vietnamese food pavilion (Kim Mã, Hà Nội) tại Liên hoan Ẩm thực lần thứ ba với chủ đề “Cộng đồng ASEAN với bạn bè quốc tế” (12/2015) nằm ở khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc. Công trình được tạo bởi hệ khung sắt module 300×300 (mm) với một mái dốc vô hình bằng đèn led bên trong mô phỏng theo mái đình xưa, tạo không gian vừa hiện đại vừa mang dáng dấp của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Cùng với không gian hòa nhập đối thoại với tự nhiên xung quanh “mở mà đóng, đóng mà mở”, quầy trưng bày các món ăn truyền thống ba miền hình chữ S kết hợp chỗ ngồi và bàn đứng tương ứng với Hoàng Sa và Trường Sa.
Vinh Phuc Tomodachi House (Vĩnh Phúc) ở trên một khu đất xa trung tâm, bao bọc bởi những khu hồ lớn nhỏ khác nhau, hài hòa với tự nhiên nhưng vẫn đảm bảo công năng cho một ngôi nhà hiện đại. Các kiến trúc sư đã đưa ra một giải pháp khác thường là biến các tầng của ngôi nhà thành các khối hộp trượt theo hướng Bắc. Khi ánh nắng khi đổ xuống, tầng thấp hơn sẽ được che phủ bởi bóng râm đổ xuống của các tầng phía trên, giảm lượng nhiệt năng tác động đến không gian bên trong của ngôi nhà. Càng lên cao, không gian nhìn ra con hồ trước mặt càng trở nên bao quát, bởi tầm mắt của người quan sát được rộng mở đến cuối đường chân trời.
“Công trình của năm” nằm trong hệ thống giải thưởng Ashui Awards được Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam bảo trợ. Hệ thống danh hiệu cho ngành xây dựng này còn có “Kiến trúc sư của Năm”, “Nhà thầu của Năm”, “Chủ đầu tư của Năm” và “Hãng kỹ thuật của Năm”.
Đây là mùa giải thứ năm, kể từ cuộc bình chọn được tổ chức lần đầu tiên năm 2012. Giai đoạn bình chọn bắt đầu từ 1/12 đến 31/12 qua website ashui.com. Kết quả sẽ công bố ngay sau đó dựa trên bình chọn của cộng đồng (50%) và của hội đồng tuyển chọn (50%).
Việt Hà