Khoa học

'Liệt sỹ' còn sống trở về vạch mặt nhà ngoại cảm

Dù tìm trăm phương, ngàn kế che đậy sự dối trá của mình nhưng cuối cùng, trò "buôn thần bán thánh" của không ít nhà ngoại cảm rởm vẫn bị phơi bày. Có những "liệt sỹ" vẫn khoẻ mạnh trở về sau khi "nhà ngoại cảm" tìm thấy mộ và đã quy tập về nghĩa trang liệt sỹ tại địa phương.

Vẽ đường tìm mộ người dưng

Người dân thôn An Thọ, xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội không còn lạ lẫm với câu chuyện “liệt sỹ” trở về của gia đình ông Nguyễn Viết Tuynh (SN 1958). Anh trai ông Tuynh là ông Nguyễn Viết Thuấn (SN 1951) lên đường nhập ngũ vào ngày 15/4/1971 nhưng đến khi đất nước thống nhất, ông Thuấn vẫn không trở về. Cho đến khoảng đầu năm 1976, gia đình ông Tuynh nhận được giấy báo tử với nội dung: “Chiến sỹ Nguyễn Viết Thuấn đã hy sinh vào ngày 8/4/1975 tại chiến trường miền Nam, được mai táng tại khu vực riêng của mặt trận”. Biết tin, huyện và xã tổ chức lễ truy điệu và trao cho gia đình ông Tuynh tấm bằng Tổ quốc ghi công.


Mặc dù nhận được sự chia sẻ của các cấp chính quyền và bà con lối xóm, nhưng nỗi thương nhớ người thân vẫn không khi nào nguôi ngoai trong đại gia đình. Cho đến khi nhắm mắt, cha mẹ ông Tuynh vẫn day dứt vì chưa tìm thấy mộ phần của người con trai cả. Mấy anh em ông Tuynh đã không ít lần cất công tìm đến những đồng đội cũ của anh mình, để tìm hiểu thông tin. Nhưng mọi kết quả vẫn chỉ là con số không. Lãnh trách nhiệm thờ phụng cha mẹ thay anh trai, càng về già, ông Tuynh càng thêm trăn trở và khát khao muốn tìm thấy nơi an nghỉ của anh mình.


Có hay không việc quản trang liên kết nhà ngoại cảm rởm?!

Điều mà đến nay ông Tuynh vẫn chưa hết thắc mắc, ấy là không hiểu lý do vì sao, “nhà ngoại cảm” trên có thể tả chính xác rất nhiều chi tiết về nghĩa trang ở ấp Di Xá. Nào là ngôi mộ nằm ở hướng nào, trên mộ có những vết nứt ở cạnh ra sao, nghĩa trang gần đường to, rộng, đẹp. Người quản trang là một phụ nữ to béo và thái độ của bà ta khi tiếp đón gia đình cũng đúng như lời “thầy” đã nói ở nhà. Ngôi mộ mà “thầy” vẽ ra cũng đúng là một ngôi mộ vô danh”. “Chúng tôi làm tất cả theo lời chỉ dẫn của “nhà ngoại cảm”. Vì có một người ở La Phù (Hoài Đức) cũng tìm thấy mộ liệt sỹ và cũng gặp nhiều điều trùng hợp khó lý giải nên chúng tôi tin lắm. Làm bất cứ việc gì, di chuyển đến đâu đều nhấc máy gọi về cho “thầy”, ông Tuynh nhấn mạnh.


Đến năm 2006, sau một buổi họp gia đình, anh em ông Tuynh quyết định lựa chọn phương án nhờ nhà ngoại cảm đi tìm mộ anh trai. Một số gia đình trong làng đã tìm thấy mộ nhờ sự trợ giúp của “nhà ngoại cảm” ở ngõ 286 Thuỵ Khuê nên đã mách nước cho gia đình ông. Sau khi bàn bạc, mấy anh em ông Tuynh cũng sắp xếp một buổi, sắm sửa đồ lễ đến nhờ “thầy” vạch đường chỉ lối đi tìm người thân.


Dù sự việc đã diễn ra khá lâu nhưng vốn là chuyện khó quên trong đời nên ông Tuynh nhớ như in buổi sáng đến tìm đến “nhà ngoại cảm” tên Nguyễn Đức Phụng ở ngõ 286 Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Ông Tuynh kể lại: “Hôm đó, tôi cùng vợ, người anh họ và cháu họ đi từ 6h sáng. Đến nơi, tôi thấy rất đông người chờ đợi, kẻ ra người vào nườm nượp. Những “nhân viên” ở đó “làm việc” rất chuyên nghiệp, có bảo vệ, người tiếp đón, bố trí nơi gửi xe và chỗ ngồi chờ chu đáo. Thấy nơi đó có biển hiệu ghi “Ban ngoại cảm” rất trịnh trọng, rồi lại được người ta đón tiếp điềm đạm, ân cần, chúng tôi ngỡ mình đã tìm được một địa chỉ tin cậy. Sau này, tôi mới ngẫm ra, người ta làm như thế là để khách đến tin tưởng đó là một cơ quan được Nhà nước công nhận”.


Nhấp chén trà, ông Tuynh hắng giọng kể lại tỉ mỉ từng chi tiết về cuộc tiếp đón nồng hậu: “Đến nơi, chúng tôi ngồi đợi được một lát thì có người ra hỏi han về thông tin liệt sỹ rồi đưa cho chúng tôi một tờ giấy yêu cầu ghi lại tên tuổi, ngày sinh, ngày mất. Tờ giấy này được chuyển lên cho “nhà ngoại cảm” trước. Chúng tôi đặt lễ, đặt tiền lên ban rồi lấy phiếu ngồi đợi vì người đến xem quá đông. Chờ đợi một hồi lâu, chúng tôi cũng đến lượt vào diện kiến “thầy”.



Ông Nguyễn Viết Tuynh trò chuyện với PV.


Qua một phòng thờ là phòng mà “thầy” Phụng ngồi. Căn phòng gọn ghẽ chỉ có một chiếc điện thoại bàn, một chiếc điện thoại di động và một chiếc đài thu âm. Nội dung cuộc trò chuyện sẽ được ghi lại và chuyển băng cho người nhà thân nhân liệt sỹ. Sau khi nghe phần trình bày của gia đình, ông thầy bóp trán suy nghĩ hồi lâu rồi lầm rầm đọc lên địa chỉ và vị trí nơi phần mộ anh tôi nằm. Theo đó, anh Thuấn hy sinh ở một khu vực thuộc ấp Di Xá, Bình Long, Bình Phước; thi hài nay đã được quy tập về nghĩa trang ở Bình Phước”.


Mong ước tìm thấy anh trai thôi thúc ông Tuynh làm ngay theo những lời “nhà ngoại cảm” chỉ dẫn. Khoảng chục ngày sau, khi đến ngõ Thuỵ Khuê, ông Tuynh cùng anh em trong gia đình sửa soạn đồ đạc, xin giấy tờ của địa phương, cẩn thận mượn thêm một thầy cúng vào Bình Phước.


Sau khi làm việc và xin phép chính quyền địa phương, ông Tuynh nhận được sự đồng ý và di chuyển ngôi mộ về thôn An Thọ. UBND xã An Khánh cùng bà con long trọng tổ chức lễ truy điệu và an táng cho phần mộ mà gia đình ông Tuynh đưa về. Được biết chi phí mà ông Tuynh bỏ ra cho chuyến đi cũng lên tới gần ba chục triệu đồng. Ông không quên quay lại cảm ơn “nhà ngoại cảm” tài ba đã giúp ông tìm thấy mộ phần liệt sỹ.



Tấm bản đồ “nhà ngoại cảm” vẽ cho ông Tuynh.


Cuộc gặp gỡ kỳ diệu sau hơn 40 năm xa cách

Sự thật về một tấm bản đồ

Cuộc gặp gỡ diễn ra chóng vánh, gia đình ông Tuynh cảm thấy vô cùng ngỡ ngàng vì cũng chẳng thấy liệt sỹ nhập vào ai trong đoàn đi. Ông Tuynh thắc mắc, thường thì người ta vẫn nói vong nhập vào ai, người ấy sẽ có những hành động kỳ lạ, nói năng trò chuyện với người nhà… Đằng này, mọi thông tin chỉ từ “thầy” Phụng mà ra, còn người nhà chỉ biết ngồi lắng nghe và tiếp nhận. Không những thế, khi ra về, “thầy” Nguyễn Đức Phụng còn vẽ cho gia đình một tấm bản đồ với đủ màu sắc trong đó có vạch rõ vị trí mà liệt sỹ đang an nghỉ.


Mọi chuyện có lẽ sẽ không được sáng tỏ, nếu gia đình ông Tuynh không nhận được thông tin anh trai mình hiện vẫn còn sống và đã lấy vợ, sinh con tại một vùng quê ở tỉnh An Giang. Mọi thông tin mà gia đình ông Tuynh biết được đều nhờ cuộc gặp gỡ vô tình của anh Trần Văn Toán (người Nam Định) với ông Nguyễn Viết Thuấn.


Theo đó, trong một lần vào thăm em gái lấy chồng ở huyện An Phú (An Giang), anh Toán biết người hàng xóm đối diện (tức ông Thuấn – PV) cũng là quê miền Bắc nên sang gặp và chủ động trò chuyện. Ở vùng đất xa xôi ấy, gặp được một người miền Bắc trò chuyện là hiếm lắm, nên dù vị hàng xóm rất kiệm lời, anh Toán vẫn kiên trì gợi chuyện. Sau một hồi làm quen, anh Toán biết người đàn ông ấy từng là bộ đội miền Bắc, vào Nam chiến đấu rồi bị thương nặng, được người dân cứu giúp. Vết thương hồi phục nhưng vẫn hành hạ khiến ông đôi lúc không còn tỉnh táo để nhớ về quê hương. Một phần vì kinh tế quá khó khăn, trang trải cho cuộc sống gia đình còn nhiều thiếu thốn nên ông chẳng dám nghĩ đến chuyện sẽ góp tiền tìm về quê cha đất tổ. Trò chuyện càng thân tình, ông Thuấn bắt đầu nhớ chính xác quê quán mình ở đâu, tên tuổi đầy đủ của cha mẹ, anh em. Nghe ông Thuấn tâm sự trong nước mắt, anh Toán càng thấu hiểu nỗi mong nhớ quê hương của người đàn ông đã xa nhà hơn 40 năm. Ông Thuấn còn lấy giấy tờ tuỳ thân ra cho anh Toán xem, những thông tin mà trước đây ông chỉ nói qua với vợ con duy nhất một lần.


Sau ngày ra Bắc, anh Toán lần theo địa chỉ và những giấy tờ đã phô-tô lại từ ông Thuấn để tìm về và trao đổi lại mọi thông tin với ông Nguyễn Viết Tuynh. Không khỏi nghi ngại, nhưng thông tin mà người thanh niên xa lạ mang tới cũng khiến ông Tuynh cứ suy nghĩ mãi. Chẳng lẽ, trên đời lại có phép màu, thông tin từ mặt trận cũng như những chỉ dẫn của “nhà ngoại cảm” là sai? Để xác minh thông tin, lại một lần nữa, ông Tuynh cùng anh em họ hàng lên đường đi vào Nam. Và rồi lần này, ông cũng tìm thấy anh mình, nhưng không phải là một nấm mồ vô danh mà là một người thực bằng xương, bằng thịt và giống ông như đúc.


Phóng sự điều tra của DƯƠNG DƯƠNG

Người Đưa Tin

  Từ khóa: vạch mặt , liệt sỹ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP