Khoa học

Bộ TT&TT muốn nghe ý kiến thẳng thắn, đa chiều về 10 năm thực hiện Luật CNTT

Bộ TT&TT đã phát đi thông điệp mong muốn được lắng nghe một cách thẳng thắn, đa chiều của cộng đồng, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước, giới truyền thông… đánh giá về 10 năm thi hành Luật CNTT và kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý

Bộ TT&TT đã phát đi thông điệp mong muốn được lắng nghe một cách thẳng thắn, đa chiều của cộng đồng, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước, giới truyền thông… đánh giá về 10 năm thi hành Luật CNTT và kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý để phát triển lĩnh vực CNTT mạnh mẽ.

Theo Vụ Công nghệ thông tin (BộTT&TT), Luật CNTT là văn bản pháp luật cao nhất trong lĩnh vực CNTT được thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 điều chỉnh một cách toàn diện hoạt động CNTT cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Trong 10 năm triển khai Luật CNTT và các chính sách của Đảng và Nhà nước, lĩnh vực CNTT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. CNTT đã dần trở thành một ngành kinh tế – kỹ thuật, đóng góp ngày càng lớn cho GDP. Ứng dụng CNTT được triển khai tương đối rộng khắp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế – xã hội, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Công nghiệp CNTT, đặc biệt ngành phần mềm Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Việt Nam đã có tên trên bản đồ CNTT thế giới như một trong số các nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm xuất khẩu. Hạ tầng, nhân lực cũng như hệ thống luật pháp, chính sách về ứng dụng, phát triển CNTT ngày càng được hoàn thiện.

Vụ Công nghệ thông tin cho biết, hiện nay, thế giới đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với những thay đổi cơ bản về khoa học, công nghệ, mức độ cạnh tranh trên trường quốc tế. Tại Việt Nam, năng lực quản lý, nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT và trình độ dân trí cũng đã được nâng cao. Bên cạnh đó, bản thân ngành CNTT cũng đang có những xu hướng phát triển mới, với sự hội tụ giữa các ngành điện tử, viễn thông và CNTT, sự chuyển dịch từ mua bán sản phẩm sang cung cấp dịch vụ CNTT, sự bùng nổ của các xu hướng công nghệ như S.M.A.C, Internet cho vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), thiết bị thông minh hóa “smart”. Các mô hình phát triển và ứng dụng CNTT mới được hình thành như hệ sinh thái CNTT, hỗ trợ sáng tạo dựa trên khai thác dữ liệu, phát triển phần mềm dựa trên trí tuệ cộng đồng (crowdsource), ứng dụng CNTT để tối ưu hóa các hoạt động kinh tế, xã hội, quản lý, điều hành như thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh… Đặc biệt là xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, với vai trò quan trọng là thành tựu của lĩnh vực CNTT.

Trong bối cảnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của CNTT, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng về CNTT trong đó CNTT được xác định là một trong số các công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới, mang lại động lực quan trọng để phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước. Việc thể chế hoá quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về CNTT, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, theo kịp với xu thế của thế giới đòi hỏi phải cập nhật, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật về CNTT,…

Vì vậy, tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì, xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật CNTT. Trên cơ sở đó, từ giữa năm 2016, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức triển khai tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT; đồng thời có văn bản đề nghị các bộ, ngành và địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật CNTT, gửi báo cáo về Bộ TT&TT.

Vụ Công nghệ thông tin cho biết, tính đến nay, đã có 19/22 bộ, cơ quan ngang Bộ và 60/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tổng kết và gửi báo cáo về Bộ TT&TT. Hiện còn thiếu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Lạng Sơn và Phú Thọ). Hiện nay, Bộ TT&TT đang tổng hợp, xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật CNTT.

Bộ TT&TT đang tổng hợp, xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật CNTT

“Để hoàn thiện báo cáo gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan, Bộ TT&TT mong muốn tiếp tục được lắng nghe một cách thẳng thắn, đa chiều của cộng đồng, các doanh nghiệp, các chuyên gia, giới truyền thông tham vấn và cho ý kiến về kết quả 10 năm thi hành Luật CNTT như đánh giá về công tác triển khai thi hành Luật CNTT thời gian qua. Những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai Luật CNTT theo các lĩnh vực CNTT như: ứng dụng, công nghiệp, nhân lực, hạ tầng,… Bên cạnh đó là các tồn tại, bất cập và nguyên nhân chính; đánh giá, góp ý về các bất cập, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế thời gian qua về cách thức xây dựng chính sách; về công tác tổ chức quản lý hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT; về nguồn lực,… cũng như cụ thể theo các lĩnh vực của CNTT như; ứng dụng, công nghiệp, nhân lực, hạ tầng…” đại diện Vụ Công nghệ thông tin nói.

Vụ Công nghệ thông tin còn cho biết, ngoài các ý đánh giá về việc 10 năm thực hiện Luật CNTT, Bộ TT&TT cũng mong muốn lắng nghe ý kiến của của cộng đồng, các doanh nghiệp, các chuyên gia… kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý CNTT với những đề xuất các mục tiêu, quan điểm, và nguyên tắc của việc hoàn thiện khung pháp lý về CNTT giai đoạn tới nhằm tạo đột phá trong ứng dụng và phát triển CNTT. Thậm chí các ý kiến có thể đề cập đến vấn đề nên sửa Luật CNTT hay xây dựng thành các Luật riêng lẻ để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực của CNTT, chẳng hạn như: Luật phát triển Chính phủ điện tử; Luật thúc đẩy phát triển công nghiệp phần mềm; Luật thông tin cá nhân… Bên cạnh đó, các ý kiến có thể đề xuất các văn bản cần nghiên cứu xây dựng và ban hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về CNTT phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của CNTT trong giai đoạn tới; đón đầu xu thế công nghệ, đặc biệt là tận dụng được xu hướng phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế phát triển kinh tế số; thành phố thông minh.

Đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT đưa ra thông điệp muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp một cách thẳng thắn, đa chiều của cộng đồng, các doanh nghiệp, các chuyên gia và giới truyền thông để hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực CNTT trong thời gian tới. Các ý kiến đóng góp xin gửi qua email [email protected] hoặc [email protected].

PV/Theo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP