Đôi chân kỳ diệu
Xuất thân trong một gia đình nghèo, bố là giáo viên, mẹ làm nông nghiệp, Lê Hồng Sơn là người đặc biệt nhất trong 5 anh em khi sinh ra với tứ chi dị dạng. Từ khi chào đời cho tới năm 6 tuổi, Sơn là một đứa trẻ không biết nói, biết cười, tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày của anh đều phụ thuộc vào người thân trong gia đình. Lớn lên chút nữa, Sơn lại chứng kiến cảnh tượng khó khăn nhất với gia đình khi bố anh là ông Lê Khắc Đạt (SN 1942) sau một trận ốm “thập tử nhất sinh” đã nằm liệt giường.
Khó khăn chồng chất khó khăn, mọi công việc lớn nhỏ đều đè nặng lên đôi vai vốn đã gầy yếu của người mẹ. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, lại là người bị tàn tật bẩm sinh, chàng trai Lê Hồng Sơn không ngừng phấn đấu để trở thành người con ngoan trò giỏi và có ích cho xã hội. Bằng chứng là trong nhiều năm liền anh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.
Đến năm 1983, khi Lê Hồng Sơn lên 9 tuổi, bố anh sau 5 năm điều trị bệnh bại liệt cũng là lúc nghỉ hưu non do mất sức lao động. Lúc bấy giờ ông Đạt quyết định về quê mở xưởng mộc nhỏ để phụ giúp vợ nuôi đàn con còn quá non dại. Mặc dù mới chỉ là đứa trẻ lớp 3 nhưng khi đó Sơn đã ngồi bên bố mà nỉ non: “Con muốn sau này trở thành người làm mộc giỏi để giúp bố mẹ lo kiếm tiền nuôi các em”.
Thực hiện ước mơ của mình, hàng ngày Sơn vẫn ra xưởng mộc của bố để tập sử dụng các mộc cụ. “Ban đầu, nghĩ rằng thằng Sơn nghịch dại nên bố nó cấm đoán, thế nhưng sau khi thấy đứa con tật nguyền hì hục những lúc nửa đêm với đống đồ nghề đến mức bàn chân ứa máu nên ông Đạt mới quyết định dạy nghề cho con”, bà Trần Thị Hoa (mẹ của Sơn – PV) chia sẻ.
Ban đầu, khi đôi bàn chân mới tiếp xúc với công việc, Lê Hồng Sơn chỉ tập làm các đồ mộc thô sơ như cái mâm, cái bát gỗ để tích góp kinh nghiệm trong nghề. Lên lớp 8, khi đôi chân đã trở nên điêu luyện, thành thạo hơn trong việc chế tạo sản phẩm làm từ gỗ, Lê Hồng Sơn đã rủ những người bạn cùng trang lứa kiếm tiền từ việc đục đẽo. Anh Sơn chia sẻ: “Hoàn cảnh của gia đình tôi và chúng bạn trong xóm khi đó khó khăn lắm, phải chạy cái ăn từng bữa, tôi muốn cùng họ tìm việc làm để giúp đỡ thêm cho gia đình”. Đây cũng chính là thời gian năng khiếu làm đồ mỹ nghệ của anh Sơn ngày càng được bộc lộ rõ nét. Năm 1990, anh được xã cử tham dự và giành giải nhất cuộc thi “Khéo tay kỹ thuật toàn huyện”.
Đến năm 1992, Sơn lại được cử đi tham dự Hội nghị “Trẻ em nghèo vượt khó toàn quốc”. Tại đây, anh được rất nhiều người quan tâm với đôi tay bại liệt và đôi chân tập tễnh nhưng lại làm ra những sản phẩm mộc mỹ nghệ có giá trị cao.
Lên lớp 10, chứng kiến cảnh khổ cực của gia đình, lại thương bố ngày nắng cũng như ngày mưa, bất chấp đường sá xa xôi “mang tơi” cõng con đến trường nên Lê Hồng Sơn xin phép bố mẹ và nhà trường được nghỉ học để ở nhà giúp đỡ bố mẹ kiếm tiền nuôi các em. Ở xưởng mộc của bố, Sơn không ngừng phấn đấu, tu rèn để trở thành người có “đôi chân kỳ diệu”.
Đến năm anh 18 tuổi, người bố thân yêu nhất của anh đột ngột qua đời, cuộc sống gia đình nay lại càng vất vả hơn. Gạt bỏ nỗi buồn, biến đau thương thành hành động, chàng trai tật nguyền Lê Hồng Sơn đã quyết tâm thực hiện ước mơ của mình, tự làm ra đồng tiền bằng đôi chân dị tật để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.
Anh Sơn chế tác đồ mộc từ đôi chân kỳ diệu.
Giám đốc doanh nghiệp
Bước ngoặt đến với cuộc đời Lê Hồng Sơn vào năm 1999, lúc bấy giờ chàng trai có đôi tay bị teo và đôi chân dị tật tình cờ quen chị Nguyễn Thị Vân (SN 1982) quê ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) trong một lần đi học nghề. Cảm phục nghị lực và tấm lòng của chàng trai tật nguyền biết vượt khó, chị Vân đã đem lòng yêu thương anh bằng thứ tình yêu chân thành nhất. Sau một thời gian tìm hiểu, hai người quyết định đi tới hôn nhân, dù cho gia đình bên ngoại kịch liệt phản đối. Năm 2001, đứa con trai đầu lòng của anh chị ra đời, cháu tên là Lê Khắc Dũng. K
hông như người thân lo lắng, Dũng sinh ra lành lặn và rất bụ bẫm, thông minh. Hạnh phúc của gia đình anh Sơn trọn vẹn hơn khi anh chị sinh thêm 2 cháu nữa là Lê Khắc Mạnh (SN 2009) và Lê Thị Quỳnh Chi (SN 2011).
Từ đây, cuộc sống của chàng trai tật nguyền có thêm biết bao điều phải lo lắng. Hoàn cảnh gia đình bên nội còn quá khó khăn, không thể giúp gì được, bố mẹ vợ thì lúc này vẫn chưa đồng ý anh là con rể nên gánh nặng cơm áo dường như đều đè nặng lên đôi chân tập tễnh của anh Sơn. May mắn thay, trong lúc khó khăn anh luôn được chị Vân động viên tinh thần nên cả hai luôn tin tưởng về một ngày thành công sẽ đến.
“Kinh tế quá khó khăn, lại phải nuôi thêm 3 đứa con nhỏ nên vợ chồng tôi vất vả lắm, có ngày phải làm việc đến nửa đêm mới nghỉ. Tuy nhiên, nghĩ đến tương lai, mong ước thoát nghèo nên chưa bao giờ anh Sơn có ý định từ bỏ nghề mộc. Vợ chồng tôi thường động viên nhau, dù khổ cực đến đâu cũng phải phấn đấu để con cái được ăn học bằng bạn, bằng bè”, chị Vân tâm sự.
Năm 2008, sau khi mạnh dạn vay mượn người thân và bạn bè khắp nơi, ước mơ của Lê Hồng Sơn bắt đầu được thực hiện, doanh nghiệp tư nhân Mạnh Dũng được thành lập. Giám đốc Lê Hồng Sơn tâm niệm: “Tôi mở doanh nghiệp này với mong muốn tạo điều kiện giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ trong xã hội. Tôi muốn người khuyết tật có tay nghề lao động để họ nhận thấy mình còn có ích cho xã hội và giảm đi gánh nặng cho gia đình”.
Đến nay, sau 5 năm hoạt động, doanh nghiệp Mạnh Dũng đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định liên tục cho 10 người tàn tật, sản phẩm mộc mỹ nghệ của “kỳ nhân” Lê Hồng Sơn làm ra tới đâu, tiêu thụ tới đó. Đồng thời, giám đốc Sơn đã đào tạo cho gần 100 em nhỏ khuyết tật có tay nghề vững vàng. Tất cả những học sinh học tại trung tâm ra, hầu như đều làm rất tốt, có công ăn việc làm ổn định. Có những người tay nghề vững, gia đình có điều kiện đã về nhà mở xưởng mộc tự quản lí.
Anh Phan Văn Sơn (SN 1976) quê ở xã Hương Bình (Hương Khê) là một trong số nhiều học viên đến học việc tại trung tâm đào tạo của anh Lê Hồng Sơn cho biết: “Tôi bị mất hẳn đôi chân từ khi lọt lòng mẹ, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, ngỡ rằng đã trở thành phế nhân. May mắn thay, anh Sơn đã giúp tôi có được cái nghề mưu sinh và cho tôi công việc ổn định tại doanh nghiệp Mạnh Dũng”.
Với những đóng góp không nhỏ trong việc đào tạo việc làm cho những người khuyết tật, Lê Hồng Sơn đã vinh dự được Chủ tịch nước viết thư thăm hỏi và động viên. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng tặng anh danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi”.
Không ngừng phát triển
Theo dự tính, chàng giám đốc trẻ tuổi Lê Hồng Sơn sẽ không ngừng mở rộng xưởng mộc của mình và thu hút nhiều người tàn tật trong và ngoài tỉnh về đây học tập và làm việc. “Kỳ nhân” với đôi chân tài hoa quyết tâm: “Vợ chồng tôi đang ấp ủ dự án mở rộng doanh nghiệp và sẽ thực hiện trong tháng 7 năm nay. Theo đó, chúng tôi sẽ mở thêm một lớp đào tạo nghề với khoảng 15 học viên. Trong năm 2013 – 2014 sẽ đào tạo ra khoảng 250 – 300 người tàn tật có tay nghề giỏi. Về phía doanh nghiệp, nếu có nguồn tài chính lớn, tôi sẽ mở rộng kinh doanh và cố gắng liên hệ để xuất khẩu sản phẩm mộc mỹ nghệ ra nước ngoài”.
Hồ Ngọc – Nguyễn Long
Người Đưa Tin