Trung Quốc

Trung Quốc âm mưu biến các đảo ở Trường Sa thành căn cứ quân sự

Một công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc ở bãi đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP

Một công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc ở bãi đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) trong một báo cáo ngày 8.6 đã tiết lộ rằng chính quyền Trung Quốc đang xem xét kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam để làm căn cứ quân sự.
Trung Quốc thay đổi chiến thuật
Theo đó, kế hoạch xây dựng ở Đá Chữ Thập (một bãi san hô mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam hồi năm 1988), nếu được chấp thuận, sẽ biến nơi đây thành một hòn đảo nhân tạo có sân bay, cảng biển.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, đây là một dấu hiệu nữa cho thấy sự thay đổi về chiến thuật của Trung Quốc trong việc đòi hỏi yêu sách vô lý lâu nay ở Biển Đông.
Đây được xem là một việc làm nguy hiểm và đầy mưu đồ để Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Hiện đề nghị xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập (tên quốc tế là Fiery Cross Reef) đã được đệ trình lên chính phủ Trung Quốc và theo kế hoạch, hòn đảo nhân tạo sẽ có diện tích gấp đôi căn cứ quân sự Diego Garcia của Mỹ – một hòn đảo san hô diện tích 44km2 ở Ấn Độ Dương, theo giáo sư Jin Canrong chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã cho xây dựng một số cơ sở ở Đá Chữ Thập, trong đó có một trạm quan sát.
Chuyên gia Li Jie đến từ Viện Nghiên cứu hải quân Trung Quốc cho biết hòn đảo nhân tạo sẽ bao gồm một đường băng và một cảng biển. Sau khi được mở rộng, hòn đảo này sẽ tiếp tục là nơi đặt đài quan sát và là căn cứ hỗ trợ và tiếp tế các thiết bị quân sự, theo ông Li.
Trong khi đó, một quan chức quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu đề nghị giấu tên nhận định rằng việc xây dựng một đường băng ở Đá Chữ Thập sẽ cho phép Bắc Kinh có bước chuẩn bị tốt hơn trong việc thành lập một khu vực ADIZ trên Biển Đông.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã tuyên bố thành lập khu vực ADIZ ở Biển Hoa Đông khiến nhiều nước Đông Nam Á lo ngại một khu vực ADIZ tương tự có thể sẽ được Bắc Kinh thành lập ở Biển Đông.
Còn theo ông Alexander Neill, một đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La 13 tại Singapore vừa diễn ra cách đây không lâu cho rằng Đá Chữ Thập nằm gần các tuyến đường biển và có thể trở thành một căn cứ hải quân chiến lược.
Vị trí Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: SCMP 
Giáo sư Jin cho hay việc cân nhắc có xây dựng đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập cũng như cách thức thực hiện sẽ phụ thuộc phần lớn vào tiến độ công trình cải tạo tại bãi đá Gạc Ma (cũng thuộc sở hữu của Việt Nam và do Trung Quốc chiếm hồi năm 1988).
Hồi tháng trước, Philippines đã lên tiếng phản đối các hoạt động cải tạo bãi đã Gạc Ma của Trung Quốc.
Kế hoạch được vạch ra từ hàng chục năm trước
Hồi cuối tháng 5, truyền thông Trung Quốc đã râm ran về kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông. Thời báo Hoàn cầu trích dẫn một báo cáo đăng tải trên trang web của công ty đóng tàu NDRI Engineering cho biết hòn đảo nhân tạo có thể sẽ bao gồm một đường băng và một bến tàu có khả năng nhận các tàu 5.000 tấn.
Bà Zhang Jie, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã nghiên cứu việc cải tạo các đảo đá. Các viện nghiên cứu và các công ty đã tiến hành soạn thảo những thiết kế khác nhau trong thập kỷ qua, và bản thân bà Zhang cũng đã tham gia thảo luận về chương trình này.
Sơ đồ xây dựng của Trung Quốc ở bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: SCMP 
“Trung Quốc có khả năng xây dựng một hòn đảo nhân tạo từ nhiều năm trước đây, nhưng đã không làm điều đó vì không muốn gây ra quá nhiều tranh cãi”, bà Zhang nói.
Tuy nhiên theo bà Zhang, trong năm nay đã xảy ra nhiều sự kiện mang tính “bước ngoặt” như việc Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo có thể cung cấp vật tư cho các tàu và giàn khoan ở gần đó, nhưng điều này cũng sẽ gây ra tác động tiêu cực nghiêm trọng ở khu vực”, bà Zhang thừa nhận, đồng thời khẳng định động thái như vậy sẽ làm các nước láng giềng mất lòng tin sâu sắc vào Trung Quốc và gây ra sự mất ổn định trong khu vực.
Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa hề đưa ra bình luận gì về kế hoạch này.
Hoài Anh (Theo SCPM)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP