Trong nước

Tối đa có 50 ghế, "rộng cửa" cho người tự ứng cử đại biểu Quốc hội

Phó Chủ tịch, Tổng thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, cơ cấu đại biểu ngoài Đảng trong Quốc hội tối đa tới 10%, tương đương 50 ghế, nghĩa là "cửa rất rộng" cho người tự ứng cử…

Sau vòng hiệp thương lần đầu (thống nhất phân bổ giới thiệu 1.076 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, để bầu 500 đại biểu), ông Hầu A Lềnh trao đổi về nhiều vấn đề cơ cấu, giám sát trong quá trình tổ chức cuộc tổng tuyển cử ngày 23/5 tới đây.

Phó Chủ tịch, Tổng thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh trao đổi bên lề hội nghị hướng dẫn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại trung ương.


Người dân giám sát kê khai tài sản của người tự ứng cử

- Mới đây, được biết có 5 địa phương đã báo cáo về số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Là một trong những cơ quan giám sát bầu cử, Mặt trận Tổ quốc sẽ thực hiện thẩm định như thế nào đối với những ứng viên tự ứng cử như vậy?

- Số liệu cụ thể về số người tự ứng cử đến thời điểm này chưa xác định được. Một số địa phương mới báo cáo con số dự kiến từ những người đến UB bầu cử xin hồ sơ để làm, song song với bước giới thiệu nhân sự của các cơ quan, đơn vị. Khi nào chốt hồ sơ nộp về, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể về con số.

Còn việc ứng cử thì như luật quy định, đó là quyền của mọi công dân Việt Nam, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện như công bố thì đều có quyền tự ứng cử. Khi người tự ứng cử nộp hồ sơ, UB bầu cử các cấp sẽ xem xét, thống nhất với MTTQ để đưa ra các hiệp thương. Từ hội nghị hiệp thương lần thứ hai trở đi, danh sách người ứng cử sẽ gồm cả những người được giới thiệu và người tự ứng cử.

Việc thẩm định hồ sơ với người tự ứng cử cũng tiến hành đồng thời với các ứng viên được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu. Quy trình thẩm định là như nhau, cả về vấn đề tiêu chuẩn, điều kiện, lịch sử chínhh trị, những vấn đề liên quan đến pháp luật (nếu có) hoặc những ý kiến phản ánh của nhân dân, những vấn đề cần làm rõ…

- Đơn cử như việc xác minh nội dung kê khai tài sản của những người tự ứng cử thì sao, thưa ông?

- Nếu người tự ứng cử là cán bộ trong bộ máy nhà nước, trong các cơ quan, đơn vị thì đã có xác nhận, xác minh của cơ quan, tổ chức quản lý. Còn người ứng cử tự do bên ngoài thì tự kê khai tài sản cà người dân thực hiện giám sát qua hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú vì tại đây, các ứng viên phải báo cáo lý lịch, hồ sơ ứng cử.

Ngoài ra, khi Ban Thường trực UB MTTQ chủ trì hội nghị hiệp thương thì Mặt trận cũng phải báo cáo kết quả vòng hiệp thương trước đó, về cơ cấu, số lượng, thành phần, danh sách những người ứng cử kèm hồ sơ, trong hồ sơ có tất cả các thông tin để cử tri biết. Cử tri sau đó sẽ có ý kiến, phát biểu về từng người ứng cử xem nội dung kê khai có đúng không hay thắc mắc, yêu cầu làm rõ vấn đề gì thì người ứng cử phải có trách nhiệm giải trình, trả lời cụ thể.

Rút kinh nghiệm sâu sắc chuyện quốc tịch đại biểu Quốc hội

- Đánh giá chung qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, cánh cửa dành cho những người tự ứng cử rất "hẹp". Cuộc bầu cử Quốc hội khóa này, những người tự ứng cử liệu có được tạo điều kiện hơn không, thưa ông?

- Thực ra tất cả các khóa bầu cử Quốc hội trước nay, cơ chế không có gì cản trở cả vì ứng cử đại biểu Quốc hội là quyền Hiến định của công dân, được thực hiện đầy đủ. Các quy định về thủ tục, hồ sơ, quy trình ứng cử áp dụng đối với các ứng viên đều như nhau, các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm đứng ra tạo điều kiện để người tự ứng cử được tham gia. Khi cử tri có ý kiến thì các cơ quan Nhà nước, nếu có liên quan, cũng thực hiện việc nhận xét, đánh giá, thẩm định đầy đủ nên có thể quyền tự ứng cử của các ứng viên không bị hạn chế.

Còn nói về cơ hội thì cơ cấu dành cho người tự ứng cử nằm trong quy định về người ngoài Đảng tham gia Quốc hội, tỷ lệ đặt ra là 5-10%, nếu tính trên tổng số đại biểu Quốc hội được bầu thì khoảng 25-50 "ghế". Như vậy, tối đa có tới 50 đại biểu là người tự ứng cử "trúng" Quốc hội.

Thực tế, sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, cơ cấu đến nay vẫn chưa đạt con số đó, mới được hơn 7%. Nhưng đây mới chỉ là hiệp thương lần đầu, sau lần hiệp thương vòng 2, số lượng người tự ứng cử có thể bổ sung.

Tỷ lệ người ngoài Đảng hay người tự ứng cử đề ra cho cuộc bầu cử Quốc hội lần này là phấn đấu đạt mức 5-10%, có thể nói là "cửa" rất rộng để thoải mái tham gia (cười).

- Một vấn đề khác dư luận đặt ra sau những "lùm xùm" tại Quốc hội khóa XIV là trường hợp đại biểu vi phạm về quốc tịch. Việc thẩm tra nội dung này có được Mặt trận tổ quốc lưu ý hơn tại cuộc bầu cử tới đây?

- Vấn đề này, trước hết, các cơ quan phải thực hiện quy trình giới thiệu đại biểu theo đúng quy định pháp luật là công dân Việt Nam có quốc tịch Việt Nam. Việc xác định quốc tịch của ứng viên, theo đó, căn cứ vào luật Cư trú.

Mặt trận Tổ quốc sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát nội dung này (vấn đề tiêu chuẩn của người ứng cử). Mặt trận các cấp đã thành lập các đoàn giám sát (đoàn do Hội đồng bầu cử quốc gia phân công và đoàn giám sát riêng của UB Trung ương MTTQ tổ chức), sẽ tiến hành giám sát từ 5/3 (đợt 1 trong kế hoạch bầu cử).

Nhìn chung, các nội dung kiểm tra, giám sát đều được lưu ý nhưng chuyện xác định quốc tịch, cơ quan giám sát sẽ rút kinh nghiệm rất sâu sắc bởi những gì đã "vướng" ở Quốc hội khóa trước thì phải chú ý khắc phục ở khóa này. Trong thông tư hướng dẫn ông tác kiểm tra, giám sát bầu cử đã nêu rõ nội dung của từng đợt giám sát, xác định rõ cần tập trung giám sát trọng tâm, trọng điểm các vấn đề cụ thể.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Phương Thảo

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP