UB Thường vụ Quốc hội vừa qua đã cho ý kiến điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV trong một buổi họp không mời báo chí tham dự. Đây là hoạt động thực hiện Nghị quyết 1185 ban hành trước đó về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV.
Theo nghị quyết này, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 người.
Số lượng đại biểu ở các cơ quan Trung ương là 207 đại biểu (41,4%).
|
Trong đó, số lượng đại biểu ở các cơ quan Trung ương được phân bổ tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cụ thể, có 10 đại biểu cho các cơ quan Đảng, 3 người cho cơ quan Chủ tịch nước, 133 đại biểu cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, 15 đại biểu ở các cơ quan Chính phủ (gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an).
Lực lượng vũ trang có 12 đại biểu quân đội (cơ quan Bộ, các quân khu, quân chủng và lĩnh vực trọng yếu); 2 đại biểu công an. Tòa án nhân dân Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước mỗi cơ quan được dự kiến 1 đại biểu.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có 29 đại biểu.
Số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương được phân bổ là 293 người. Trong đó, cơ cấu định hướng gồm 220 đại biểu, gồm 63 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiêm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (bí thư hoặc phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND).
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là 67 người (với Hà Nội, TPHCM, Nghệ An và Thanh Hóa, mỗi địa phương có 2 đại biểu Quốc hội chuyên trách).
Theo định hướng ở địa phương, trong lĩnh vực doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh được giới thiệu 7 đại biểu (1,4%).
Có 73 đại biểu nằm trong cơ cấu hướng dẫn do các địa phương giới thiệu, gồm đại diện các ngành: Khoa học - công nghệ, lao động, thương binh - xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa - nghệ thuật, đại diện Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên…
Về cơ cấu kết hợp, Nghị quyết nêu rõ trong cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa mới có 95 ủy viên Trung ương, trong đó có 12-14 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.
Đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu (5%-10%); đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 50 người (10%); đại biểu tái cử khoảng 160 người (32%).
Đại biểu là người dân tộc thiểu số bảo đảm tỷ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Đại biểu là phụ nữ bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
UB Thường vụ Quốc hội giao Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ban Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam, UB bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên bảo đảm bầu đủ số lượng 500 đại biểu, đáp ứng tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.
Theo Nghị quyết 1185, dự kiến phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo nguyên tắc: Mỗi tỉnh thành có ít nhất là 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 đại biểu.
Bên cạnh đó, yêu cầu UB Thường vụ Quốc hội đặt ra là bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất là 6 đại biểu.
Tác giả: Phương Thảo
Nguồn tin: Báo Dân Trí