Pháp luật

Sát hại người phụ nữ vì không vay được tiền chuộc điện thoại

Bị kết án tử hình tội Giết người cướp của, được ân xá xuống Chung thân, nhiều đêm mất ngủ, phạm nhân Tình chỉ mong có thể quay ngược thời gian để làm lại cuộc đời.

Chúng tôi đến Trại giam Quyết Tiến, tỉnh Tuyên Quang vào ngày giữa hè, nắng như đổ lửa. Mặc dù là ngày nghỉ nhưng nhiều phạm nhân ở đây vẫn tự nguyện xin làm việc, bởi họ hiểu rằng, mọi sự cố gắng của họ, dù là nhỏ nhưng vẫn sẽ được ghi nhận, đó cũng là những nỗ lực để họ làm lại cuộc đời.

Đang mải miết sâu các hạt gỗ để làm đệm ghế, thấy chúng tôi đến, phạm nhân Phạm Văn Tình, 31 tuổi, quê ở xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vui vẻ: "Chào các nhà báo". Tình cho biết, mình bắt đầu chấp hành án phạt ở trại giam Quyết Tiến từ năm 2011 đến nay. Trước đó, năm 2008, Tình bị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên tuyên án tử hình vì tội Giết người, cướp của. Sau được Chủ tịch nước ân xá, Tình được giảm án từ tử hình xuống chung thân.

Phạm nhân Phạm Văn Tình


Nói về tội lỗi của mình, Tình ân hận: Do mải mê, chơi bời, nên mới học đến lớp 5 thì đối tượng bỏ học và tập tành hút sách để rồi nghiện ma tuý từ lúc nào không biết. Việc phạm tội cũng bắt đầu từ việc sau khi dùng ma túy, không kiểm soát được hành vi nên đã ra tay sát hại một người phụ nữ, lấy đi một chiếc vòng tay- mà đến khi bị bắt, Tình mới biết đó là đồ giả.

Cụ thể, đêm 14/8/2008, Phan Văn Tình cùng với 3 bạn nghiện đi ăn cháo đêm, sau đó rủ nhau mua ma túy về sử dụng. Do không có tiền, Tình đã cắm chiếc điện thoại Nokia-1200 của mình lấy 150 nghìn đồng. Có được tiền cầm cố, cả nhóm rủ nhau về bến xe khách Thái Nguyên mua ma túy sử dụng.

Dùng ma túy xong, khoảng 1h sáng ngày 15/8/2008, trên đường về nhà, Tình nảy sinh ý định vào nhà bà Nguyễn Thị L., sinh năm 1948 là người cùng xóm vay tiền để chuộc điện thoại. Đến nhà bà L., Tình gọi cửa nói dối là đến trả nợ tiền.

Tin tưởng lời Tình, bà L. mở cửa. Khi vào nhà, Tình không trả nợ mà lại hỏi vay thêm tiền. Bị bà L. từ chối, Tình đã xô ngã bà này, rồi dùng tay siết cổ nạn nhân dẫn đến tử vong.

Sau khi sát hại nạn nhân, Tình lục soát lấy một chiếc lắc kim loại màu vàng cho vào túi. Sau đó, đối tượng xuống mở cửa bếp, lấy bật lửa hút thuốc, uống hết một vỉ sữa tươi, một lon nước ngọt rồi rời khỏi hiện trường.

Đến 15h cùng ngày, đối tượng Tình bị cơ quan CSĐT tỉnh Thái Nguyên bắt giữ.

Phạm nhân này cho biết, mặc dù vụ án đã xảy ra cách đây gần 13 năm, nhưng nhiều đêm, cứ đặt mình xuống ngủ, quá khứ lại ập về khiến bản thân trằn trọc không ngủ được. Lúc đó, Tình lại suy nghĩ về cuộc đời, về việc đã làm và thương bố, mẹ già.

“Chỉ khi phạm phải sai lầm, phải vào trại cải tạo, lúc đó, tôi mới có thời gian nghĩ về bản thân, gia đình. Lúc chưa phạm tội, tôi như con ngựa bất kham. Tôi 18 tuổi, nhưng không công ăn, việc làm, ham mê chơi bời, sa vào nghiện ngập nên đã hủy hoại tương lai của bản thân, lấy mất mạng sống của người khác. Đến bây giờ, bố mẹ tôi không có người chăm sóc”- Phạm nhân Tình cho biết.

Theo chia sẻ của phạm nhân này, thời điểm đi chấp hành án phạt ở đây, tuổi đời còn rất trẻ, án dài, gia đình không quan tâm nên xuất hiện tư tưởng chống đối. Tuy nhiên, cán bộ giáo dục thường xuyên gọi ra động viên, thăm hỏi về gia đình, sức khỏe của bố mẹ nên yên tâm cải tạo để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

“Biết bố mẹ ở nhà ốm, cán bộ cho phép tôi gọi điện về hỏi thăm bố mẹ. Cán bộ còn động viên tôi viết thư thăm hỏi gia đình và gửi thư giúp”- phạm nhân Tình nói thêm.

Dịp 30/4-1/5/2021, Tình là một trong 3 phạm nhân ở Trại giam Quyết Tiến được giảm án từ chung thân xuống 30 năm.

Đại úy Hoàng Tuấn Vũ


Phạm nhân này cho biết: “Nếu cuộc đời là một cuốn sách, lật giở lại được những trang đầu, thì tôi sẽ cố gắng sống tử tế để không sa ngã. Còn giờ chỉ mong cải tạo thật tốt để về với gia đình, có một công việc để làm, đủ nuôi sống bản thân”.

Đại úy Hoàng Tuấn Vũ, Phó trưởng phân trại 3, Trại giam Quyết Tiến cho biết, đa phần số phạm nhân án dài, nhất là án chung thân thường có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ít khi được người thân quan tâm thăm hỏi, động viên, cho nên ban đầu họ thường không yên tâm cải tạo. Số này thường có thái độ tiêu cực, chống đối. Để giúp nhóm đối tượng này, Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ thường xuyên gặp gỡ, động viên, quan tâm, chia sẻ, nhất là vào những ngày lễ, gia đình không đến thăm. Ban Giám thị còn chuẩn bị các phần quà riêng trao cho từng cá nhân.

Đối với Phạm nhân Tình, Đại úy Vũ nhận xét: Khi vào trại, Tình cũng có tư tưởng tiêu cực, chống đối, đã rất nhiều lần Ban Giám Thị và cán bộ phải gặp gỡ, động viên Tình.

“Qua những tâm tư, chia sẻ của phạm nhân này, chúng tôi hiểu, Tình phạm tội khi còn rất trẻ, bản thân lại mới chỉ học hết lớp 5, nên nhận thức còn non nớt. Mỗi lần Tình chống đối, chúng tôi lại nhắc đến bố mẹ, đến nạn nhân và tương lai phía trước còn dài nếu cải tạo tốt. Một lần đối tượng không hiểu, hai lần không hiểu thì nhiều lần đối tượng sẽ hiểu”- Đại úy Vũ nói thêm.

Đến nay, phạm nhân Tình đã có tư tưởng tích cực, yên tâm lao động cải tạo. Từ phạm nhân cải tạo yếu, kém bây giờ đã cải tạo khá, tốt./.

Tác giả: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP