Giáo dục - Đào tạo

Nữ giáo viên Thị xã Hồng Lĩnh bị điều làm ‘tiếp tân’ hay ‘tiếp viên’?

Từ phát hiện của một tờ báo điện tử, dư luận rộ lên chuyện UBND Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) điều động một số nữ giáo viên trẻ làm lễ tân, buộc các cô đi tiếp khách trong các buổi tiệc tùng ở các nhà hàng, karaoke. Thậm chí nhiều giáo viên bị sàm sỡ, nhiều gia đình giáo viên bị xào xáo, nhiều giáo viên bức xúc vì danh dự nhân phẩm bị xúc phạm, giá trị đạo đức nghề nghiệp bị tổn thương.

Nữ giáo viên Thị xã Hồng Lĩnh bị điều làm 'tiếp tân' hay 'tiếp viên'?
Nữ giáo viên Thị xã Hồng Lĩnh bị điều làm ‘tiếp tân’ hay ‘tiếp viên’?
Hình minh họa.

Các ý kiến này đã được phản ảnh đến Trưởng phòng Giáo dục Thị xã. Ông Trưởng phòng xác nhận những hiện tượng đã nêu “Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”. Ông này còn cho rằng: “Quan điểm của Phòng, việc giáo viên tham gia các sự kiện văn hóa, chính trị trên địa bàn cũng là nhiệm vụ cần phải thực hiện”.

Phải chăng ông Trưởng phòng Giáo dục Thị xã Hồng Lĩnh và các quan chức ở đây đang có sự ngộ nhận đánh đồng giữa hoạt động tiếp tân và tiếp khách, đồng hóa giữa lễ tân và tiếp viên?.

Theo tin đưa trên báo điện tử, văn bản của UBND thị xã điều động cán bộ, giáo viên làm lễ tân, phục vụ các hoạt động ngoại khoá, đã bị các lãnh đạo địa phương lợi dụng, lấy đó làm tấm “thẻ bài”, buộc các cô giáo phải tham gia tiếp khách, gây phản cảm. UBND thị xã Hồng Lĩnh đã nhiều lần gửi công văn đến Phòng Giáo dục, các trường mầm non, tiểu học, THCS đóng trên địa bàn với nội dung: Điều động cán bộ, giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn. Các thành phần “lễ tân” này, thường được lập dựa trên “đề cử” sẵn từ các đơn vị.

Nỗi niềm nữ giáo viên

Văn bản vô tình bị lợi dụng, khiến hàng chục giáo viên trở thành “lễ tân” trong các cuộc liên hoan, ăn uống của cán bộ cấp trên và những vị khách của lãnh đạo thị xã. Ban đầu, vì sự quan trọng của các buổi lễ, các giáo viên đã tham gia đầy đủ trách nhiệm. Tuy nhiên, theo phản ánh của các nữ giáo viên: Sau đó, họ đã liên tục bị “điều động” vào các hoạt động sai mục đích ghi trong văn bản.

“Sau buổi lễ, bọn em lại bị điều động đi ăn uống với quan khách tại các nhà hàng. Việc xuất hiện ở các bữa tiệc, ăn uống, chúc rượu khiến tâm lý bọn em rất ái ngại; ngay cả mặc gì cho phù hợp cũng đã thấy rất khó, chưa kể đến việc trong lúc chén bia, chén rượu… tránh sao khỏi những hành động khiếm nhã”, một cô giáo trong cuộc tâm sự.

Nhiều cán bộ, giáo viên cảm thấy mình bị xúc phạm, tủi thân và phản ứng với việc này. Theo đó, ngoài việc dạy học tại trường, các cô giáo trẻ, có hình thức ưa nhìn… phải thường xuyên bị “điều” đến các nhà hàng, quán karaoke… để tiếp khách theo hình thức ăn nhậu và hát hò.

Gần đây nhất, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã ra Thông báo số 77/TB – UBND, điều động 21 giáo viên nữ từ bậc mầm non đến THCS, tham gia phục vụ tại chương trình Liên hoan Dân ca ví dặm. Theo các cô giáo, sau khi nhận nhiệm vụ tiếp đón các đoàn khách, các cô tiếp tục phải đi ăn, uống rượu, rồi hát hò với quan khách.

Một giáo viên mầm non ngậm ngùi: “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ. Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…”.

Danh sách nữ giáo viên được điều động làm lễ tân tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Theo các cô, việc thường xuyên phải đi tiếp khách đã khiến không ít lần vợ chồng, những người trong gia đình có xung đột, ghen tuông. Có những lần chồng bức xúc, gay gắt, bắt vợ bỏ việc về buôn bán, chợ búa. “Vì nhiệm vụ phải thực hiện, bọn em còn gia đình, chồng con và những người thân xung quanh. Người ngoài nhìn vào họ bàn tán ghê lắm”, một cô giáo tâm sự.

Liên quan sự việc này, ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng Giáo dục thị xã Hồng Lĩnh xác nhận có sự điều động này, có việc giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các buổi lễ. “Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”, ông Trưởng phòng nêu quan điểm.

Liên quan sự việc này, một hiệu trưởng trường mầm non trên địa bàn Hồng Lĩnh thẳng thắn cho biết: “Tôi cũng đã được nghe các giáo viên tâm sự, phản ánh sự việc trên rồi. Tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ chính của các cô là dạy học. Nhà trường cũng đã có ý kiến lên phòng về việc này”.

Ngộ nhận khái niệm?

Tuy nhiên, trước phản ứng của giáo viên, ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng Giáo dục thị xã Hồng Lĩnh nói: “Quan điểm của phòng, việc giáo viên tham gia các sự kiện văn hóa, chính trị trên địa bàn cũng là nhiệm vụ cần phải thực hiện”.

Vấn đề cần bàn ở đây là thế nào là lễ tân, tiếp tân, giáo viên có phải tham gia các hoạt động lễ tân của địa phương hay không? Thực chất các hoạt động của các giáo viên bị trưng dụng ở đây là gì?

Theo từ điển tiếng Việt của Viện Khoa học xã hội, chữ “lễ tân” có nghĩa là việc tiếp xúc giao thiệp ngoại giao theo những thể thức nhất định. “Tiếp tân” là động từ, là tiếp đón khách. Như vậy, việc tiếp tân trong các buổi lễ, hội nghị chỉ có thể đóng khung theo hoạt động chính thức của lễ, hội nghị ấy như: tiếp đón khách, hướng dẫn vào vị trí trong hội trường, phục vụ tài liệu theo yêu cầu của ban tổ chức và tiễn khách ra về. Vị trí công việc lễ tân của người làm công việc tiếp tân chỉ có thể là hội trường, nơi hành lễ.

Trong đời sống xã hội, chữ “lễ tân” dù được mở rộng hơn nhưng cũng không ra ngoài việc giao tiếp, hướng dẫn theo nghi thức. Trong các nhà hàng khách sạn, quầy tiếp tân là nơi tiếp nhận yêu cầu của khách đặt phòng, đặt bàn và hướng dẫn du khách các thông tin cần thiết. Vị trí làm việc của họ đóng khung trong quầy tiếp tân chứ không bước ra ngoài.

Việc hướng dẫn phục vụ khác ở phòng ngũ, phòng ăn thuộc về một vai trò khác đó là tiếp viên. Cũng theo từ điển tiếng Việt, “tiếp viên” là danh từ chỉ nhân viên đón tiếp, hầu bàn, phục vụ khách hay là chiêu đãi viên. Trong xã hội chúng ta, nghề tiếp viên nhà hàng khách sạn bị xem là nghề “nhạy cảm” với nhiều thành kiến.

Với sự mô tả của tờ báo điện tử trên và lời kể đầy cảm thán của những giáo viên bị trưng dụng đi làm “lễ tân”, rõ ràng là họ đã bị điều động đi làm tiếp viên, chiêu đãi, tiếp khách ăn nhậu tại các nhà hàng, karaoke, chứ không phải là ở các công sở.

Xã hội chúng ta theo truyền thống tôn sư trọng đạo, nghề giáo được tôn vinh. Trên góc độ sư phạm, thầy cô giáo là người mẫu mực về lối sống hành xử đối với học trò. Hình ảnh các cô giáo phải làm “lễ tân” trong bàn tiệc của quan chức là không phù hợp với giá trị đạo đức mà nhà trường đang rao giảng với các em.

Phải chăng, ở đây đã có sự ngộ nhận hoặc là sự ngụy biện đánh tráo khái niệm khi lập lờ đồng hóa công việc “tiếp tân” và “tiếp viên”?

Điều đáng tiếc là không chỉ một người “ngộ nhận” như vậy mà nhiều người được các giáo viên “tiếp tân” trên bàn tiệc cũng vô tư thụ hưởng điều này. Hy vọng khi dư luận lên tiếng, sự ngộ nhận này sớm được chấm dứt.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Khoa học xã hội, chữ “lễ tân” có nghĩa là việc tiếp xúc giao thiệp ngoại giao theo những thể thức nhất định. “Tiếp tân” là động từ, là tiếp đón khách. Như vậy, việc tiếp tân trong các buổi lễ, hội nghị chỉ có thể đóng khung theo hoạt động chính thức của lễ, hội nghị ấy như: tiếp đón khách, hướng dẫn vào vị trí trong hội trường, phục vụ tài liệu theo yêu cầu của ban tổ chức và tiển khách ra về. Vị trí công việc lễ tân của người làm công việc tiếp tân chỉ có thể là hội trường, nơi hành lễ.

Cũng theo Từ điển tiếng Việt, “tiếp viên” là danh từ chỉ nhân viên đón tiếp, hầu bàn, phục vụ khách hay là chiêu đãi viên.

Anh Kiệt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP