Xã hội

Nông dân trong nỗi khiếp sợ bệnh tật: Xin một liều thuốc ngủ để được chết!

Cả đời bới đất lật cỏ, nhiều nông dân ngày nay đang vấp phải bi kịch chưa giàu đã già, chưa già đã sắp chết, bệnh tật đã cuốn phăng tất cả của họ từ tài sản đến niềm tin. Và có một thực tế nghiệt ngã: Thời trai trẻ họ 'bỏ' sức khỏe kiếm tiền, khi chưa về già lại 'bỏ tiền' để giữ sức khỏe...

Ác mộng của muôn ngàn người

Ánh sáng nến run rẩy, mùi ngũ vị hương thơm ngào ngạt, khói trầm bảng lảng, tiếng mõ lốc cốc niệm nam mô, tiếng khoát nước mộc dục (tắm cho người chết) xoàn xoạt khiến cho anh sợ quá kêu lên: “Tôi vẫn chưa chết, vẫn còn sống đấy, đừng đem chôn…”. Nhưng tiếng anh kêu yếu ớt quá không thành lời nên chẳng ai nghe thấy, họ vẫn cặm cụi thực hiện tiếp nghi lễ. Ú ớ, co đạp thật lực chân tay một hồi cuối cùng anh cũng bừng tỉnh, mồ hôi đầm đìa khắp người. Thì ra đó chỉ là một cơn ác mộng.

Nguyễn Văn Trờ (xin được đổi tên) quê ở xã An Hòa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) ngượng nghịu kể cho tôi về giấc mơ khủng khiếp kia cũng là một người đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, kề cửa tử. Cả đời bới đất lật cỏ kiếm ăn, đến khi 45 - 50 tuổi, ngẩng mặt lên, tuy chưa già nhưng bệnh tật đã lăm le tràn tới, toan cướp đi mạng sống của anh.

Một lời nói đùa nhưng rất đau rằng quốc hoa, quốc phục của Việt Nam có thể vẫn còn gây ra những tranh luận chưa ngã ngũ nhưng "quốc bệnh" hiện nay thì ai nấy đều đồng tình với hai tiếng: ung thư. Cách đây hơn 10 năm khi tôi là người đầu tiên viết về làng ung thư Thạch Sơn ở tỉnh Phú Thọ thì nhiều người ồ, à lên: “Sao lại có một cái làng có nhiều người chết vì ung thư thế?”.

Lượng thuốc dùng trong 2 tháng của một bệnh nhân bị đa bệnh

Giờ từ miền núi, trung du, đồng bằng đến duyên hải, đảo xa đâu đâu cũng có những làng ung thư. Một căn bệnh hình thành nên bởi sự dị thường của tế bào đã trở thành thứ quá bình thường. Một nỗi đau khủng khiếp đã trở thành chai sạn đến nỗi phó mặc theo kiểu trời kêu ai nấy dạ.

Tam Dương - một huyện tương đối thuần nông của tỉnh Vĩnh Phúc, không có các khu công nghiệp lớn, không có các nhà máy to nào đủ để gây ô nhiễm nhưng theo anh Lăng Văn Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm y tế thống kê mỗi ngày đơn vị mình cũng chuyển lên trên khoảng 7 - 8 ca bệnh nặng trong đó 3 - 4 người là ung thư. Điều đó đồng nghĩa với mỗi tháng 60 - 70 ca ung thư, mỗi năm 600 - 700 ca ung thư, trái ngược hoàn toàn với 20 năm trước, khi anh mới bắt đầu về đơn vị, mỗi tuần may ra chỉ có vài ba người, tức gấp gần 10 lần.

Chưa bao giờ ở nông thôn lại la liệt những người bụng ỏng, da vàng bủng, mắt thâm quầng vật vờ chờ xạ trị, hóa trị hay run rẩy chờ những mũi tiêm móc phin đến thế.

Tỷ lệ ung thư rải đều trên toàn huyện chứ không tập trung vào một xã nào. Thực ra cấp Trung tâm y tế huyện như của anh cũng chỉ được phép nghi ngờ khi thăm khám rồi chuyển lên trên chứ không đủ khả năng kiểm tra được bệnh ung thư vì thiếu con người, thiếu phương tiện. Đến khi bệnh nặng, tuyến trên trả về thì đơn vị lại làm nhiệm vụ xác nhận vào đơn mua móc phin của bệnh nhân để tiêm cho họ giảm đau, chờ đợi ngày chuyển kiếp, thế thôi.

Cha, con ung thư ôm nợ cả nửa tỷ đồng

Nếu ở miền núi thường có các cơn lũ quét tự nhiên thì ở đồng bằng có các cơn lũ quét nhân tạo là bệnh ung thư. Nó không chỉ đốn gục nhanh chóng người bệnh mà còn tàn phá rất nhanh kinh tế của cả gia đình họ. Ông Đào Xuân Trường ở xã An Hòa là một ví dụ điển hình. Vợ chồng ông sinh được 4 con thì 3 đã lấy chồng, chỉ còn đứa út mới học lớp 9 đã phải bỏ học, mượn tên người khác để giả hồ sơ cho đủ tuổi đi công nhân.

Ngôi nhà đại đoàn kết làm cho sau một trận mưa đá mái vỡ tả tơi nên nắng thì có nhà nhưng mưa lại không, phải đi ở nhờ họ hàng. Nhà tắm cũng chỉ là mấy bức tường vây ngang ngực, không mái, không cửa, tơ hơ giữa đất trời. Thế mà họ lại bị thứ bệnh hiểm nghèo hao tiền tốn của là ung thư khi cha 57 tuổi bị K phổi còn con mới chỉ 28 tuổi bị K giáp. Tuổi thanh xuân đang tràn sức sống của Đào Thúy Ngọc bị chặn đứng vì cái án tử hình cứ lơ lửng, chờn vờn trước mắt mỗi ngày.

Trước bệnh tình vô phương cứu chữa, gia đình nhà chồng nhanh chóng ngãng ra khiến cho gánh nặng trút tất lên gia đình ông. Tiền khám chữa, tiền ăn, tiền đi chăm nuôi nhanh chóng bòn rút chút tài sản vốn đã hết sức cỏn con của người nông dân này nên ông phải vay tới nửa tỉ đồng. Số tiền khổng lồ đó huy động trong họ 20 nhà không đủ còn ngoài họ thì cả một góc làng quê nghèo với mức lãi suất trung bình 5 - 10%/tháng.

Nhà ông Trường có mỗi 2 sào ruộng làm kế sinh nhai thì từ khi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai khánh thành bị ngập úng không tiêu thoát được, bỏ không đã vài vụ. Nhiều lần gửi đơn kêu cứu lên huyện, tỉnh nhưng vẫn không thấy thay đổi gì. Khi con đường sống trước mắt bít bùng không lối thoát, ông nói mà như rên lên: “Tôi không còn sống được bao lâu nữa thì chạy chữa để làm gì trong khi sẽ để lại một cục nợ cho gia đình, truyền từ đời này qua đời khác? Lắm lúc cả hai bố con cùng nằm chơ vơ ở xó hè bệnh viện thì chỉ muốn uống liều thuốc ngủ để cho chóng chết, nhưng mình đã vậy, chỉ thương con Ngọc còn ít tuổi quá…”

Xin được khoét mắt mình hiến cho con

Một trường hợp khác không kém phần bi đát khác. Một ngày khi đang cho đàn lợn ăn thì anh Hà Văn Tá nhận được cú điện thoại từ một số lạ: “Anh có phải là Hà Văn Tá ở thôn Yên Thượng xã An Hòa huyện Tam Dương có con là Hà Thị Kim Anh đang học Học viện Nông nghiệp không?”. Giật mình, bàn tay còn vấy cám của anh cầm cái điện thoại bỗng run lên cầm cập, miệng chỉ lắp bắp được mấy tiếng dạ vâng. Người lạ đó nói tiếp: “Tôi là bác sĩ khám bệnh cho cháu, ngày mai anh đưa cháu đi khám ở Bệnh viện mắt Trung ương, nghi là bị ung thư đấy!”.

Anh Tá tình nguyện hiến mắt cho con mà không được

Kim Anh sắp nhận được bằng tốt nghiệp đại học, là niềm tự hào, là hi vọng của cả gia đình, cả dòng họ nên nghe tin ấy anh Tá xây xẩm mặt mày, rụng rời cả chân tay. Bệnh tình của em tiến triển rất nhanh, 15 ngày sau mắt em đã lồi ra 1cm do bị khối u nằm dưới mũi chèn ép, nếu không mổ nhanh tế bào ác tính sẽ ăn vào não, khó mà giữ nổi mạng sống. Tình thế buộc phải khoét đi một bên mắt.

Bán tất tật những thứ có thể bán được vẫn không đủ anh chị phải vay nóng 90 triệu đồng để trang trải cuộc phẫu thuật cho con. “Con mắt đã gần như chết hẳn chỉ còn mỗi giác mạc còn sống anh chị mang về hay hiến cho người khác?”. Nghe lời bác sĩ hỏi, anh Tá chỉ thẫn thờ: “Thôi hiến cho người khác!”.

Rồi một tia hi vọng bùng cháy bên trong. Anh khẩn khoản xin được hiến một mắt của mình để lắp cho con, cho khuôn mặt nó lại đầy đặn như xưa, cho niềm vui của nó lại long lanh trong hai con mắt. Nó còn trẻ, chồng con chưa có, còn cả tương lai ở phía trước kia mà? Nhưng nghĩa cử cao đẹp đó của anh Tá trở nên vô ích vì không thể thực hiện được ca cấy ghép do dây thần kinh nơi hốc mắt em đã bị chết hoàn toàn.

Sau phẫu thuật là những đợt xạ trị liên miên 27 mũi rồi mà soi kiểm tra tế bào ác tính vẫn còn khu trú bên trong nên tiếp tục phải làm tiếp đến 35 mũi. Vợ rời quê lên thành phố chăm con để lại nhà mình anh thui thủi lo chuyện lợn gà, chuyện đồng ruộng. Cứ mỗi lần nhớ Kim Anh là anh lại mang tấm ảnh chân dung của nó ra mà ngắm. Trong hình là một cô gái da dẻ hồng hào, nụ cười hàm tiếu, mắt lay láy đen huyền như mãi mãi ở tuổi thanh xuân.

Tác giả: DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

  Từ khóa: bệnh tật , nông dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP