Kinh tế

Muôn mặt hàng giả, hàng nhái những ngày cuối năm

Không chỉ tinh vi về mẫu mã, hàng giả, hàng nhái có mặt trên thị trường hiện nay đã không ngừng gia tăng về số lượng, ngày một tinh vi như hàng thật. Sau khi thương hiệu Khải Silk ở Hà Nội bị phát hiện bán hàng giả, người tiêu dùng Hà Nội khó lòng tin tưởng với một số sản phẩm nhái thương hiệu trà trộn bán giá “trên trời”.

Với hàng hóa đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở các nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Lào, sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ.

Hàng giả sản xuất trong nước

Sau khi thương hiệu Khải Silk bị phát hiện lừa dối người tiêu dùng, thị trường “hàng hiệu” ở Hà Nội gặp phen lao đao trong khâu tiêu thụ. Nhiều sản phẩm gắn nhãn mác thương hiệu nổi tiếng bán với giá “trên trời” làm người mua không phân biệt được thật – giả.

Với những sản phẩm chính hãng đặt đại lý ở Hà Nội chỉ có số lượng nhất định, nhưng trên nhiều tuyến phố, ngay cả trung tâm thương mại bày bán rất nhiều hàng hóa mang thương hiệu đó. Người tiêu dùng hồ nghi rằng đó không phải là hàng chính hãng nhưng chẳng biết hỏi ở cơ quan nào.

Có mặt ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ vào ngày giáp Tết, chúng tôi nhận thấy ở đây bày bán rất nhiều quần áo, giày dép mang thương hiệu nước ngoài như Adidas, Nike, Pluma… với giá bình dân. Túi xách hàng fake 1, fake 2 nhái thương hiệu của Hermes, Louis Vuitton… bày bán nhiều.

Tăng cường kiểm soát thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm kiểm tra điểm tập kết tại trước sân Ga Hà Nội đã phát hiện và tịch thu 270 đôi giày giả mạo nhãn hiệu Nike.

Theo Chi cục QLTT Hà Nội, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ năm 2017 diễn ra phức tạp và sẽ còn phức tạp trong năm 2018.

Ngoài việc làm giả các mặt hàng của các thương hiệu nôi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các mặt hàng được tiêu thụ tốt do trong nước sản xuất, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng từ nước ngoài và từ Trung Quốc vào trong nước tiêu thụ.

Nhóm mặt hàng được các đối tượng tập trung làm giả chủ yếu là thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng…

Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Đối với hàng hóa đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở các nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Lào, sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ.

Đối với hàng không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề như Sơn Hà, Phú Yên (huyện Phú Xuyên), La Phù (huyện Hoài Đức), Đình Xuyên – Ninh Hiệp (huyện Gi Lâm)…

Điển hình là Đội QLTT số 33 phối hợp với Đội 8, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) và Phòng 5, Cục C74 (Bộ Công an) kiểm tra Công ty TNHH Nam Phong (khu Công nghiệp Phú Minh, quận Bắc Từ Liêm), phát hiện tại đây đang sản xuất rất nhiều nhãn bao bì giả. Công ty này đã bị xử phạt 40 triệu đồng về hành vi sản xuất nhãn bao bì giả có số lượng từ 10.000 đơn vị trở lên.

Không chỉ hàng hóa thông thường bị sản xuất giả, mà ngay cả gương xe hơi xịn cũng được làm giả ngay tại Việt Nam. Đội QLTT số 14 phối hợp với Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế tiến hành kiểm tra Công ty cổ phần Kính ôtô Vượng Anh và Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất thương mại Khải Hoàn, đều ở quận Hai Bà Trưng, kinh doanh phụ tùng ôtô, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Qua kiểm tra đã tạm giữ tại 2 cơ sở 26 chiếc kính ôtô nhãn hiệu BMW, 6 chiếc kính ôtô nhãn hiệu Mercedes và 31 chiếc khuôn in các loại nhãn hiệu BMW, Mercedes giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Xét thấy vụ việc có dấu hiệu phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả, Đội QLTT số 14 đã thống nhất với cơ quan Công an đề nghị lãnh đạo Chi cục QLTT chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tang vật sang Công an TP Hà Nội để khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can.

Thực phẩm chức năng giả

Loạn thực phẩm chức năng là từ mà nhiều người vẫn hình dung khi trên thị trường dược phẩm hiện nay, thực phẩm chức năng được giao bán trăm hoa đua nở. Phần lớn thực phẩm chức năng quảng cáo là hàng xách tay từ Mỹ, Nhật, Pháp… về với rất nhiều công dụng, giúp làm đẹp, nâng cao sức khỏe.

Ngay cả thực phẩm chức năng được quảng cáo giống như vitamin tổng hợp đã đánh vào tâm lý của người tiêu dùng và được bán với nhiều mức giá rất “chát”. Tuy nhiên, thực phẩm chức năng được nhận định là một trong những mặt hàng bị làm giả, làm nhái nhiều.

Với hình thức kinh doanh trên mạng thì mặt hàng này hiện nay rất khó kiểm soát về chất lượng, giá cả và người tiêu dùng có khi mất tiền thật để mua hàng giả. Ngay cả công ty dược phẩm cũng kinh doanh thực phẩm chức năng giả thì người tiêu dùng biết tin vào đâu.

Điển hình là việc Đội QLTT số 14 phối hợp với Công an TP Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng của Công ty cổ phần Dược phẩm Đại Y (phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai), phát hiện tại đây kinh doanh 3.093 hộp thực phẩm chức năng giả, 204 hộp thực phẩm chức năng không phù hợp công bố áp dụng.

Đội QLTT số 14 đã đề xuất UBND TP Hà Nội xử phạt Công ty cổ phần Dược phẩm Đại Y 184,286 triệu đồng với các hành vi: kinh doanh thực phẩm chức năng giả không có giá trị sử dụng, công dụng và kinh doanh thực phẩm chức năng có chất lượng không phù hợp công bố.

Tiếp đó, kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng thuộc Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế Canada Việt Nam (Khu Công nghiệp Liên Phương, Thường Tín), lực lượng chức năng phát hiện tại đây kinh doanh 14.451 hộp thực phẩm chức năng giả không có giá trị sử dụng, công dụng và 5.460 hộp thực phẩm chức năng không phù hợp công bố áp dụng giá trị. Đội QLTT số 14 đã đề xuất xử phạt công ty trên 233 triệu đồng.

Theo ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 thì đơn vị thường xuyên tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng hóa xâm phàm quyền sở hữu công nghiệp tại các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Bông, Hàng Gai, chợ Đồng Xuân.

Ngoài ra, Chi cục QLTT chỉ đạo các đội kiểm tra các hội chợ, làng nghề, khu công nghiệp… Năm 2017 đã kiểm tra, xử lý 1.558 vụ hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; phạt hành chính trên 13 tỷ đồng.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán, Hà Nội đang tổ chức nhiều hội chợ triển lãm, hội chợ hàng tiêu dùng, đây là thời điểm để hàng giả, hàng nhái trà trộn tiêu thụ. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm mà các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tiêu thụ khối lượng rất lớn, do vậy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cần phải đẩy mạnh và siết chặt, đặc biệt là thường xuyên tái kiểm tra các cơ sở kinh doanh đã vi phạm để người tiêu dùng không bị mất tiền oan để mua hàng giả

Tác giả: Trần Hằng

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: hàng nhái , hàng giả

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP