Di tích - Thắng cảnh

Lũy đá cổ Kỳ Anh: Đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia

Vừa qua, xã Kỳ Lạc- huyện Kỳ Anh đã tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia Lũy đá cổ Kỳ Lạc. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Trí Sơn- Giám đốc Bảo tàng tỉnh; Nguyễn Anh Phong- HUV- Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Nguyễn Lộc Hằng- Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và bà con nhân dân.

hatinh24h (2)

Công trình kiến trúc nghệ thuật lũy đá cổ ở xã Kỳ Lạc- huyện Kỳ Anh.

Lũy đá cổ Kỳ Anh được các nhà chuyên môn khảo cổ và Bảo tàng phát hiện vào năm 1993, đây là một di tích thành lũy quan trọng ở Bắc Trung bộ nên được Viện khảo cổ Việt Nam và Viện Viễn đông bác cổ Pháp tiến hành khảo cổ học. Quá trình khảo cổ xác định; Đây là di tích lũy đá cổ, điểm bắt đầu của lũy là chân dốc Đèo Bụt, kéo dài khoảng 1 km men theo sườn núi Trầm Hương ở Dãy Hoành Sơn  thuộc  xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh. Lũy đá hiện nay còn gần 500 m, được xây dựng bằng đá, không sử dụng chất kết dính, thành quay về hướng nam, nơi cao nhất là 6 m ở bề  mặt phía nam, về phía bắc cao nhất là 3 m, mặt thành rộng 3m, chân thành rộng 5 m. Đặc biệt, cách nhau khoảng 3 m dưới chân lũy hoặc trên thân lũy lại trổ một lỗ hình vuông. Hiện chưa tìm thấy những hiện vật, đồ dùng sinh hoạt có liên quan đến thành lũy, nhưng một phát hiện khá lý thú là công trình không có móng nhân  tạo mà người xưa chỉ dựa vào nền đất tự nhiên để xây dựng và chưa tìm thấy hệ thống thành lũy nào ở nước ta có kết cấu quy mô như lũy đá cổ Kỳ Anh. Qua quá trình nghiên cứu; Bước đầu nhận định lũy đá cổ Kỳ Anh được xây dựng và tu bổ thêm vào thời kỳ chiến tranh Trịnh Nguyễn, do nhà Trịnh ở đàng ngoài xây dựng làm phòng tuyến quân  sự đề phòng quân nguyễn từ đàng trong đánh ra. Lũy đá cổ Kỳ Anh hay còn gọi là lũy ông Ninh đã để lại dấu ấn trong tiến trình lịch sử đất nước, là một bộ phận trong nền kiến trúc cổ và khảo cổ học Việt Nam còn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay, là di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học cần được đầu tư nghiên cứu bảo tồn để phát huy giá trị.

Đại biểu tham dự lễ đón nhận di tích lịch sử Quốc gia lũy đá cổ Kỳ Anh.

Đồng chí Nguyễn Thái Toàn- Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc

báo cáo công trình kiến  trúc nghệ thuật Lũy đá cổ Kỳ Anh.

Hệ thống thành lũy đá cổ Kỳ Anh có giá trị lớn về khảo cổ và kiến trúc độc đáo, là hệ thống thành lũy mang tính chất quân sự được xây dựng và tu bổ thêm  vào thời Lê Trịnh thế kỷ XVII, là phòng tuyến  phòng thủ quân sự quan trọng của chúa Trịnh ở Đàng ngoài, chống lại sự xâm chiếm của nhà Nguyễn ở đàng trong. Lũy được xây bằng những viên đá tự nhiên của địa phương với một kỷ thuật ghép đá công phu và điêu luyện ở trên đỉnh núi cao, có độ dốc lớn, do khí hậu lại khắc nghiệt bảo lũ xảy ra thường xuyên nhưng lũy đá vẫn tồn tại với thời gian hàng thế kỷ mà không bị phá hủy. Đây cũng là giá trị nổi bật của di tích lũy đá cổ Kỳ Anh mà chúng ta cần bảo vệ nguyên trạng để phục vụ cho công tác nghiên cứu khảo cổ, kiến trúc và phục vụ cho công tác du lịch trong thời kỳ hội nhập. Lũy đá cổ Kỳ Anh được xếp hạng di tích cấp Quốc gia là niềm vinh dự cho người dân xã Kỳ Lạc nói riêng và huyện Kỳ Anh nói chung.

Đồng chí Nguyễn Lộc Hằng- Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện đọc Quyết định công nhận Lũy đá cổ Kỳ Anh là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Tại lễ đón nhận, thừa ủy quyền của Bộ Văn Hóa Thể thao du lịch, đồng chí Nguyễn Lộc Hằng- Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Kỳ Anh đã trao bằng công nhận xếp hạng di tích cấp Quốc gia lũy đá cổ Kỳ Anh cho cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Kỳ Lạc.

Cấp ủy Đảng, chính quyền và bà con nhân dân xã Kỳ Lạc đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia Lũy đá cổ Kỳ Anh.

Đồng chí Nguyễn Trí Sơn – Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh phát biểu tại lễ đón nhận.

Phát biểu tại lễ đón nhận, đồng chí Nguyễn Trí Sơn- Giám đốc Bảo tàng tỉnh đề nghị chính quyền xã Kỳ Lạc – huyện Kỳ Anh cần tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích để nhân dân hiểu và đồng hành cùng với các nghành chức năng làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của một công trình kiến trúc khảo cổ học có ý nghĩa về văn hóa lịch sử. Đồng thời, khẩn trương xây dựng quy hoạch tổng thể, hiện trạng khu di tích như cắm mốc địa giới,phân định khu vực bảo vệ di tích. Phối hợp với chặt chẽ với quần chúng nhân dân bảo vệ hiện trạng di tích lũy đá cổ, tôn tạo cảnh quan cũng như tạo điều kiện khai thác và phát huy có hiệu quả giá trị lịch sử, văn hóa của di tích./.

M. Hải- P.Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP