Vũ Quang

Hàng trăm hộ dân Vũ Quang khiếu kiện hành chính: “Tiền mất, tật mang!”

Lợi dụng sự kém hiểu biết của các hộ dân, một số đối tượng đã cấu kết kích động, xúi giục hàng trăm hộ dân ở các xã Hương Điền, Hương Quang khởi kiện UBND huyện Vũ Quang về các nội dung liên quan đến công tác đền bù, GPMB dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang.

Có thể trong công tác đền bù, GPMB chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân nhưng vì quá tin vào lời hứa hão huyền, các hộ dân đã lao vào vòng kiện tụng để rồi lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

“Phong trào”… kiện tụng!


Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang (Vũ Quang) xây dựng phục vụ việc cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó cụm công trình đầu mối là hồ chứa nước Ngàn Trươi với dung tích chứa hơn 775 triệu m3 nước, được khởi công vào tháng 6/2009. Tại 2 xã nằm trong vùng lòng hồ là xã Hương Điền và Hương Quang có 853 hộ phải di dời tái định cư (TĐC), trong số này có 414 hộ đăng ký tự TĐC, số hộ còn lại sẽ vào ở tại các khu TĐC đang được xây dựng. Cuối năm 2011, có 414 hộ tự TĐC đã nhận hết các khoản tiền đền bù.


Quá trình tổ chức kiểm kê, áp giá và chi trả tiền đền bù, GPMB, những thắc mắc nhỏ của các hộ dân đã được chính quyền các cấp và các ngành chức năng đối thoại, giải thích và giải quyết thấu đáo. Thế nhưng, sau khi nhận đầy đủ tiền đền bù, hàng trăm hộ dân đồng loạt gửi đơn khởi kiện UBND huyện Vũ Quang. Nội dung khởi kiện tập trung vào các vấn đề: UBND huyện Vũ Quang khi thu hồi đất đã không ban hành quyết định thu hồi đất; việc kiểm kê, kiểm đếm chưa được thực hiện công khai, minh bạch; áp giá đền bồi thường chưa tương xứng và không thực hiện đúng các chính sách về đền bù, GPMB.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Triển khai công tác đền bù, GPMB, Hội đồng GPMB huyện tiến hành các quy trình thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật. Có thể trong từng trường hợp cụ thể, công tác kiểm đếm, đền bù còn có một vài sơ suất. Tuy nhiên, việc 122 hộ dân đồng loạt có đơn khởi kiện là một hiện tượng không bình thường. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính vẫn là nhận thức pháp lý thấp kém của người dân và sự kích động, xúi giục của một số đối tượng.


“Giăng bẫy”…


Quá trình tìm hiểu về “hiện tượng khiếu nại bất thường” này, chúng tôi nhận thấy, đằng sau hàng trăm lá đơn khởi kiện UBND huyện Vũ Quang có sự tiếp tay, xúi giục của một nhóm đối tượng trên địa bàn phối hợp với Văn phòng luật sư Dân Nguyện đóng tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) thông qua hình thức trợ giúp pháp lý.


Thiếu tá Ngô Đức Ninh – Phó Trưởng Công an huyện Vũ Quang cho biết: “Quá trình xác minh cho thấy, nhóm đối tượng chính đứng sau hàng trăm lá đơn khởi kiện gồm có: ông Nguyễn Xuân Tình (trú ở xóm 1, thị trấn Vũ Quang); Trần Quốc Toản (xã Hương Điền) và Đào Xuân Đường, Trần Văn Lương, Nguyễn Tiến Thanh (xã Hương Quang)… Các đối tượng này dựa vào Luật sư Nguyễn Đình Xuân – Văn phòng Luật sư Dân nguyện (thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) ký kết các hợp đồng “Tư vấn và dịch vụ pháp lý” để thu của mỗi hộ dân 5-10 triệu đồng tiền “đặt cọc bảo lãnh”.


Điều đáng nói là, để “lừa mị”, cổ xúy cho các hộ dân tham gia khởi kiện, các đối tượng này giăng bẫy bằng cách đưa ra “miếng mồi béo bở” là: việc đền bù của huyện Vũ Quang chưa thỏa đáng, nếu thắng kiện sẽ được thêm hàng tỷ đồng. Vì thiếu hiểu biết, các hộ dân đã nộp tiền và phó mặc cho các đối tượng này thực hiện một số công đoạn của quá trình kiện tụng theo mẫu đơn đã được ông Nguyễn Xuân Tình soạn sẵn.

“Tiền mất, tật mang!”

“Hợp đồng tư vấn pháp lý” và phiếu thu tiền “đặt cọc bảo lãnh”.

Cũng vì thế, nhiều người mặc dù có tên trong đơn nhưng họ vẫn rất mơ hồ về nội dung khởi kiện của mình. Điển hình như ông Trần Văn Lương (xóm Kim Thọ, xã Hương Quang) nói: “Chúng tôi kiện chính quyền vì họ không thực hiện đầy đủ các chính sách đền bù theo các quyết định của Nhà nước”. Nhưng khi được hỏi đó là những chính chính sách gì thì ông… không nhớ! Ông Nguyễn Xuân An đã đi vào miền Nam sau khi nhận tiền đền bù, nhưng trước “phong trào” kiện tụng, đã ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Tình “mặc sức” đi kiện. Thậm chí, có trường hợp người đứng đơn khởi kiện, ký tên trong đơn, nhưng thực tế hoàn toàn khác.


Qua xác minh ở xã Hương Quang và Hương Điền, chúng tôi được biết ông Lê Yêm đã chuyển vào miền Nam sinh sống và cắt hộ khẩu từ giữa tháng 1/2012 nhưng đến tháng 4/2012, vẫn có đơn đứng tên ông khởi kiện (?!). Một trường hợp điển hình khác là ông Lê Đường (xóm Kim Thọ, xã Hương Quang) đã chết vào tháng 3 nhưng đến tháng 5/2012 vẫn… ”ký” đơn khởi kiện!


“Tiền mất, tật mang!”


Thụ lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm 6 vụ án hành chính điển hình của 6 hộ dân: Nguyễn Xuân Tình (trú tại xóm 1, thị trấn Vũ Quang); Nguyễn Xuân An, (trú tại xóm Kiều, xã Hương Điền); Nguyễn Tiến Thanh, Trần Văn Lương, Nguyễn Văn Hoài (đều trú tại xóm Kim Thọ, xã Hương Quang) và Trần Quốc Toản, (trú tại xóm Tân Điền, xã Hương Điền). Tại các phiên tòa, các vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ đã đưa ra các lập luận, chứng cứ để bảo vệ các nội dung yêu cầu trong đơn khởi kiện và đơn kháng cáo không đủ sức thuyết phục, không đủ giá trị pháp lý để bác bỏ tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính đã được UBND huyện Vũ Quang ban hành. Vì thế, hội đồng xét xử các cấp đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện và đơn kháng cáo của các nguyên đơn.


Vậy là không những không đòi thêm được “tiền tỷ” như đã từng được hứa hẹn, các hộ dân này còn mất thêm tiền “tư vấn và dịch vụ pháp lý”, mất biết bao công sức, thời gian vào con đường kiện tụng và các chi phí phát sinh. Theo thông tin chúng tôi có được, bình quân mỗi hộ phải mất từ 10-20 triệu đồng cho 1 luật sư tại phiên tòa. Tuy nhiên, bài học này vẫn chưa được các hộ gia đình khác nhận ra. Phần lớn vẫn tiếp tục con đường kiện tụng với một niềm tin “thơ ngây” rằng: cuối cùng mình sẽ thắng như cam đoan của các luật sư!


Theo dõi các phiên tòa, người viết bài này nhận thấy: các luật sư có phần duy ý chí, không chấp nhận sự thật khách quan, vận dụng pháp luật một cách mơ hồ và có ý “cáo buộc” bị đơn là UBND huyện Vũ Quang. Đặc biệt, văn hóa pháp đình chưa được chấp hành khi sau một phiên tòa phúc thẩm, có vị luật sư đã tuyên bố “hùng hồn”: “Hẹn gặp lại anh Đức (Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Đức – đại diện bị đơn – PV) ở TAND Tối cao”!?


Trao đổi với chúng tôi chiều 4/5, ông Lê Thanh Tĩnh – Chủ tịch UBND xã Hương Quang cho biết: Mặc dù kết quả giải quyết các vụ án đã cho thấy việc khiếu kiện của các hộ dân là không có cơ sở, xã cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục lao vào con đường kiện tụng vì: “đâm lao phải theo lao”. Hơn nữa, có thể họ ngại “mất lòng” người đã lôi kéo họ đi kiện và sợ bị mang tiếng bỏ cuộc!


Vĩ thanh


Có thể thấy rằng, trong công tác đền bù, GPMB, những sơ suất, thiếu sót là khó tránh khỏi. Nhiều khi người dân cảm thấy bị thiệt thòi nên việc họ khiếu nại, đòi quyền lợi là hoàn toàn thỏa đáng. Tuy nhiên, những việc nhỏ lẻ, riêng biệt khi có sự kích động, xúi giục của một số đối tượng được đẩy lên thành “đáo tụng đình”, hàng trăm hộ dân ở các xã Hương Điền, Hương Quang lao vào con đường kiện tụng là một vấn đề cần được quan tâm.


Mặc dù khoản thu “30% trên tổng số tiền hộ được nhận nếu thắng kiện” như trong “Hợp đồng tư vấn và dịch vụ pháp lý” chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra (vì khiếu kiện của người dân là không có căn cứ), nhưng rõ ràng, chỉ với việc làm đơn khởi kiện, các hộ dân ở xã Hương Quang, Hương Điền đã “mất trắng” hàng trăm triệu đồng. Khoản tiền thu được này, các đối tượng Nguyễn Xuân Tình, Trần Quốc Toản, Đào Xuân Đường, Trần Văn Lương, Nguyễn Tiến Thanh đã chi phí vào đâu, chuyển cho ai cần phải được các cơ quan chức năng làm rõ vì yếu tố “thu lợi bất chính” là hoàn toàn có cơ sở.

Ông Trương Quang Nghị – Thẩm phán TAND huyện Vũ Quang: 4/122 hộ dân đã rút đơn khởi kiện


Vừa qua, TAND huyện Vũ Quang đã tiếp nhận 122 đơn khởi kiện hành chính của các hộ dân đối với UBND huyện Vũ Quang. TAND huyện đã đưa ra xét xử sơ thẩm 6 vụ án. Đến thời điểm này, có 4 nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện. Nguyên nhân rút đơn là do sau khi được các ngành liên quan đối thoại, giải thích, họ đã nhận ra vấn đề khiếu kiện của mình là thiếu căn cứ, việc đền bù cho gia đình mình đã được thực hiện đúng luật.


Ông Lê Viết Hồng – Giám đốc Sở Tư pháp: Các đối tượng tư vấn không có tư cách pháp nhân


Theo khuyến cáo của ông Lê Viết Hồng, người dân nên cẩn trọng việc lựa chọn đối tượng tư vấn trợ giúp pháp lý cho mình. Phải tìm những người, đơn vị có chuyên môn, thẩm quyền được cơ quan chức năng cấp phép. Tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo, “tiền mất …” nhưng việc không thành. Trong trường hợp này, ông Nguyễn Xuân Tình và các đối tượng không được cấp giấy phép hoạt động trợ giúp pháp luật, không có chức năng, nhiệm vụ nên việc họ đứng ra ký “Hợp đồng tư vấn và dịch vụ pháp lý” với các hộ dân là trái luật.


Thiếu tá Ngô Đức Ninh – Phó trưởng Công an huyện Vũ Quang: Người dân cần tích cực phối hợp để làm rõ hành vi của các đối tượng


Trước hiện tượng khiếu kiện đồng loạt của các hộ dân, Công an huyện đã xác minh, thu thập và bước đầu đã xác minh được các đối tượng đứng đằng sau ký hợp đồng, viết đơn. Hành vi của các đối tượng này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Rất mong các hộ dân cung cấp thông tin, tích cực hợp tác, tạo điều kiện cho Công an huyện điều tra, làm rõ.


Ông Lê Thanh Tĩnh – Chủ tịch UBND xã Hương Quang: Các địa phương liên quan cần làm tốt công tác quản lý hộ khẩu


Toàn xã có 163/219 hộ tự TĐC đã di dời khỏi địa phương, trong đó có 185 hộ đã cắt hộ khẩu; các hộ dân khiếu kiện là những gia đình đã nhận tiền bồi thường, tự TĐC. Hiện nay, các đối tượng vẫn thường xuyên đi lại, vận động, xúi giục bà con tiếp tục kiện tụng. Việc xử lý các đối tượng xúi giục rất khó vì dù đã TĐC nhưng họ chưa cắt hộ khẩu nên dễ dàng đi lại, lưu trú trên địa bàn xã. Đề nghị các địa phương nơi các đối tượng này chuyển đến cần làm tốt công tác quản lý hộ khẩu, yêu cầu cắt – nhập hộ khẩu để có biện pháp quản lý.


Theo Thăng Long (Báo Hà Tĩnh)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP