Người đương thời

Hà Tĩnh: Trùm giang hồ nghiện ngập hoàn lương

Trước đây, cái tên Thế Khương nổi như cồn cả vùng Nghi Xuân, bởi anh là một tên trùm khét tiếng về buôn gỗ lậu, lại nghiện ma túy; còn giờ, người đàn ông này vẫn nổi tiếng, nhưng với tư cách ông chủ của một xưởng gạch đang ăn nên làm ra, giúp hàng chục người dân địa phương có công ăn việc làm.

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1978) và anh Trần Thế Khương (SN 1971) trong căn nhà riêng, khang trang ở xóm Hồng Thủy, xã Xuân Hải (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).hatinh24h

Quá khứ nghiệt ngã

Tuổi thơ cơ cực, cha mẹ mất sớm, hai anh em bơ vơ bấu víu vào nhau sống như cái cây ngọn cỏ đã khiến Khương “bất trị” từ bé, lênh đênh giữa dòng đời nhiều sóng gió. Năm Khương 18 tuổi, anh trai cưới vợ. Ở với anh chị ít lâu, Khương rời quê hương tha phương. Mảnh đất mà gã đặt chân đến là miền Tây xứ Nghệ. Nơi Mường Xén, huyện Tân Kì (Nghệ An), Khương tụ tập nhiều giang hồ “cộm cán” để tranh giành lãnh địa cát, sỏi và buôn gỗ lậu.

Thời điểm đó, Mường Xén là địa bàn rất phức tạp, tập trung nhiều mỏ đá quý, bãi cát, gỗ lậu… Với bản tính lỳ lợm, cộng thêm các mánh khóe giang hồ, gã nhanh chóng trở thành trùm khét tiếng về gỗ lạt. “Thời gian buôn gỗ lậu, có thể nói tiền tôi kiếm ra rất nhiều. Tụ họp và chia chác cho đàn em nữa cũng rất nhiều”, Khương nhớ lại.

Năm 1993, tay giang hồ trẻ tuổi này thua bạc với số tiền lớn, lớn đến mức mà theo gã, đến giờ nằm mơ cũng không dám nghĩ tới, mà có làm ăn dành dụm đến cuối đời chắc cũng không được đến phân nửa số tiền ấy. Sau canh bạc khét tiếng miền Tây xứ Nghệ đó, gã chán nản bập vào ma túy để quên đời, rồi cứ thế trượt dài, vài đồng tiền dành dụm cuối cùng cũng ra đi.

“Còn bạc còn tiền còn đệ tử/Hết cơm hết rượu hết ông tôi”, nhóm bạn giang hồ vẫn gọi nhau là chiến hữu quay lưng lại, người đời ruồng rẫy, chỉ có vợ chồng người anh ở quê vẫn tha thiết gọi em về.

Năm 2001, sau nhiều đêm trằn trọc, Khương quyết định trở về quê sau hơn 10 năm phiêu bạt nơi đất khách quê người. Cũng chẳng phải quyết tâm làm lại cuộc đời gì, mà để trốn tránh đời thôi. Dẫu cũng bắt đầu tu chí ngày ngày giúp anh chị kế sinh nhai, nhưng ma túy vẫn không bỏ được.

Thế rồi tình cờ gã gặp Phượng – cô thợ may hiền lành nết na. “Gặp lần đầu tiên là tôi thấy không ổn rồi. Đêm về không ngủ được vì nhớ. Vật vã vài tháng mới dám làm quen”, Khương bật cười nhớ lại. Cũng qua nhiều công đoạn nhiêu khê lắm, rồi hai người cũng nên vợ nên chồng, ngay trong năm ấy. Thế nhưng, khi cậu con trai đầu chào đời một năm sau, cũng là lúc chị Phượng ngã ngửa với sự thật phũ phàng về người chồng nghiện ngập.

“Hồi sinh” cho… chồng

“Hôm đó tôi thú nhận với vợ, tôi là một thằng nghiện nặng. Tuyên bố bán đất, bán nhà, chia đôi tài sản có được rồi đường ai nấy đi. Nhưng lúc ấy, Phượng nói với tôi: Em đã về làm dâu nhà này, thì có chết em cũng sẽ chết ở đây, chứ không bao giờ rời bỏ chồng. Chính câu nói của Phượng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều”, Khương nhớ lại quá khứ của mình.

Sự ngập ngừng, bối rối trong lời nói trái ngược hẳn với hình ảnh bặm trợn của gã đàn ông từng có quá nửa đời ngang tàng này. Gã bảo, nhờ câu nói và sự quả quyết của vợ mà gã thấy buồn và tủi nhục. Hơn nữa, trong một lần, chứng kiến đứa con trai trong cơn đói khát, thèm kẹo nhưng “chủ quán không cho nợ 2.000 đồng tiền mua kẹo cho con”, khiến gã thực sự tỉnh ngộ.

Thế rồi, ý nghĩ đoạn tuyệt với ma túy để làm lại cuộc đời trở nên nghiêm túc trong đầu Khương. Năm 2004, Khương quyết cai, theo cách của gã: Tự xích chân mình vào cột nhà, đóng kín cửa và giao chìa khóa cho vợ.

“Khi chồng nói quyết tâm cai nghiện, tự xích chân vào cột nhà, cũng là lúc tôi giam mình trong nhà để cùng giúp anh cai nghiện. Mọi vệ sinh cá nhân tại chỗ của anh đều do tôi làm. Quãng thời gian đó gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhà thì không có tiền, một mình tôi phải chăm sóc con nhỏ, vừa phải lo cho anh.

Nửa năm trời anh Khương cai nghiện trong nhà, không phút nào tôi rời anh ấy nửa bước. Nhiều lần anh lên cơn, chửi bới tôi rất thậm tệ. Thực lòng có những lúc tôi hối tiếc về hướng đi của cuộc đời mình và muốn buông xuôi, nhưng rồi nghĩ về tương lai về con, tôi lại quyết tâm ở bên giúp anh cai nghiện đến cùng”, chị Phượng kể.

Nói đến đây, chị Phượng nghẹn lại. Anh Khương ngồi cạnh nắm nhẹ tay vợ, như được tiếp thêm sức, chị lại chia sẻ: “Hồi đó, để anh ấy không ngửi thấy mùi thuốc từ bên ngoài vào, đôi khi chỉ là ám ảnh mà tưởng tượng ra thôi, tôi đã tự lấy xi măng trét tất cả các kẽ hở ở cửa sổ, không cho bất cứ mùi gì có thể bay vào nhà. Các góc cạnh trong nhà dễ gây nguy hiểm đều bỏ đi hết, đề phòng lúc cơn nghiện lên…”.

Cai “chay” vật vã như thế nửa năm trời, bằng nghị lực của kẻ từng không biết sợ trời đất là gì, Khương đã đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Chị Phượng bùi ngùi nhớ lại: “Các cơn vật cứ thưa dần rồi dứt hẳn, tính tình anh Khương cùng thuần dần theo. Đến lúc cảm thấy thực sự đã dứt được cơn, anh ấy bảo tháo xích chân ra. Tôi cũng tin là thành công rồi; cảm nhận của người vợ, khó nói lắm.

Ngày ấy, sau hơn nửa năm trời nằm một chỗ, anh yếu lắm, không tự đứng lên được, tôi phải dìu lên và dắt anh ra khỏi nhà. Bà con nhìn thấy vợ chồng tôi, mọi người đều khóc vì thương và mừng. Cai nghiện được ma túy, tôi thấy anh thay đổi hẳn. Cái tính hung hăng cục cằn mất hẳn, lại thêm yêu thương vợ con hơn, tu chí làm ăn từ bấy đến nay”, chị Phượng nhìn sang chồng đầy âu yếm…

Bổ sung cho câu chuyện cổ tích giữa đời thường này, ông Phan Hồng Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận xã Xuân Hải cho biết: “Tôi là người chứng kiến quá trình cai nghiện của Khương. Phải nói rằng ngoài quyết tâm lớn thì cái may mắn nhất của cậu ấy là có người vợ rất tuyệt vời.

Thế nên khi biết Khương cai thành công, tôi đã tin chắc cậu này rồi sẽ làm được cái gì đấy. Quả như vậy, cửa hàng vật liệu xây dựng và xưởng đóng gạch táp lô của cậu ấy là cơ sở kinh doanh sản xuất lớn nhất tại xã nghèo này lâu nay; thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, lại còn giải quyết được việc làm cho nhiều người trong xóm”.

Minh Thư – Huy Thiện

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP