Kinh tế

Hà Tĩnh: Tìm rơm cho trâu bò chống rét khó hơn… mua vàng

Người dân vùng hạ du tỉnh Hà Tĩnh phải vượt núi “săn” rơm, rạ cho trâu bò ăn mùa giá rét là điều xưa nay hiếm.

Bà Hà mua 2 triệu tiền rơm về cho bò nhưng đã hết, nay muốn mua cũng không biết mua đâu ra.


Trận lụt lịch sử 2020 khiến nguồn thức ăn này bị hư hỏng, người dân vùng lũ đang khốn khổ khi tìm rơm, rạ cho trâu bò.

Giá rơm đắt đỏ

Bà Hoàng Thị Huế 54 tuổi, trú thôn Xuân Lâu, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên. Bà cho biết, hai trận lụt lịch sử vừa qua khiến vùng hạ du như Cẩm Xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất về hoa màu. Vụ Đông Xuân được thu hoạch trước khi trận lũ lụt xảy ra, toàn bộ rơm, rạ của 1 mẫu ruộng đã được phơi khô, chất đống sau 2 trận lụt bị thối úng, trôi theo dòng nước. Mấy tháng gần đây, nguồn thức ăn cho 3 con bò dựa vào cây cỏ, cây ngô và cây chuối tươi…

“Trâu, bò cần ăn rơm thì mới no lâu, có sức cày bừa, sinh sản. Nay hết nguồn thức ăn này, bò theo đó mà gầy hốc đi” – bà Huế nói.

Để bảo đảm sức khỏe cho gia súc tiếp tục mùa vụ mới, vợ chồng bà Huế đi khắp các huyện từ Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Can Lộc lên tới vùng núi Hương Khê, Hương Sơn “săn” nhà ai có rơm để mua lại. Sau nhiều ngày dò hỏi, bà đã mua được 2 xe rơm của nhà chị Nguyễn Thị Nam (thôn Bộc Nguyên, xã Cẩm Thạch) để về cho trâu, bò ăn. Đây là lần thứ 2 sau hơn nửa tháng trước bà đã phải bỏ ra 1 triệu đồng để mua rơm.

“Trận lụt cuối tháng 10 đã ngập 2 “cây” rơm của gia đình tôi. Sau lụt, rơm hỏng hết không có cho trâu, bò ăn. Tôi phải tìm hỏi khắp nơi để mua về làm thức ăn cho chúng. Tôi đang lo, mùa giá rét còn có nguy cơ kéo dài, nguồn thức ăn cho gia súc cũng khan hiếm. Cứ đà này ít hôm nữa không khéo phải lên vùng miền núi Hà Tĩnh, thậm chí đến các tỉnh khác để mua rơm. Sức ăn như của trâu bò thì cám gạo, thóc lúa lấy đâu cho đủ. Giờ săn rơm cho bò ăn còn khó hơn mua vàng thời đắt đỏ” – bà Huế chia sẻ.

Tại thôn Tam Trung, xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên), chị Hồ Thị Liên (30 tuổi) ruột gan như lửa đốt khi nguồn thức ăn của 2 con bò, 1 con nghé không biết tìm đâu ra. “Đi cắt cỏ, đào cây chuối, cắt lá tre không cung ứng kịp cho chúng ăn. Giờ muốn mua cũng không biết ai có rơm bán nữa mà mua. Nói không ngoa, giờ mua rơm khó hơn mua vàng vì lũ lụt ngập sâu nhà nào cũng hỏng hết rơm, rạ cả rồi” - chị Liên tâm sự.

Trận lũ lịch sử cuối tháng 10, huyện Thạch Hà cũng bị ngập sâu, có nơi nước dâng gần 3m. Bà Đậu Thị Hà (60 tuổi, ở thôn La Xá, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) cho biết, đợt lụt trong năm chuồng bò của gia đình bà ngập 2m, may kịp đưa bò lên núi tránh. Thế nhưng, toàn bộ rơm dự trữ của gia đình bà bị ngập hỏng hết. Do không còn rơm nên sau lụt, bà đã phải bán bớt 1 con bê. Hiện gia đình đang duy trì nuôi 3 con nhưng không còn rơm.

“Tháng trước tôi mới bỏ 2 triệu đồng mua được 2 xe rơm của một người thân tại huyện miền núi Hương Khê nhưng hiện đã gần hết. Giờ gia đình đang đi hỏi tìm mua thêm nhưng chưa hỏi ra nhà nào có bán. Cứ đà này không khéo phải qua tỉnh Nghệ An săn tìm rơm về cung cấp cho bò ăn Tết” – bà Hà cho hay.

Chị Huế may mắn sau nhiều ngày dò hỏi, thuyết phục đã mua được ít rơm về cho trâu, bò ăn.


Thiếu thức ăn, trâu bò “giơ xương” khó bán

Theo bà Hoàng Thị Huế (54 tuổi, trú thôn Xuân Lâu, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên), vì thiếu rơm mà bà phải bán rẻ một con nghé và 1 con bê, thiệt mất gần 10 triệu đồng so với bình thường. Hỏi có phải bị thương lái lợi dụng ép giá không, bà Huế cho rằng không phải ép giá mà do khan hiếm nguồn thức ăn, nghé và bê gầy hốc đi, người mua cũng theo đó mà chê bai, đặt lên, hạ xuống giá cả. Việc trâu, bò vào thời điểm này bị xuống giá cũng có cái lý.

Cũng do hết rơm nên gia đình bà Đậu Thị Hà ở xã Tâm Lâm Hương cũng đang rao bán thêm 1 con bê nữa nhưng chưa thấy ai đến hỏi mua. “Giờ duy trì nuôi thì không biết lấy chi cho nó ăn, mà bán cũng khó, giá lại thấp nữa” - bà Hà than thở.

Ông Trần Hữu Dung - một thương lái hay mua trâu, bò ở xã Cẩm Thạch cho biết, đợt này khan hiếm thức ăn, rơm rạ hư hỏng hết do lũ lụt nên hầu như không có người mua trâu, bò về nuôi mà chỉ mua về làm thịt nếu có tiệc cưới hỏi. Thành ra công việc của ông cũng khó khăn, lâu lắm mới có được một mối để mua - bán.

Ngày 12/1, ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết, hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn trong năm bị ngập lụt đang gặp khó khăn vì rơm rạ hư hỏng, khan hiếm nguồn thức ăn cho trâu, bò.

Trước tình hình này, huyện đã khuyến cáo người dân chủ động liên hệ thu mua rơm rạ của người dân vùng cao, đồng thời tích cực kiếm nguồn thức ăn tươi, thức ăn xanh để thay thế. Cũng theo ông Sáu, toàn huyện hiện có hơn 28.000 con trâu, bò, chiếm gần 12% tổng đàn trâu bò của tỉnh Hà Tĩnh (toàn tỉnh khoảng 237.000 con).

Ông Trần Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi Hà Tĩnh cho biết, đến nay, tổng đàn trâu bò trên toàn tỉnh khoảng 237.000 con, đàn hươu 37.324 con. Trong điều kiện thời tiết bất lợi, mưa rét có thể kéo dài, ngoài việc tăng tối đa diện tích trồng cây vụ đông làm thức ăn xanh, cơ quan chuyên môn khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ, cỏ khô; chế biến thức ăn ủ chua, rơm ủ urê; chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...), khoáng, vitamin để cung cấp đủ cho gia súc.

“Đây là nguồn thức ăn quan trọng bổ sung cho đàn gia súc vào những đợt rét đậm, rét hại, tránh tình trạng để đàn gia súc phải chịu đói, rét làm giảm sức đề kháng trong mùa đông. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần gia cố chuồng trại, vệ sinh tiêu độc, khử trùng nhằm bảo vệ tốt nhất cho đàn gia súc trong mùa đông” – ông Hùng khuyến cáo.

Tác giả: Trương Hoa

Nguồn tin: Báo GD&TĐ

  Từ khóa: chống rét , trâu bò , Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP