Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Hồ nuôi tôm xả hơn 1.000m3 chất bẩn ra môi trường là vi phạm nghiêm trọng

Việc hồ nuôi tôm của Công ty Cổ phần Tiến Đạt xả trực tiếp hơn 1.000m3 chất bẩn ra môi trường, theo đánh giá của cơ quan chức năng Hà Tĩnh là vi phạm nghiêm trọng.

Chất thải từ hồ nuôi tôm của Công ty CP Tiến Đạt xả ra môi trường

Trao đổi PV báo điện tử Infonet, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, "tôi đã chỉ đạo các ngành liên quan đến kiểm tra trực tiếp hiện trường, lập biên bản, lấy mẫu phân tích, làm rõ. Việc hồ nuôi tôm của Tiến Đạt xả thải ra ngoài là vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường. Còn việc xử lý sai phạm này ra sao, sau khi lấy mẫu phân tích cơ quan chức năng sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Còn ông Đặng Hữu Bình - Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TM&MT Hà Tĩnh cũng đánh giá, việc hồ nuôi tôm của Công ty CP Tiến Đạt xả thải bẩn ra môi trường là vi phạm nghiêm trọng trong công tác bảo vệ môi trường.

Ông Bình cũng cho biết, Sở vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hà Tĩnh) và các ngành liên quan xuống hiện trường để lập biên bản, lấy mẫu phân tích, làm rõ sự việc.

Theo báo cáo từ Sở TM&MT, hồ nuôi tôm của Công ty CP Tiến Đạt đã xả trực tiếp hơn 1.000m3 nước thải bẩn ra ngoài. Nguyên nhân là do sự cố vỡ hồ lắng xử lý nước thải.

Hệ thống ống thải được nối từ hồ tôm ra ngoài

“Trước mắt chúng tôi đã yêu cầu phía chủ hồ tôm phải bơm hoàn lưu lượng nước bị tràn ra để xử lý lại. Tuy nhiên, việc bơm hoàn lưu này sẽ chỉ giải quyết được một phần nhỏ bởi lượng nước thải này đã theo kênh nước chạy thẳng ra biển” - ông Bình nói.

Thế nhưng trên thực tế, quy mô khu vực nuôi tôm của Công ty CP Tiến Đạt khá lớn (gần 10ha), lại nằm sát biển, trong khi khu vực hồ lắng để xử lý chất thải lại quá nhỏ.

Cụ thể, có 24 hồ (mỗi hồ có diện tích từ 2.000 đến 3.000m2) nuôi tôm nhưng chỉ có 2 hồ xử lý chất thải rộng 4.000m2. Theo quy định thì khu xử lý nước thải phải đảm bảo 10% diện tích ao hồ. Trong khi với số lượng 24 hồ nuôi trên mà chỉ có 4.000m2 xử lý chất thải thì rất khó để xử lý chất thải. Điều này, ông Đặng Hữu Bình, Phó chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TM&MT Hà Tĩnh cũng thừa nhận.

“Để xảy ra sự cố này, trách nhiệm đầu tiên là của doanh nghiệp, sau đó là UBND huyện Lộc Hà vì đây là đơn vị phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án này” - ông Bình thừa nhận sai sót.

Ông Bình cho biết thêm: "Chúng tôi đã yêu cầu phía chủ hồ tôm rà soát lại lượng nước phát sinh, quy trình xử lý nước thải, gửi về Sở TM&MT trước ngày 7/6 nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được.

Còn về nguyên tắc, để xử lý sai phạm của công ty này như thế nào thì phải chờ kết quả mẫu phân tích mới có phương án xử lý cuối cùng. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm, có biện pháp mạnh nếu đơn vị này vi phạm" - ông Bình nhấn mạnh.

Được biết, năm 2017 Công ty CP Tiến Đạt đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt 70 triệu đồng do vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp này lại tiếp tục tái diễn vi phạm.

Công ty Cổ phần Tiến Đạt buộc phải xuất tôm non để cải tạo, xử lý toàn bộ hồ tôm

Được biết về phía Công ty Cổ phần Tiến Đạt, để xử lý hậu quả ô nhiễm môi trường đã gây ra, họ đã phải xuất toàn bộ 24 hồ tôm trước ngày thu hoạch (theo quy định 90 ngày xuất tôm nhưng mới 30 ngày đã xuất bán - PV) để xử lý môi trường.

Như báo điện tử Infonet đã phản ánh, những ngày vừa qua hàng chục hộ dân ở xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) đã vô cùng bức xúc trước sự việc hồ nuôi tôm của Công ty Cổ phần Tiến Đạt (trụ sở đóng tại TP Hà Tĩnh) liên tục xả nước thải chưa qua xử lý ra thẳng môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của PV, vị trí hồ nuôi tôm của công ty này có một hệ thống mương chạy thẳng từ hồ ra ngoài giáp bờ biển. Dọc theo con mương này, nước đen ngòm, có váng, bốc mùi hôi thối, nhiều xác tôm, cá chết rải rác khắp nơi.

Tác giả: Trương Hoa

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP