Tin trong nước

Giành lại vỉa hè song phải tạo việc làm cho dân

Thời gian vừa qua, các quận, huyện trên địa bàn TPHCM và Hà Nội đều ra quân rầm rộ, xử phạt quyết liệt những hành vi lấn chiếm lòng – lề đường nhằm lập lại trật tự đô thị, và kết quả bước đầu đã giúp nhiều tuyến phố trở nên thông thoáng hơn, được dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề lấn chiếm lòng – lề đường hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, không được duy ý chí, nóng vội, do đó bên cạnh việc siết chặt kỷ cương thì các cấp chính quyền cũng cần phải tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là những người chỉ có một nghề duy nhất là “bám” vỉa hè mưu sinh…

Bên cạnh siết chặt kỷ cương, cần phải tạo công ăn việc làm người buôn bán trên vỉa hè. Ảnh: NGUYỄN HÀ

“Đằng sau mỗi gánh hàng rong là cả một gia đình”

Lưng còng, mái tóc đã ngả bạc, bà Thanh một trong những người bán tranh trên đường Bà Triệu, Hà Nội vẫn tranh thủ bày ra một vài bức tranh trong thời tiết mưa lâm thâm. Bà kể: Mấy ngày nay, hễ cứ bày ra là công an nhắc nhở dẹp. Nhưng tôi vẫn cứ cố bày vài tấm sát tường để mọi người còn biết mình vẫn bán hàng mà vào mua. Bà tâm sự, đã hơn 20 năm gắn với việc bán tranh vỉa hè. Nhà ở trong ngõ, vợ chồng già phải tự nuôi nhau dựa vào thu nhập từ bán tranh. “Bán vỉa hè mệt lắm! Mỗi bức tranh được vài chục thì tiền đâu ra mà thuê cửa hàng. Lúc công an xuất hiện thì ném vào ngõ nhà mình hoặc chấp nhận bị phạt. Mỗi lần phạt là 2,5 triệu đồng, là coi như cả tháng vợ chồng “thiếu ăn”.

Nhọc nhằn gánh gánh hàng sắn, khoai, lạc, chị Phạm Thị Nhung, quê Phú Thọ cũng rưng rưng: Tôi chỉ mong đừng dẹp vỉa hè. Tôi bán được 20 năm ở đây rồi, cả gia đình ở quê đang trông chờ vào thu nhập 100.000 đồng mỗi ngày này. Bây giờ, chính quyền làm chặt vậy, nếu về quê thì tôi cũng chẳng có gì để trang trải cuộc sống, chẳng có nghề gì để làm.

Mong mỏi của những người dân trùng với quan điểm của bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM. Theo bà, đa số người dân đồng tình với chủ trương của chính quyền thành phố trong việc quyết liệt lập lại trật tự lòng – lề đường, thế nhưng cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Bởi lẽ, vỉa hè gắn với chuyện mưu sinh của nhiều gia đình. “Đằng sau mỗi gánh hàng rong là cả một gia đình, vì thế nhiệm vụ của chính quyền là vừa phải lập lại trật tự đô thị vừa phải tổ chức lại cuộc sống an cư lạc nghiệp cho người dân” – bà Châu kiến nghị.

Vỉa hè là nguồn sống của hàng triệu người nghèo ở các thành phố. Ảnh: M.Q

“Làm quyết liệt, nhưng phải nhân văn”

Ngày 11.3, tại hội nghị quán triệt, thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị trong thời gian tới trên địa bàn TPHCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, trong thời gian qua, TP đã nhiều lần quết tâm lập lại trật tự đô thị nhưng mãi không làm được vì đụng đến thói quen khó thay đổi là kinh doanh buôn bán trên vỉa hè. Vì thế cần có sự quyết tâm hơn, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu. Đặc biệt là bí thư, chủ tịch và trưởng công an phường, xã, thậm chí khoán trách nhiệm công vụ cho cán bộ, nếu để xảy ra lấn chiếm phải chịu trách nhiệm, tránh quy định chung chung, không dung túng, bảo kê. Điều quan trọng, theo ông Thăng làm quyết liệt nhưng phải nhân văn, đúng pháp luật, không nóng vội.

“Việc thay đổi thói quen của một nền kinh tế vỉa hè, phong tục tập quán gắn với vỉa hè là điều rất khó. Nhưng khi lòng dân đang thuận, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì thành phố sẽ làm được. Tuy nhiên, việc lập lại trật tự đô thị không được duy ý chí, nóng vội mà cần có giải pháp căn cơ, bền vững. Bởi bao năm qua những người buôn bán ở vỉa hè cũng góp sức về nguồn lực cho thành phố. Do đó bên cạnh siết chặt kỷ cương cần phải tạo công ăn việc làm cho người dân” – Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo.

Là nơi tiên phong trong việc quyết liệt ra quân lập lại trật tự đô thị, ông Trần Thế Thuận – Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, bên cạnh những hành động quyết liệt xử phạt những trường hợp lấn chiếm lòng – lề đường, thì trước mắt sắp tới quận sẽ tổ chức cho các hộ buôn bán lấn chiếm vỉa hè trước đây của hai phường Bến Thành và Bến Nghé về tập trung buôn bán ở đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bạch Đằng, được quy hoạch đàng hoàng. Việc này nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời vừa quản lý được về mặt trật tự đô thị cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…

Còn về lâu dài, quận 1 cũng đang nghiên cứu đề án và tính đến việc sắp xếp chuyển đổi nghề đối với các hộ nghèo, cận nghèo đang buôn bán hàng rong. Theo đó, quận sẽ khảo sát với những người vẫn còn khả năng học tập, chuyển nghề thì trung tâm dạy nghề của quận sẽ tổ chức dạy nghề miễn phí, thậm chí hỗ trợ thêm một khoản tiền nhất định mỗi ngày để bù vào số tiền mà ngày hôm đó không buôn bán được, và cho vay vốn để phát triển các ngành nghề…

MINH QUÂN – NGUYỄN HÀ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP