Pháp luật

Được tại ngoại do mang thai, lại lừa tiếp 16 tỷ, nữ quái sẽ bị xử thế nào?

Dù bị khởi tố và được tại ngoại do đang mang thai, nữ "cò đất" ở Đà Nẵng tiếp tục bán đất "ma" chiếm đoạt 16 tỷ đồng. Vậy nếu vẫn đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ, người này có được tại ngoại lần nữa?

Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Huỳnh Thị Châu (47 tuổi, trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, vào tháng 1/2021, Công an Đà Nẵng cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở đối với Châu về hành vi nhận làm giúp thủ tục thừa kế nhà rồi rao bán luôn tài sản của khách, chiếm đoạt 2,5 tỷ đồng.

Thời điểm đó, Châu đang mang thai nên cơ quan điều tra cho tại ngoại, cấm rời khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, trong thời gian này, Huỳnh Thị Châu tiếp tục thực hiện nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác.

Theo đó, Châu lừa nhận tiền cọc bán 13 lô đất tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho bà D.T.K.D (trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) để chiếm đoạt 9,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Châu cũng đưa ra thông tin gian dối để vay thêm của bà D. 6 tỷ đồng.

Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng khởi tố, bắt tạm giam Huỳnh Thị Châu (áo hồng) vào ngày 16/8.


Dư luận đặt câu hỏi, bị can Châu được tại ngoại vì đang mang thai, đang trong thời gian này lại lừa đảo tiếp, thì thời điểm bị phát hiện nếu người này vẫn chưa sinh con hay đang nuôi con nhỏ, có được tại ngoại lần nữa không?

Giải đáp thắc mắc trên, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty luật Pháp trị cho biết, căn cứ vào Khoản 4, điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về Tạm giam: Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp tiếp tục phạm tội.

Như vậy, trong vụ án này, bị can đã được cơ quan tố tụng cho hưởng chính sách khoan hồng, không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam với lý do đang mang thai. Tuy vậy sau đó, bị can lại lợi dụng điều này, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.

Trường hợp này bị can sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam và sẽ không được tại ngoại, không được chuyển thành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú như lần trước.

Luật sư Lực cho biết thêm, ngoài việc phải chịu trách nhiệm về tội danh đã thực hiện, người này có thể sẽ phải chịu thêm tình tiết tăng nặng khi thực hiện hành vi phạm tội trong lúc tại ngoại.

Với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với tổng số tiền ở cả 2 vụ án là hơn 19 tỷ đồng, bị can Châu có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, hoặc tù chung thân, căn cứ theo quy định tại khoản 4 điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tác giả: Khả Vân

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP