Gần 20 ngày ăn gạo, mì tôm cứu trợ

Ba ngày qua con đường dẫn vào xã Gia Phố, huyện Hương Khê vẫn bị lũ chia cắt. Để giúp người dân chống chọi với trận lũ kép lần này, cán bộ xã đã chèo thuyền đến những hộ dân bị ngập sâu, người già neo đơn để tiếp tế từng nắm cơm vắt.

Dan Ha Tinh kiet suc giua lu kep, nguy co thieu doi mua giap hat hien huu - Anh 1

Dan Ha Tinh kiet suc giua lu kep, nguy co thieu doi mua giap hat hien huu - Anh 2

Sáng 2/11 nhiều hộ dân vẫn phải di dời đồ đạc chạy lũ

Bà Võ Thị Khang, xóm 10 sống một mình gần chục năm nay. Nước lũ lên bà phải nhờ hàng xóm khuân các vật dụng cần thiết lên chạn rồi bà cũng leo lên đó cầm cự chờ nước rút.

“Nước ngập 3 ngày nay rồi. Mọi sinh hoạt đều xoay quanh góc chạn hơn 3m2 này. Chó mèo, gà vịt không có chỗ trú đều đưa lên đây cả.

Hôi thối lắm nhưng phải chịu chứ để chúng dưới nhà sợ lũ lại cuốn trôi mất. Hôm qua cán bộ xã có đến đưa cho nắm cơm vắt cùng với mì tôm, gạo cứu trợ đợt lũ trước vẫn còn nên không bị đói”, bà Khang thở dài.

Lũ đang rút chậm, con đường vào các xóm vẫn mênh mông nước. Chỗ thấp nhất khoảng 20cm, chỗ cao nhất hơn 1m. Những vệt nước lũ đợt trước chưa kịp khô thì nay lại tiếp tục bồi thêm vệt mới. Dù quen cảnh sống chung với lũ nhưng trên khuôn mặt những nông dân khắc khổ đã hiện rõ vẻ bơ phờ, mệt mỏi.

Dan Ha Tinh kiet suc giua lu kep, nguy co thieu doi mua giap hat hien huu - Anh 3

Dan Ha Tinh kiet suc giua lu kep, nguy co thieu doi mua giap hat hien huu - Anh 4

Dan Ha Tinh kiet suc giua lu kep, nguy co thieu doi mua giap hat hien huu - Anh 5

Bà Võ Thị Khang và đàn chó mèo phải sống chung trên chạn nhà chờ nước rút

Ở những vùng nước lũ đã rút, bùn đất vàng bóng nhầy nhụa từ ngoài sân vào tận phòng ngủ. Bà Nguyễn Thị Hữu (70 tuổi), ở xóm 10 quẹt nước mắt nhìn những lớp bùn đất đặc quánh nói: “Sức mô mà dọn nữa”.

Ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch UBND xã Gia Phố cho hay, đợt lũ lần này toàn xã có 650 hộ ngập từ 0,2 – 1,5m. Đến thời điểm này, hàng trăm hộ dân từ xóm 10 đến xóm 14 vẫn đang bị cô lập hoàn toàn. Gần 20 ngày qua bà con chủ yếu sống nhờ vào gạo và mì tôm cứu trợ đợt lũ trước. Riêng ngày 1 – 2/11, lãnh đạo xã và một số cán bộ thôn phải nấu ăn để tiếp tế cho hơn 100 hộ dân là người già, người neo đơn, người bệnh và có hoàn cảnh khó khăn.

Nguy cơ thiếu đói giáp hạt

Đợt lũ ngày 14/10 rút hết nước, mặc dù nhiều thứ còn ngổn ngang nhưng để kịp thời sản xuất vụ đông, bổ sung lương thực mùa giáp hạt, nhiều hộ dân tranh thủ ra đồng làm đất, gieo trồng ngô, khoai lang, rau màu. Thế nhưng, một lần nữa thiên tai lại lấy đi tất cả.

Chủ tịch UBND xã Lộc Yên (Hương Khê) Nguyễn Văn Hưng thở dài: “Toàn xã có hơn 3ha ngô xuống giống sau đợt lũ ngày 14/10 bị đợt lũ mới san phẳng cả rồi. Giờ không kịp sản xuất vụ đông nữa, người dân đang đứng trước nguy cơ thiếu đói thời gian tới”.

Dan Ha Tinh kiet suc giua lu kep, nguy co thieu doi mua giap hat hien huu - Anh 6

Khu vực sản xuất cây vụ đông ngập băng nước lũ

Chị Nguyễn Thị Hạnh có 5 sào đất màu đã trồng ngô 2 lần nhưng đều bị chìm trong biển nước. Bây giờ nước lũ vẫn chưa rút trong khi thời vụ đã chậm cả chục ngày nên khả năng tái sản xuất là rất khó. Vợ chồng chị đang tính vào Nam làm công nhân để lấy tiền nuôi các con ăn học.

Đầu tháng 10, gia đình ông Lê Đình Thức, xóm Phố Cường, xã Gia Phố xuống giống được 1ha ngô, trận lũ kinh hoàng ngày 14/10 không chỉ cuốn trôi tài sản của gia đình mà toàn bộ diện tích ngô chưa kịp nảy mầm cũng bị lấp dưới bùn. Lũ rút, ông Thức và vợ con tiếp tục làm đất xuống giống mong kiếm thức ăn cho đàn vật nuôi nhưng toàn bộ diện tích vừa gieo xong lại một lần nữa bị lũ nhấn chìm.

“Vừa rồi lãnh đạo tỉnh, huyện về động viên, hỗ trợ người dân một số giống ngô để sản xuất. Bà con cũng gieo trồng được hơn 4ha ngô sinh khối và ngô lấy hạt rồi, đùng một cái lũ kép đổ xuống coi như dân làm công cốc”, Chủ tịch UBND xã Gia Phố nói.

Theo thống kê, toàn huyện Hương Khê có 75ha ngô vụ đông xuống giống sau đợt lũ ngày 14/10 bị nước lũ cuốn trôi, tập trung tại các xã như: Gia Phố, Phú Gia, Hương Thủy, Lộc Yên.

Đến chiều 2/11, lũ tại Hà Tĩnh đang rút dần, hiện chỉ còn hơn 1.080 hộ dân ở 12 xã bị ngập. Trong đó, Hương Khê 812 hộ/7 xã ngập sâu từ 1-2m; Vũ Quang 40 hộ/2 xã; Cẩm Xuyên 228 hộ/3 xã ngập từ 0,5-1m. Mưa lũ làm 1 nhà dân ở xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên) bị sập đổ; các trục đường giao thông liên xã vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ và Sông Rác đang ngập sâu, gây ách tắc giao thông.

(theo Nông Nghiệp)