Di tích - Thắng cảnh

Chuyện chưa kể ở ngã ba Thình Thình – Bài 2: 6 cô gái hy sinh bi tráng

Sáng 18/9/1972, một trận bom kéo dài hơn 30 phút xảy ra ở tuyến đường 21 (nối từ ngã ba Khe Giao, Hà Tĩnh đến Tân Ấp, Quảng Bình) cướp đi sinh mạng sáu cô gái từ 17 đến 19 tuổi. Các cô hy sinh khi còn khoảng bốn tháng nữa là ký kết hiệp định Paris (27/1/1973).

   >> Chuyện chưa kể ở ngã ba Thình Thình (Hà Tĩnh)

Tuyến đường 21 một thời huyền thoại chỉ còn trong ký ức những cựu TNXP này

Lặng thầm tan vào đất đá

Sáng 18/9/1972, đại đội 538 được giao nhiệm vụ đến cột số 29 tuyến đường 21 rải đá cấp phối vì những ngày trước nơi đây bị máy bay đánh phá hư hỏng. Các cô gái ở tiểu đội 4 và tiểu đội 9 được phân công: người xuống khe suối đào, xúc cát sỏi. Người dùng xe cút kít, xe bò đẩy, kéo cát sỏi về san lấp hố bom để thông đường.

Khoảng 6g, xuất hiện hai, ba chiếc máy bay chao lượn trên bầu trời. Phát hiện máy bay không ném bom mà bay về hướng đông, tất cả đại đội vẫn bám mặt đường san lấp hố bom. Một giờ sau, cột số 29 bỗng trở thành điểm ném bom ác liệt của không lực Hoa Kỳ. Đất đá bay mù trời, cây cối bị gãy, nghiêng ngã…

30 phút sau, khu vực này dày đặc hố bom, khói bay mịt mù. Sáu cô gái đẩy xe tên là Đào Thị Hương, Nguyễn Thị Đàm, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Thị Hạnh mãi mãi nằm lại, người trẻ nhất mới 17 tuổi, người lớn nhất 19 tuổi. Hàng trăm chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP) được điều động đến đào bới suốt một tháng trời mà không tìm thấy thi thể bốn trong sáu cô hy sinh.

Tìm về tổ dân phố 2, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi tìm gặp bà Trần Thị Hồng (61 tuổi), cô gái TNXP năm xưa may mắn sống sót sau trận mưa bom sáng 18/9/1972.

Hỏi về trận bom cướp đi sinh mạng sáu đồng đội, ký ức chiến tranh đầy nước mắt ùa về với người đàn bà tóc điểm hoa râm này. 18 tuổi, bà Hồng giống như bao nhiêu cô gái khác trong làng tham gia TNXP. Bà ở tiểu đội 4, đại đội 538. “Sáng hôm đó tôi đẩy xe chở cát, sỏi, thì o Nguyễn Thị Hương đề nghị thay tôi đẩy xe. Ngay sau đó máy bay ập đến ném bom không ngớt. Vậy là o Hương mãi mãi ra đi…”, bà Hồng kể.

Bà Hồng còn nhớ như in: “Đêm 17/9 là đến phiên o Đàm trực ban. Đàm gặp chị Dương tiểu đội trưởng tiểu đội 9, xin cho tôi trực ban cùng”.

Bà Trần Thị Hồng xem tên những đồng đội hy sinh ở tuyến đường 21

Đêm đó, nữ TNXP Nguyễn Thị Đàm thức đến khuya ngồi viết đến bảy bức thư gửi cho người thân, bạn bè và người yêu. “Đến 3g sáng, tôi chạy vào lán vẫn thấy Đàm còn viết thư. Tôi đọc thư của o Đàm gửi bạn có đoạn viết: Thế ơi! Đàm sắp sửa chuyển công tác xa, Thế đừng nói cho cha mẹ và bà nội Đàm biết. Thư của Đàm viết cho người yêu: Anh thân yêu, chắc lần này em tâm sự với anh lần cuối… Không ngờ đó lại là sự thật”.

Theo bà Hồng, ngớt trận mưa bom, nhiều chị em bị thương, kiệt sức vì bị đất đá vùi lấp. “Khi đào đến cửa hầm, mọi người không kìm được nước mắt nhìn thấy o Đàm và o Hương hy sinh khi đang ôm chặt lấy nhau. Còn bốn người kia thì mãi không tìm thấy, có lẽ bị bom đạn đánh tan vào đất đá…”, bà Hồng rưng rưng nước mắt.

Mong có một tấm bia khắc tên đồng đội

Ông Dương Kim Hữu, 71 tuổi, ở xóm Liên Hà, xã Thạch Hạ, TP.Hà Tĩnh là một cựu TNXP thuộc đại đội 533. Đồng đội vẫn thường nhắc đến sự sống sót diệu kỳ của ông sau một quả bom nổ trúng hầm.

Một sáng tháng 4/1968, trên đường đi họp, ông nghe tiếng máy bay rất gần. Ông và các o Liên, Ninh, Chút liền chạy xuống một cái hầm ven đường lánh. Bom trúng hầm, đất đá vùi lấp cả bốn người. Đại đội mất hàng giờ liền mới đào, bới đưa được bốn người ra khỏi hầm, duy chỉ có ông Hữu thoi thóp thở. “Điều trị hơn 10 ngày, tôi mới tỉnh dậy và biết ba o trú cùng hầm với mình đã hy sinh”, ông Hữu kể.

Ông Hữu vẫn còn giữ cuốn sổ tay ghi tên 15 người thuộc đại đội 533 hy sinh ở tuyến đường 21. Ông tâm sự: “Kết thúc chiến tranh tôi luôn cất giữ cuốn sổ ghi tên những đồng đội hy sinh để tìm đến thắp hương. Chiến tranh thật khốc liệt, các o nằm xuống khi tuổi đời còn trẻ. Trở lại chiến trường xưa không có một tấm bia nào khắc tên tưởng nhớ các o”.

Ông Dương Kim Hữu, cựu TNXP đại đội 533 luôn cất giữ cuốn sổ tay ghi tên đồng đội hy sinh

Bà Trần Thị Châu Lệ, 64 tuổi, ở xã Thạch Hạ, TP.Hà Tĩnh từng là đại đội trưởng đại đội 538. Sáng 18/9/1972, bà giao nhiệm vụ cho các tiểu đội xong thì đi họp ở đội. Vừa ngồi vào ghế, bà đã nghe tin báo đại đội 538 bị trúng bom, rất nhiều người hy sinh. “Lúc đó quần ống cao ống thấp, tôi chạy một mạch về đơn vị để lo cho đồng đội. Trên đường tôi suy nghĩ, lúc tối có đồng đội ngủ với mình đã trò chuyện về gia đình, dự định hòa bình mời đồng đội đến nhà khao rổ lạc, nồi khoai lang luộc rồi giới thiệu anh trai; khi cưới chồng sẽ mời cả đại đội đến dự… Những chuyện đó sẽ không bao giờ thực hiện được”, bà Lệ xúc động.

Nỗi nhớ thương đồng đội hiện về trong đôi mắt của người đại đội trưởng một thời: “Nhiều o ở đại đội tôi hy sinh không tìm thấy thi thể. Họ hy sinh thật bi tráng. Tôi trăn trở, ít nhất các o cần có một ngôi miếu nhỏ đặt một bát nhang để đồng đội đến thắp hương hay một tấm bia khắc tên tưởng nhớ…”.

Những người cựu TNXP khi trở lại tuyến đường 21 năm xưa luôn khắc khoải khôn nguôi về những đồng đội hy sinh. Họ chỉ biết tìm đến những hố bom, căn hầm thắp nén nhang giữa đại ngàn lạnh lẽo. Tâm nguyện chung của họ là có một tấm bia chứng tích, hay một ngôi miếu nhỏ ở ngã ba Thình Thình để họ có thể đến thắp nén hương tưởng nhớ. Hàng năm, đến ngày TNXP và ngày thương binh liệt sĩ, họ có thể đến nơi ấy viếng đồng đội…

 LIÊN HOÀNG

Nguyện vọng vẫn còn đó

Về xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi gặp cụ Nguyễn Hữu Dục, thủ trưởng đội 53 (đơn vị phụ trách đại đội 533, 538) năm xưa. Năm nay cụ Dục đã hơn 80 tuổi. Cụ kể, sau khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, cụ cùng đội 53 sang nước bạn Lào nhận nhiệm vụ mới. Lúc trở về, đội đã tổ chức vào chiến trường tìm kiếm, quy tập đồng đội hy sinh. “Sau đó, đội 53 được ông Trần Quang Đạt, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh thời đó chấp thuận chủ trương xây dựng đường từ trung tâm Hà Tĩnh đến ngã ba Thình Thình và dựng một tấm bia chứng tích tại ngã ba này. Đề án đang được xúc tiến thì đội 53 giải thể, nguyện vọng đó đến nay chưa thực hiện được…”, cụ Dục trăn trở.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP