Giáo dục

Cậu bé 3 tuổi đọc sách, nói tiếng Anh như người bản xứ

Bé Trần Gia Huy, tên gọi ở nhà là J có thể giao tiếp, đọc truyện tranh hay xem những bộ phim ngắn hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Mới hơn 3 tuổi, bé J (sinh năm 2015) khá thoải mái trong việc thể hiện bản thân, nói chuyện với mẹ bằng tiếng Anh theo bản năng. Đơn cử, khi muốn mở chương trình yêu thích, bé hỏi mẹ "Mommy, I want to play Kizzu, can you let me play this?" (mẹ ơi con muốn chơi Kizzu, con có thể chơi không mẹ?). J cũng có thể nhớ vị trí tất cả các nước trên thế giới, chỉ ra nước nào thuộc châu lục nào, phát âm tên nước bằng tiếng Anh và tiếng Việt rất chuẩn.

Việc J có vốn từ vựng phong phú ở độ tuổi đó với phát âm như người bản xứ và vẫn có thể giao tiếp tiếng Việt rõ ràng là kết quả của quá trình giáo dục khoa học từ hai vợ chồng chị Phùng Thị Lý - hiện đều là bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Ngay từ khi mang thai J, chị đã tìm hiểu về giáo dục sớm cũng như tìm ra cách tiếp cận phù hợp cho bé, giúp J có nền tảng ngôn ngữ tốt từ khi bé còn nhỏ.

Gia đình hạnh phúc của bé J.

Chị Lý chia sẻ: "Tôi thấy nhiều bố mẹ thể hiện sự ngưỡng mộ với những gia đình có các em bé 3-4 tuổi sử dụng được hai ngôn ngữ. Tuy nhiên, theo như tôi tìm hiểu, mọi bạn nhỏ trong giai đoạn 0-3 tuổi đều là thiên tài về ngôn ngữ. Điều quan trọng là bố mẹ cần áp dụng các phương pháp giáo dục sớm phù hợp và đúng thời điểm".

Cuộc hành trình của cả gia đình

Với một công việc đặc thù và có áp lực cao như bác sĩ, việc dành thời gian chơi cùng bé không hề đơn giản với chị Lý; chưa kể đến việc bố của J phải thường xuyên công tác xa nhà. Bởi vậy chị đã nỗ lực rất nhiều trong việc dạy và học cùng con.

Chị Lý cho biết, để con có thể nói hai thứ tiếng lưu loát như hiện nay, chị đã cùng bé trải qua một lộ trình học kiên nhẫn và bền bỉ. Ban đầu, chị cho J làm quen với hình ảnh, màu sắc, từ vựng ngay từ khi con 3 tháng tuổi thông qua phương pháp tráo thẻ Glenn Doman. Đến khoảng 5 tháng, bé đã bắt đầu nhận biết, chọn đúng các thẻ được đưa ra. Khi một tuổi, J đã có khả năng đọc, phát âm hết các bộ thẻ chữ. Tới khi 20 tháng, J đã đọc được cuốn sách mà bé yêu thích.

Chị Lý áp dụng giáo sớm cho bé J từ khi bé mới 3 tháng.

Qua quá trình dạy con kiên nhẫn với những thành quả ban đầu, chị Lý nhận thấy để có thể phát triển khả năng ngôn ngữ tối đa, bé cần có môi trường chơi và học phù hợp. Hàng ngày, bà mẹ trẻ dành ra một khoảng thời gian nhất định để nói chuyện hoàn toàn bằng tiếng Anh cùng con. Từ nào con không hiểu chị cố gắng giải thích bằng ngôn ngữ cơ thể hoặc hình ảnh để bé có thể liên tưởng và tự hiểu. Ngoài ra, chị cũng đọc truyện, thơ tiếng Anh và cho J nghe nhạc để con có thể "tắm" trong môi trường tiếng Anh thường xuyên.

Nỗ lực dạy con của chị Lý cuối cùng đã được đền đáp, bé J dần dần có phản xạ với tiếng Anh rõ ràng hơn khi bước vào tuổi lên hai. "Trong các chuyến đi chơi cùng với gia đình, bé bắt đầu giao tiếp với tôi bằng ngoại ngữ rất tự nhiên. Thậm chí, khi gặp người ngoại quốc trên đường, bé cũng không ngại ngần nói chuyện với họ, làm tôi vừa ngạc nhiên lại vừa xúc động", chị Lý nhớ lại.

Hiện tại, khi J đã có vốn từ khá ổn và yêu thích việc học ngoại ngữ, chị Lý bắt đầu cho con học nâng cao qua các phần mềm, ứng dụng học tiếng Anh có chọn lọc.

"Bên cạnh việc giao tiếp thường xuyên bằng tiếng Anh hoặc đưa J ra ngoài chơi để gặp các du khách ngoại quốc, tôi còn cùng con học mỗi ngày qua các phần mềm được thiết kế theo phương pháp giáo dục sớm", chị Lý nói.

Bé J học cùng phần mềm học tiếng Anh Kizzu.

Các chương trình này được phát triển đặc biệt để cha mẹ có thể dễ dàng cùng bé học tiếng Anh với các hệ thống nội dung sinh động và bài bản, nhiều hình ảnh, âm thanh thú vị, giúp các bé như J học và tiếp thu tốt hơn. "Tôi thấy những chương trình học tiếng Anh như này khá hữu ích và hỗ trợ cho các bố mẹ rất nhiều trong quá trình dạy con", nữ bác sĩ khẳng định.

Tác giả: Minh Thư

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP