Can Lộc

Biển Lộc Hà, điểm đến đam mê đầy hấp dẫn

Lộc Hà, huyện mới của tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập năm 2007 gồm 7 xã vùng hạ Can của huyện Can Lộc và 6 xã biển ngang của huyện Thạch Hà.

Bởi thế nơi đây được trọn hưởng sự hoàn mĩ của địa hình vừa có biển vừa có núi, vừa có rừng vừa có những dải đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan, danh lam thắng cảnh, nhiều di tích văn hóa , lịch sử và nguồn tài nguyên phong phú của rừng và biển. Điều đó tạo nên lợi thế tiềm năng du lịch lớn cho huyện Lộc Hà, trong đó có tiềm năng du lịch biển.

Một trong những bãi biển đẹp nhất đó là bãi tắm Xuân Hải, xã Thạch Bằng. Nằm vị trí trung tâm huyện, nối liền 2 xã Thịnh Lộc và Thạch Kim, bãi tắm Xuân Hải với

Bãi biển Xuân Hải bằng phẳng, sóng nhẹ, nước trong xanh

Biển Thạch Bằng có bãi cát trắng, mịn và bằng phẳng kéo dài ra ngoài xa hằng trăm mét, sóng nhẹ, nước trong xanh, độ mặn vừa phải, không có vùng nước xoáy hay dòng chảy nguy hiểm. Nằm khá xa khu dân cư nên biển rất sạch và còn mang đậm nét hoang sơ. Không chỉ thuận lợi về giao thông và bãi tắm đẹp, nơi đây còn có nhiều nguồn thủy hải sản phong phú như các loại cá, cua, tôm, mực… đánh bắt từ biển. Cua biển hoặc nuôi từ các đầm, phá ven sông, biển; ghẹ hoa, ghẹ xanh,ốc hương, mực đánh bắt từ biển Thạch Kim; hến Mai Phụ, vẹm xanh, Hàu lệ Thạch Châu, sò lông, sò huyết Thịnh Lộc và đặc biệt là các các loại cá tươi được đánh bắt ngay trên bãi biển này như cá trích, cá két, cá trô, cá bạc má, cá mú… là nguồn thực phẩm biển tươi sống để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách. Đặc biệt nơi đây, du khách còn được thưởng thức bánh đa vừng làm từ lúa ruộng Ích Hậu với vừng đen đất cát Thạch Bằng chấm với nước mắm cốt thơm lừng của quê hương cá biển Thạch Kim. Du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn mặn mòi từ biển mà các nhà hàng ở bãi tắm Xuân Hải còn có thêm các đặc sản đậm hương vị quê như: cá chạch, ếch đồng Ích Hậu; rùa, gà núi Hồng Lộc; kỳ nhông, dong dông, chim én, gà nước, cà cà… của Thịnh Lộc và một số xã lân cận đánh bắt mang đến. Được tắm mình trong nước mát ngắm nhìn rừng núi miên man, chiều tối lên bờ du khách thưởng thức những đặc sản trên với rượu nếp quê thơm lừng hoặc rượu sâm nhung Hà Tĩnh và ngắm những ánh đèn đêm lung linh kéo dài muôn trùng của những chiếc thuyền đánh cá ngoài khơi thì có thể nói “Du khách như lạc vào tiên cảnh”.

Ngư dân đánh bắt cá trên bãi biển Xuân Hải, Thạch Bằng vào sáng sớm

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, huyện Lộc Hà đã và đang triển khai xây dựng hệ thống kè chắn sóng, chống sạt lở kết hợp giao thông ven biển và các chòi quan sát, cứu hộ trên bãi tắm. Các nhà hàng, khách sạn đã và đang được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng như Khách sạch Asean, Nhà khách hữu nghị Việt – Lào, hệ thống các nhà hàng ven biển… Với chủ trương “bốn không” về du lịch(không nâng ép giá, không chèo kéo, đeo bám khách, không làm tổn hại môi trường, không làm mất an ninh trật tự) và thực hiện niêm yết công khai giá cả các mặt hàng ăn uống, giải khát tại các cửa hàng kinh doanh, nhà hàng… Những năm gần đây, du khách từ các địa phương về với biển Lộc Hà ngày càng đông, vào mỗi mùa du lịch đón hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài huyện, tỉnh. Biển Xuân Hải không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong tỉnh mà còn được rất nhiều du khách ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Bình Dương và các tỉnh bạn lân cận.

Nằm liền kề và lân cận bãi biển Xuân Hải là các chùa đền, các di tích lịch sử văn hóa lâu đời gắn với nhiều huyền thoại và những nét độc đáo mới lạ. Từ biển Xuân Hải nhìn sang bên kia chân núi Nam Giới là đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi, du khách có thể đi tàu thuyền từ cảng cá cửa Sót (Thạch Kim) để qua Đền. Ngài Lê Khôi làm quan 3 triều (Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông) lên tới chức Khâm sai Tiết chế thủy lục như Dinh, Hộ vệ Thượng tướng quân. Năm 1443, ông được phái vào làm Tổng trấn Hoan Châu (Nghệ An – Hà Tĩnh) chỉ vài năm làm công bộc chăn dân ở đây cuộc sống nhân dân “nhà nhà ấm no, không lo trộm cướp”. Năm 1446, ông phụng mệnh vua Nhân Tông cầm quân cùng các tướng Nguyễn Chích, Nguyễn Xí đi đánh Chiêm Thành ở châu Thuận Hóa bắt được chúa Chiêm là Bí Cai. Trên đường trở về, đoàn chiến thuyền đến chân núi Long Ngâm của dãy Nam Giới thì ông mất. Thương tiếc vị tướng tài – đức song toàn, binh sỹ kêu gào dậy sóng một vùng Cửa Sót. Nhà vua cho lập đền thờ, hàng năm tổ chức quốc tế, truy phong danh hiệu “Chiêu Trưng Đại Vương”. Ngoài đền thờ chính và phần mộ của Ngài ở núi Nam Giới ngoài biển còn có hai đền thờ vọng là đền Đông Phương (xã Thạch Kim) và đền Mai Lâm (xã Mai Phụ).

Lễ hội đền Lê Khôi từ ngày 01 – 03/5 âm lịch hàng năm

Từ bãi biển Thạch Bằng (khoảng 2km), du khách có thể đi thăm chùa Chân Tiên tại xã Thịnh Lộc, nơi đây sơn thủy hữu tình, trên những phiến đá bằng phẳng còn lưu giữ những vết chân tiên rảo bước thưởng du từ thủa hồng hoang của trời đất. Hoặc ngay gần bãi biển là chùa Kim Dung tọa lạc trên đỉnh Bằng Sơn, nơi tướng quân Trần Hưng Đạo từng ghé chân nghỉ ngơi trong cuộc trường chinh chống giặc phương Bắc, với thể núi uốn vòng cung ôm biển, từ sân chùa du khách có thể phóng tầm mắt bao quát được phong cảnh toàn huyện, biển cả, núi rừng, làng mạc, sông ngòi bao la như một bức tranh thủy mạc rạng ngời màu sắc. Xa hơn về phía xã Mai Phụ có đền thờ Mai Hắc Đế, nơi làng Mai Lâm của mẹ Người đã từng được sinh ra và trưởng thành…

Khác với những bãi biển mang tính công nghiệp, náo nhiệt ồn ào. Biển Lộc Hà như một thiếu nữ e ấp độ xuân thì, vừa nhẹ nhàng vừa đẹp đẽ, trong lành và mang vẻ nguyên sơ. Đến đây du khách không chỉ nhớ mãi làn nước biếc, bờ cát dài phẳng lặng mà còn mang mãi bên mình những kỉ niệm khôn nguôi về cảnh đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người và truyền thống văn hóa in đậm trong mỗi tên đất, tên làng, những di tích văn hóa lịch sử từ bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc./.

Tác giả: Hoàng Yên(Phòng Giáo dục và Đào tạo Lộc Hà)

Nguồn tin: www.locha.hatinh.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP