Trong nước

Xử lý cán bộ sai phạm không có vùng cấm, ngăn chặn “chạy chức, chạy quyền”, củng cố niềm tin

"Đấu tranh, xây dựng nội bộ, dứt khoát phải làm đến cùng. Nếu thực hiện được như vậy sẽ có được bước tiến rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác quản lý Nhà nước. Nếu còn nể nang, còn né tránh hoặc “há miệng mắc quai”, không dám khui vùng xấu, vùng lợi ích nhóm thì nhân dân, cấp dưới, đảng viên và cán bộ trong cơ quan không tin", ông Vũ Quốc Hùng nói.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn chú trọng đặc biệt vào công tác cán bộ, trong đó có việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất đã ảnh hưởng không nhỏ đến thanh danh của tổ chức, bộ máy, nhất là nạn chạy chức, chạy quyền, lấy chữ “đúng quy trình” làm bình phong cho việc đưa người nhà, người cùng vây cánh vào “lũng đoạn” tổ chức…

PV báo Người Đưa Tin vừa có cuộc phỏng vấn ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ông Vũ Quốc Hùng.

Phải dám khui ra “vùng xấu, lợi ích nhóm”

PV: Thưa ông, vừa qua, Đảng, Nhà nước đã rất nghiêm minh, quyết liệt trong vấn đề xử lý cán bộ vi phạm, không nể nang, ngại va chạm, né tránh, không có vùng cấm. Từng tham gia vào quá trình xử lý cán bộ vi phạm như vậy, ông có thể chia sẻ những bài học sâu sắc khi lựa chọn cán bộ cần chú trọng trong thời gian tới?

Ông Vũ Quốc Hùng: Có thể khẳng định, công tác cán bộ là vô cùng quan trọng, quyết định hết thảy mọi vấn đề. Trong thời gian qua, chúng ta để một số cán bộ hư hỏng, có người kém năng lực, không đủ phẩm chất vẫn “chui sâu, leo cao” vào bộ máy, đó là khuyết điểm, sai phạm của công tác cán bộ.

Đảng nhận sứ mệnh nên cũng phải chịu trách nhiệm nắm công tác cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú để tham gia các công tác của Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Những người làm chuyên trách công tác Đảng mà vi phạm và những người đã được Đảng tin tưởng cử ra nhưng vi phạm thì Đảng phải chịu trách nhiệm. Đảng ở đây là ai? Chính là những người đứng đầu cấp ủy Đảng ở nơi giới thiệu cán bộ đó vào tổ chức, bộ máy.

Tôi lấy ví dụ như mới đây, Ban Bí thư xử lý kỷ luật “cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Thấy bà Thanh không xứng đáng, cần cho thôi ngay từ đầu, sẽ không dẫn tới các vi phạm nghiêm trọng về sau.

Trở lại vấn đề công tác cán bộ rất quan trọng, ông cha ta vẫn nói “một người lo bằng kho người làm”, một người lãnh đạo giỏi, liêm chính, có năng lực, có tâm, có tầm thì có thể thu hút và tập hợp tất cả mọi người, việc gì cũng hoàn thành. Người có trình độ đôi khi còn hạn chế, nhưng người đã trình độ kém, tư cách lại kém thì quá nguy hiểm.

Hiện, Trung ương đã có rất nhiều quy định về đánh giá, quản lý cán bộ, nhưng tôi mong muốn có bổ sung thêm để chiếu vào xem xét các cán bộ đương nhiệm, thấy ai không đủ như quy định thì cho họ thôi, còn ai sai phạm phải xử lý, không nể nang né tránh. Như vậy, sẽ củng cố niềm tin trong nhân dân.

Đấu tranh, xây dựng nội bộ, dứt khoát phải làm đến cùng. Nếu thực hiện được như vậy sẽ có được bước tiến rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác quản lý Nhà nước. Nếu còn nể nang, còn né tránh hoặc “há miệng mắc quai”, không dám khui vùng xấu, vùng lợi ích nhóm thì nhân dân, cấp dưới, đảng viên và cán bộ trong cơ quan không tin. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, khi lãnh đạo không nghiêm chỉnh thì cấp dưới sẽ lợi dụng điều đó để làm bậy.

Ai “nhúng chàm” nên tự giác báo cáo

PV: Thưa ông, Đảng, Nhà nước đã rất kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm, nhưng dư luận quan ngại, có lẽ đâu đó trong tổ chức bộ máy vẫn còn những “con sâu” đang tồn tại. Vậy, có cách nào để họ tự giác nhận diện bản thân và rút lui khỏi bộ máy, nhường lại vị trí cho người xứng đáng?

Ông Vũ Quốc Hùng: Mong muốn của mọi người là đầu vào, đầu ra luôn luôn được thông thoáng, những người năng lực kém, không làm được việc thì thay ngay lập tức. Muốn vậy, không chỉ cần quy định mà phải xây dựng được đội ngũ chiến lược, tham mưu chiến lược, đào tạo những lớp người có khả năng thay thế, không phải theo phương châm “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ”.

Quy định là một chuyện nhưng người thực hiện là những người đứng đầu cấp ủy như tôi nói ở trên rất quan trọng. Cần có người đứng đầu trung thực, trong sáng, tỏ thái độ rõ ràng. Muốn biết cán bộ đó như thế nào, hỏi dân là rõ nhất. Cần công khai cho nhân dân biết, hỏi thẳng dân tại nơi người đó sống. Đích thân cấp trên phải đi đến quan sát. Tất cả đánh giá cán bộ phải qua việc làm chứ không phải lời nói.

Ví dụ kinh tế vùng tự dưng tụt giảm thì phải đến giám sát, xem lãnh đạo thế nào, tại sao được mùa mất giá, được giá mất mùa, vậy là lãnh đạo kém hoặc tổ chức quản lý không tốt… Phải đánh giá bằng những hành động cụ thể, nhìn thẳng, nói đúng sự thật. Đó là những điều đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói từ những năm đầu đổi mới, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

PV: Nhân bàn về cán bộ sai phạm, ông có lời khuyên như thế nào với những người đã trót “nhúng chàm” đang còn nằm trong bộ máy?

Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi nghĩ những người đã trót “nhúng chàm” nên tự ăn năn, hối lỗi và xin từ chức. Có những người không hề “nhúng chàm”, chỉ vì bất bình mà từ chức. Họ thấy mình bất lực, đấy cũng là một cách phản ứng nhưng cũng là tỏ thái độ. Quan trọng là, những người “nhúng chàm” nên tự giác khai báo với Trung ương. Những người đứng đầu cấp ủy nên khuyên họ, yêu cầu họ, dù chưa đến mức phải thi hành kỷ luật nhưng yếu kém thì nên nghỉ.

Nếu tự giác xem xét, thấy có khuyết điểm, xin từ chức là tốt quá, nhưng không có nghĩa xin từ chức là hết. Những người đã vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, vi phạm pháp luật thì không thể lấy từ chức để trốn tránh. Cần rạch ròi, khuyến khích mọi người tự vấn, tự rút lui khi không đảm đương được nhiệm vụ, còn những người có sai phạm phải tự thú với tổ chức và nhân dân để phán xét. Nếu có tinh thần thành khẩn, có sai phạm nhưng chưa nghiêm trọng có thể tùy hình thức xử lý tương ứng. Người ngoan cố, tự giác nhưng khuyết điểm sai phạm rất nặng vẫn phải bị xử lý, thậm chí là xử lý cả về mặt luật pháp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận, Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh:

Không để ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức

Cần nhận rõ rằng, thời gian qua có những trường hợp tuyển chọn chưa đúng, chưa trúng nên sai phạm đáng tiếc, cán bộ hư hỏng, làm mất cán bộ. Tôi tin Hội nghị Trung ương 7 lần này sẽ có những giải pháp chặt chẽ, phù hợp để đảm bảo tuyển chọn đúng cán bộ, vừa không mất cán bộ mà không bị ảnh hưởng uy tín của tổ chức Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh:

Cảm thấy không làm được thì nên rút lui

Cán bộ từ cấp địa phương đến cấp Trung ương đều phải gương mẫu, trong sáng từ việc nhỏ tới việc lớn, minh bạch, dân chủ trong tuyển chọn cán bộ. Tuyển chọn cán bộ phải căn cứ vào thực tiễn, kể cả Bí thư Chi bộ cũng phải có quyết sách, dám chịu trách nhiệm trước việc mình làm, có ý thức trước Đảng, trước dân, có văn hóa ứng xử, nếu cảm thấy làm được thì làm, cảm thấy không làm được thì rút lui để người khác làm.

Tôi kỳ vọng sau Hội nghị Trung ương 7 sẽ không còn nạn chạy chức chạy quyền, công tác cán bộ chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với thời gian vừa qua. Trung ương cũng sẽ sáng suốt quyết nghị những vấn đề hợp lòng dân, đảm bảo cho sự phát triển chung. Bởi hiện nay, vấn đề chống tham nhũng, xử lý cán bộ rất cấp thiết, kể cả cán bộ cấp chiến lược hay cấp cơ sở.

Tác giả: Dương Thu

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: vùng cấm , xử lý , Cán bộ , sai phạm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP