Trong nước

"Xin lại" 15% tiền hỗ trợ bão lụt

Chính quyền xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa "xin lại" 15% tiền người dân bị ảnh hưởng bão lụt được hưởng để chi cho khoản đi lại, chè nước

Theo phản ánh của người dân xã Hoằng Phong qua đường dây nóng của Báo Người Lao Động, ngày 31-1, UBND xã tổ chức chi trả tiền hỗ trợ người dân bị thiệt hại diện tích nuôi trồng thủy sản đợt áp thấp nhiệt đới cuối năm 2017. Đợt áp thấp này gây mưa lớn khiến hàng ngàn hộ nuôi trồng thủy sản ở huyện Hoằng Hóa bị ảnh hưởng, mất trắng, trong đó xã Hoằng Phong có 218 hộ.

Cán bộ có lương sao còn xin hỗ trợ?

Theo thông báo, đợt này tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ trước 70% thiệt hại cho người dân xã Hoằng Phong với số tiền gần 1,2 tỉ đồng, có 205 hộ được nhận.Tuy nhiên, trước khi họp dân để phát tiền, lãnh đạo xã Hoằng Phong đã phát biểu và có "nhã ý" xin lại 15% để hỗ trợ việc đi lại lo giấy tờ, chè nước. Dù không nói ra nhưng đại đa số người dân rất bất bình trước việc làm này của chính quyền địa phương.

Cánh đồng nuôi trồng thủy sản của xã Hoằng Phong từng bị nhấn chìm trong trận bão lụt vừa qua

"Chiều hôm đó, tôi đi lấy tiền hỗ trợ thì người chi trả tiền tự động thu lại 15% tổng số tiền gia đình được hưởng. Nhà tôi được nhận khoảng 17 triệu đồng thì bị thu lại hơn 2 triệu đồng, tôi có hỏi lý do thì họ nói để hỗ trợ việc cán bộ đi lo giấy tờ, chè nước… Do sợ bị trù dập nên tôi đành đồng ý" - một hộ dân phản ánh.

Thực tế tại xã Hoằng Phong, rất nhiều hộ dân khẳng định việc xã "xin lại" tiền hỗ trợ bão lụt là có thật, hộ nào được hỗ trợ trên 1 triệu đồng sẽ "bị xin" 15%, hộ nào dưới 1 triệu thì "bị xin" 10%. "Nhà tôi bị bão lụt cuốn trôi mất 1,7 ha tôm đang chuẩn bị tới kỳ thu hoạch, thiệt hại nhiều tỉ đồng nhưng chỉ được hỗ trợ hơn 5 triệu đồng. Nhưng đợt này mới nhận có 3 triệu đồng, hôm nhận xã thu luôn 150.000 đồng/1 triệu đồng. Tôi cũng thấy bất bình vì xã nói hỗ trợ đi lại chè nước là không thuyết phục, đó là trách nhiệm của họ phải làm cho dân, họ đã ăn lương rồi mà" - ông L.V.L bức xúc.

Phải trả lại ngay cho dân

Mang việc này tới trao đổi với lãnh đạo UBND xã Hoằng Phong thì ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã, khẳng định không có chuyện đó. Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra các bằng chứng thì ông Thọ lại đổ cho HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản xã này. "Có việc xin lại tiền hỗ trợ bão lụt nhưng không phải chúng tôi mà HTX họ có kêu gọi hỗ trợ 50.000 đến 10.000 đồng để cho một số cán bộ không có lương, thu nhập rất thấp. Hôm đó, trong cuộc họp tôi cũng có nói ý kiến của một số người dân muốn trích lại 15% cho cán bộ đi lại, chè nước chứ không phải ý của xã" - ông Thọ lý giải.

Về việc này, ông Trương Văn Miên, Giám đốc HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Phong, thừa nhận có "xin lại" tiền của dân. "Chúng tôi kêu gọi hỗ trợ, có hộ 50.000 đồng, có hộ 100.000 đồng, để cán bộ đi lại, họ là những người không có lương, hưởng phụ cấp thôi" - ông Miên phân trần. Để chứng minh, ông Miên gọi kế toán lên đưa cho phóng viên 1 danh sách có 23 người ủng hộ tiền, mức ủng hộ là 50.000 đồng và 100.000 đồng. Tuy nhiên, danh sách trên không có ngày tháng, không có người thu và không rõ thu vào việc gì và được viết vào một cuốn sổ rất cẩu thả, giống như mới được viết vội để đối phó với báo chí.

Đến lúc này, ông Lê Đức Thọ mới thừa nhận việc "xin lại" tiền của dân và cho biết việc trên đều do HTX làm, ông không biết. "HTX họ đã nói thật với tôi, danh sách trên là không đúng, họ đã thu được của khoảng 100 hộ dân với số tiền hơn 21 triệu đồng. Chúng tôi thấy việc làm này không đúng, tôi đã yêu cầu HTX mang tiền đến trả hết cho các hộ dân và sẽ cho họp để đưa ra hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm" - ông Thọ nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Huy Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp Hoằng Hóa, cho biết sau khi nhận được thông tin, ông và một phó chủ tịch huyện đi kiểm tra ngay và xã Hoằng Phong thừa nhận đã thu hơn 21 triệu đồng. "Việc xin lại tiền là có thật, đây là việc làm hoàn toàn sai, dù dân có ủng hộ cũng không được vận động dân vào thời điểm này. Chúng tôi đã yêu cầu xã trả ngay. Tới đây, huyện sẽ yêu cầu xã kiểm điểm để có hướng xử lý" - ông Cường khẳng định.

Cũng theo ông Cường, trong đợt áp thấp nhiệt đới gây lũ lụt lớn cuối năm 2017, huyện Hoằng Hóa có 42 xã, thị trấn bị ảnh hưởng, thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Hiện Hoằng Hóa mới nhận được 70% số tiền hỗ trợ thiên tai (12 tỉ đồng) và đang chi trả cho các hộ dân.

Từng kê khống số liệu bão lụt

Trong cơn bão số 10 và đợt áp thất nhiệt đới cuối năm 2017, huyện Hoằng Hóa là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, địa phương này cũng đã kê khống hàng trăm tỉ đồng lụt bão. Cụ thể, ngay sau khi bão lụt đi qua, Hoằng Hóa đã báo cáo thiệt hại 937 tỉ đồng (trong khi cả tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.000 tỉ đồng). Khi các cơ quan báo chí lên tiếng, UBND huyện Hoằng Hóa đã có báo cáo lại với số tiền thiệt hại 640 tỉ đồng (giảm gần 300 tỉ đồng). Sự việc sau đó được huyện này lý giải do tính sai giá trị sản lượng tôm.

Tác giả: THANH TUẤN

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP