Bất cập trong công tác nghiên cứu thị trường
Trong quá trình phát triển, du lịch Hà Tĩnh còn gặp những khó khăn về kinh phí đầu tư, cơ sở hạ tầng, chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, công tác nghiên cứu thị trường còn yếu… Nếu như trước đây, lượng du khách đến với Hà Tĩnh chủ yếu là học sinh, sinh viên, bộ đội, thanh niên xung phong trở lại chiến trường xưa… thì nay, với việc khai thác các tiềm năng, lợi thế du lịch biển và sự phát triển của các khu kinh tế, đối tượng du khách ngày càng đa dạng. Ngoài khách nội tỉnh, nội địa, Hà Tĩnh còn đón một lượng khách quốc tế khá lớn. Theo thống kê, hiện nay, lượng khách đến Hà Tĩnh tăng bình quân 25%/năm. Tuy nhiên, Hà Tĩnh vẫn chưa tạo được một hình ảnh du lịch ấn tượng đối với thị trường khách trong nước và quốc tế.
Khu du lịch Thiên Cầm được đầu tư khang trang, thu hút đông đảo khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. (Ảnh: Hương Thành) |
Thực tế cho thấy, du lịch Hà Tĩnh đang thiếu sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao. Hơn nữa, các sản phẩm này lại không được quảng bá tại khu, điểm du lịch. Hiện nay, ngoài một số khu du lịch như: Ngã ba Đồng Lộc, biển Thiên Cầm, chùa Hương Tích… có bán một số mặt hàng đặc sản của địa phương, còn lại hầu như chưa có. Anh Trần Đình Ước – Trưởng BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: “Trước đây, tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc chỉ bán một số mặt hàng lưu niệm như quần áo, mũ, dép thanh niên xung phong cùng một số ấn phẩm, đĩa nhạc về Hà Tĩnh và Đồng Lộc. Từ năm 2012, qua nghiên cứu thị hiếu du khách, chúng tôi đã khâu nối với các làng nghề truyền thống, đầu tư gian hàng hơn 1 tỷ đồng, bổ sung các đặc sản như rượu Can Lộc, kẹo cu đơ, mắm Lộc Hà, chè trâm, chè vằng… Qua đó, góp phần quảng bá văn hóa địa phương, để lại dấu ấn cho du khách khi đặt chân đến mảnh đất này”.
Hiện nay, các khu di tích chỉ mới bán các loại sách, đĩa nhạc và những mặt hàng lưu niệm được nhập từ các tỉnh khác. Việc bán các mặt hàng nông sản như mực khô, rau – củ – quả… vẫn chỉ là việc làm tự phát của người dân trong vùng, chưa có sự điều tra thị hiếu khách hàng để quy hoạch các gian hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.
Cần lựa chọn sản phẩm phục vụ du khách
Như đã nói ở trên, Hà Tĩnh là cái nôi của nhiều làn điệu dân ca, là nơi có nhiều trò chơi dân gian, lễ hội, làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực đặc sắc. Việc khai thác các tiềm năng, lợi thế này sẽ tạo bước đột phá cho sự phát triển của ngành du lịch, đồng thời, tạo hiệu ứng trong việc quảng bá hình ảnh và con người Hà Tĩnh. Hàng năm, Trung tâm Quảng bá và Xúc tiến văn hóa Hà Tĩnh đều tham gia các hội chợ ẩm thực và du lịch với các sản phẩm như: bưởi Phúc Trạch, rượu Sâm Nhung, kẹo cu đơ, chè xanh, nước khoáng Sơn Kim… Gian trưng bày của Hà Tĩnh đã thu hút đông đảo khách du lịch tham quan và tìm hiểu. Tuy nhiên, lợi thế này lại chưa được các khu du lịch khai thác.
Mặc dù chưa nhiều nhưng du khách đã có thể tìm mua các đặc sản địa phương tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. |
Ở một số khu di tích như Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du… việc khai thác tiềm năng bản địa còn bỏ ngỏ, trong lúc lượng khách thường xuyên tương đối đông. Hầu như các địa phương đều có CLB dân ca nhưng ngoài Khu di tích Nguyễn Du và nhà thờ Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân) đã đưa loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này làm sản phẩm du lịch, còn lại đều chưa khai thác, trong khi nhu cầu của du khách không chỉ là tìm hiểu về lịch sử mà còn muốn trải nghiệm đời sống văn hóa, tinh thần của địa phương.
Bà Phạm Thị Cúc – du khách đến từ Quảng Nam cho biết: “Trước khi đến thăm Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú ở Đức Thọ, tôi đã được biết về bến Tam Soa, về sông La, hến Thượng… qua các tác phẩm thi ca, âm nhạc và báo chí. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, khu di tích này lại chưa kết hợp khai thác các tiềm năng này để phục vụ du khách. Tôi vẫn mong lần sau trở lại sẽ được đi thuyền từ bến Tam Soa xuôi sông La, vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp sông nước hữu tình, vừa được thẩm thấu vào tâm hồn những làn điệu dân ca ví, giặm và thưởng thức vị ngọt đậm đà của hến Thượng”.
Cùng với những hạn chế trong việc khai thác, quảng bá sản phẩm du lịch tại các khu du lịch tâm linh, ở các khu du lịch biển, việc khai thác đặc sản văn hóa vùng miền, đặc biệt là những nét sinh hoạt văn hóa tại các làng cổ cũng chưa được quan tâm, chú trọng. Hầu hết những trò chơi dân gian như đánh cờ người, đi cà kheo, chèo cạn… chỉ được phục dựng trong các dịp lễ hội truyền thống mà chưa được quảng bá dưới hình thức sản phẩm du lịch. Các chợ cá truyền thống như Cồn Gò, Cửa Sót, thương cảng cổ Hội Thống, dịch vụ câu mực đêm… chưa được đầu tư, khai thác. Các trò chơi cảm giác mạnh cho giới trẻ chưa được đầu tư xây dựng. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến du khách không lưu trú dài ngày tại các điểm du lịch Hà Tĩnh.
Nhìn ra tỉnh bạn, như Nghệ An, từ nhiều năm trước, BQL Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) đã nghiên cứu thị trường, thị hiếu khách hàng, nhờ đó, việc khai thác tiềm năng, lợi thế của quê hương đã được chú trọng dưới hình thức quy hoạch các gian hàng bày bán các sản phẩm như: hạt sen, tương Nam Đàn, các đồ lưu niệm liên quan đến nghề dệt vải… Ngoài ra, còn có hát ví giặm phục vụ du khách khi có nhu cầu.
Thực tế đó cho thấy, việc lựa chọn sản phẩm du lịch đặc trưng là yếu tố vô cùng quan trọng để tạo bước đột phá trong sự phát triển của ngành công nghiệp không khói được coi là mũi nhọn kinh tế trong tương lai này. Đây cũng chính là tiền đề để đến năm 2020, du lịch Hà Tĩnh thu hút 50 nghìn lượt khách quốc tế, 1,5 triệu lượt khách nội địa, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong khối dịch vụ, với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Tĩnh, thân thiện với môi trường, để Hà Tĩnh trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Anh Hoài – Thúy Ngọc / Báo Hà Tĩnh