Những gam màu tươi sáng
Năm 2000 Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hà Tĩnh khởi nguồn, nhưng chỉ thực sự trở thành phong trào rộng khắp kể từ khi Nghị quyết 26 (Ban chấp hành TW Đảng khoá X ) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời.
Phong trào xây dựng NTM ở Hà Tĩnh trong hơn 1 thập kỷ qua đã dành được nhiều thành tựu vượt bậc, là điểm sáng của cả nước. |
14 năm nhìn lại một chặng đường phấn đấu quyết liệt, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, giành được nhiều thành tựu xuất sắc làm thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại những gam màu tươi sáng hiệu quả và thiết thực.
Không dừng lại ở bề nổi phong trào, không chạy theo thành tích, với thực tiễn sinh động ở mọi làng quê từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bến Thuỷ đến Đèo Ngang, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng “công cuộc xây dựng NTM ở Hà Tĩnh thực sự có chiều sâu, hiệu quả thiết thực”.
Trước hết là sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Các địa phương mạnh dạn chuyển hướng tích tụ ruộng đất, mở đường cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chế biến sâu.
Lực lượng sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh từ lao động thủ công sang cơ giới hoá và điện khí hoá. Hàng loạt máy móc cơ giới được đưa vào sản xuất như máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa, máy xay xát, ô tô tải... đã giải phóng nông dân khỏi cảnh lam lũ nghìn năm "con trâu đi trước, cái cày theo sau", quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".
Từ khâu then chốt đó, cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển đa dạng ngành nghề dịch vụ tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Minh chứng là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2008 chỉ đạt 8,6 triệu/ người thì đến cuối năm 2021 đã tăng lên gần 36 triệu/ người (tăng 4,2 lần), tương ứng tỷ lệ hộ nghèo là 23,6% nay chỉ còn 4,6% (giảm 5,1) lần. Hầu hết các hộ dân có nhà ở kiên cố, nhà cao tầng với các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ như ti vi, tủ lạnh, máy nóng lạnh, nhà tắm và hố xí tự hoại, nhiều hộ đã có cả điều hoà nhiệt độ. Giấc mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang hiện hữu trên gương mặt của những người nông dân, rạng ngời niềm tin của ý Đảng lòng dân, của tình đất tình người.
Về các vùng nông thôn Hà Tĩnh hôm nay chúng ta sẽ bắt gặp những gam màu tươi sáng của các làng quê đang thay da đổi thịt hàng ngày, ta như thấy "phố ở trong làng". Hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn như điện, đường, trường, trạm, thuỷ lợi đều được xây dựng khang trang, hiện đại. Hoa bốn mùa nở thắm tô điểm các tuyến đường liên thôn rực đỏ sắc cờ; đêm đêm sáng bừng ánh điện như phố phường gợi lên những miền quê trù phú, đẹp giàu, đáng sống.
Chương trình này nhận được sự đồng thuận, chung tay thực hiện của đại bộ phận Nhân dân. |
Không chỉ đẹp về diện mạo, cảnh sắc và khá giả hơn về kinh tế, đời sống văn hoá nông thôn ở Hà Tĩnh vẫn đậm đà bản sắc, nhiều thuần phong mĩ tục được khơi dậy, nhiều chuẩn mực văn hoá mới được bồi đắp, tình làng nghĩa xóm trọn vẹn, thuỷ chung.
Ông Nguyễn Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối xây dựng NTM Hà Tĩnh phấn khởi cho biết, đến tháng 9/2022 có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đã đạt chuẩn, hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM; 177/181 xã đạt chuẩn; 50/181 xã đạt chuẩn nâng cao; 7/181 xã đạt chuẩn kiểu mẫu; 914 khu dân cư NTM kiểu mẫu.
“Hà Tĩnh trở thành điểm sáng xây dựng NTM của cả nước bởi tính rộng khắp của phong trào, cách làm sáng tạo, năng động, quyết liệt và hiệu quả. Bên cạnh nhiều điển hình của thời kỳ trước đang giữ vững ngọn cờ như xã Tùng Ảnh, Thiên Lộc, Gia Phố, Thạch Long, Cẩm Thành..., một sổ mô hình mới trỗi dậy, tiêu biểu như xã Đức Lĩnh (Vũ Quang), Sơn Trường (Hương Sơn), Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) ... với nhiều nét mới, nổi trội xứng đáng cho nhiều địa phương học tập, noi theo”, ông Oánh nói.
"Vẽ cả ngày mai thành bức tranh"
Chỉ còn 3 năm nữa (2023 – 2025) để Hà Tĩnh hoàn thành được mục tiêu thực hiện thí điểm xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh NTM. Đây là nhiệm vụ hết sức to lớn, nặng nề Trung ương giao cho Hà Tĩnh nhưng cũng là niềm vinh dự, tự hào.
Hơn một thập kỷ qua, dù đã đạt được những thành tích xuất sắc nhưng nhìn lại so với yêu cầu, phong trào xây dựng NTM ở Hà Tĩnh cũng còn bộc lộ không ít hạn chế, thiếu sót cần khắc phục. Trong đó, một câu hỏi lớn đặt ra cần giải đáp là làm sao để các địa phương về đích NTM phải thực sự tiêu biểu về phát triển nông nghiệp, nông thôn, có sức bật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, mang lại sự tiến bộ mọi mặt cho đời sống người dân.
Chính nông thôn mới đã khôi phục, gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. |
Và dưới ánh sáng Nghị quyết 26 (khoá X) của Đảng; các Nghị quyết của Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, thời gian tới Hà Tĩnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp căn sau:
Hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiễu mẫu theo hướng chiều sâu chất lượng, hiệu quả và bền vững. Lấy phát triển kinh tế nông thôn làm khâu đột phá trung tâm. Trong đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh... phát triển.
Cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ, đưa các loại máy móc quá trình sản xuất, phân công lại lao động, mở mang ngành nghề, thực hiện mỗi xã ít nhất có một sản phẩm chủ lực có thương hiệu và hiệu quả kinh tế.
Kinh tế nông nghiệp phần lớn gắn liền với đất đai, vì vậy phải bám sát lực lượng lao động, nhu cầu sử dụng đất, hướng mạnh đến tích tụ ruộng đất thông qua chuyển nhượng quyền sử dụng, cho thuê, góp cổ phần... mở đường cho sản xuất lớn, sản xuất hàng hoá đi lên.
Từ nay đến năm 2025 và các năm tiếp theo, tỉnh và các địa phương nên chuyển hướng hỗ trợ kinh phí từ xây dựng hạ tầng sang hỗ trợ phát triển sản xuất. Ví dụ: hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, mua sắm máy móc thiết bị và dây chuyền công nghệ, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, xây dựng ngôi nhà trí tuệ...
Cần tổ chức các đoàn tham quan học tập những mô hình sản xuất kinh doanh tốt ở các địa phương bạn, tạo mối liên kết, nuôi dưỡng khát vọng, khuyến khích một bộ phận nông dân "ly nông bất ly hương", vươn lên làm giàu trên chính đồng đất của quê hương mình.
Ở tầm chiến lược tỉnh cần xác định nông dân là nhân vật trung tâm, đóng vai trò chủ thể và là đối tượng hưởng lợi trong toàn bộ quá trình xây dựng NTM. Quan tâm nâng cao trình độ mọi mặt, đào tạo nghề, trau dồi kỹ năng sản xuất, quản trị kinh doanh cho lực lượng nông dân. Tạo điều kiện để nông dân, doanh nhân tiếp cận kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... trong thời đại công nghiệp 4.0, hội nhập và mở cửa.
Ngoài ra, quan tâm xây dựng đời sống văn hoá nông thôn, giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống và những đặc tính tốt đẹp của con người Hà Tĩnh. Khi đó văn hoá sẽ trở thành nội lực thúc đẩy công cuộc xây dựng NTM phát triển nhanh, bền vững.
Trong tiến trình hướng đến tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025, Hà Tĩnh cần tập trung cao cho đầu tư phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. |
Cái lạnh thấu da cắt thịt những ngày cuối năm 2022 không ngăn nổi khí thế hừng hực hoàn thiện các tiêu chí ở các làng quê. Từ huyện Nghi Xuân nỗ lực để trở thành huyện NTM kiểu mẫu về văn hoá, du lịch của toàn quốc đến Vũ Quang, Hương Sơn chuyển mình mạnh mẽ, mang sức xuân Ngàn Phố, Ngàn Sâu vẽ nên bức tranh làng quê miền núi xanh tươi màu ấm no, hạnh phúc...
Chúng tôi tin phong trào NTM đã, đang và sẽ được hiện thực hoá một cách sinh động trên mảnh đất Hồng Lam giàu truyền thống văn hoá và dũng khí cách mạng. Đích đến tỉnh NTM vào năm 2025 như mệnh lệnh của trái tim thúc giục mỗi người dân quê hương Xô viết chung sức, đồng lòng hướng tới tương lai tươi sáng.
Tác giả: Bùi Đức Hạnh
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp