Chúng tôi về xã Thạch Bàn một ngày cuối tháng 7. Bốn giờ chiều, cái nắng vẫn gay gắt. Ông Nguyễn Hữu Hòa – Trưởng thôn Vĩnh Tiến dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn và cho biết: Vĩnh Tiến hiện có 101 hộ với gần 400 nhân khẩu. Vấn đề nan giải nhất hiện nay là thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của bà con đều nhờ vào một cái bể tự tạo ở đầu làng.
Người dân Thạch Bàn chắt chiu từng giọt nước sạch. |
Vị trưởng thôn vừa nói, vừa chỉ tay ra cái ụ nhỏ cạnh bãi đất hoang. Ở đó, một đám trẻ con mồ hôi nhễ nhại đang tranh giành nhau từng gáo nước để tắm… “Mỗi ngày, mỗi gia đình nhiều lắm cũng chỉ lấy được vài ba xô. Nhà nào may mắn hơn thì còn lại ít nước mưa, nhưng nắng nóng kéo dài, nước mưa cũng cạn kiệt. Những hộ khá giả thì mua nước khoáng về dùng, giá mỗi bình 15-25 ngàn đồng, nhưng mua mãi cũng không ổn. Những khi hết nước, bà con phải giặt giũ, tắm rửa bằng nguồn nước bẩn” – ông Vĩnh cho biết thêm.
Chúng tôi tới nhà anh Hoàng Văn Đặng khi anh đang giặt quần áo bên giếng. Từng gàu nước kéo lên đục ngầu, mùi tanh nồng nặc. Dẫn chúng tôi vào nhà, anh rót nước mời khách. Cốc nước chè đã chuyển sang màu nâu đỏ, anh vội giải thích: “Nước nhà tôi đi xách về, không sao đâu. Cốc chén rửa bằng nước nhiễm mặn nên mới vàng khè như vậy”. Rồi anh kể: “Nguồn nước ô nhiễm, mọi vật dụng trong nhà đều bị đổi màu, con người cũng đến khổ”. Vừa nói, anh Đặng vừa vén tay áo lên cao, hé lộ cánh tay đỏ ửng vì mẩn ngứa. Anh đã nhiều lần đi khám nhưng rồi… đâu lại vào đấy!
Bà Hoàng Thị Thoan (xóm Bắc Sơn) thở dài: “Nắng nóng kéo dài, không biết lấy nước mô mà dùng. Đánh đường 4-5 cây số sang Thạch Trị chở được ít nước về dùng thì cả nhà 5, 6 người đều nhìn vào đó…”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hải cho biết: “Thạch Bàn thuộc vùng bãi ngang, thiên nhiên khắc nghiệt. 4 xóm vùng trong gần cửa lạch sông Cửa Sót, bao đời nay, mạch nước ngầm nhiễm mặn, không thể sử dụng. Năm 2006, người dân được dùng nước từ dự án công trình nước tự chảy trên núi, nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, bởi đã 2 năm nay, công trình bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Bể đầu nguồn sập đáy, hệ thống thu gom nước bị hỏng, đường ống dẫn nước nhỏ… không đủ nước phục vụ nhân dân. Đến nay, hầu như các bể chứa nước tập trung tại các thôn đều khô cạn và hư hỏng. Chỉ thôn Vĩnh Bình gần nguồn mới có nước, 3 thôn còn lại phải sống trong cảnh “nhờ trời”.
Không chỉ vùng trong mà nguồn nước 4 xóm phía ngoài cũng không khá hơn là mấy. “Trước đây, khi chưa khai thác mỏ sắt Thạch Khê, bà con còn đào, khoan được giếng để lấy nước sinh hoạt. Thế nhưng, từ năm 2012, khi mỏ sắt Thạch Khê đi vào hoạt động là nguyên nhân làm cho nước phèn, ô nhiễm. Không những thế, thôn Tân Bằng và Tiền Phong còn bị ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động khai thác đá tại mỏ đá Thạch Hải. Mỗi lần nổ mìn, lượng đất trên đá cùng lượng thuốc nổ đốt không hết lưu lại, tới lúc mưa, hỗn hợp đó theo dòng nước trôi về, kết cục người dân phải hứng chịu. Khi nguồn nước bẩn bủa vây tứ phía, người dân 4 xóm vùng ngoài đành ngậm ngùi chờ mưa, hoặc qua xã Thạch Đỉnh “cõng nước” về dùng, rất chật vật” – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.
Thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh mà còn là nguyên nhân gieo rắc nhiều mầm bệnh. Ông Phạm Công Tùng – Trưởng trạm Y tế xã cho biết: “Những năm gần đây, nguồn nước của Thạch Bàn bị ô nhiễm nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Các bệnh về da, mắt và đường tiêu hóa có chiều hướng tăng cao…”.
Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho bà con, trước mắt, xã vận động nhân dân đồng hành cùng chính quyền, tiến hành sửa chữa, nâng cấp các bể chứa nước tập trung tại các thôn Vĩnh Tiến, Bắc Sơn, Trường Sơn và Vĩnh Bình. Nhưng về lâu dài, người dân Thạch Bàn cần sự đầu tư từ cấp trên, nhằm xây dựng nhà máy nước sạch để giải “cơn khát” nhiều năm nay cho người dân.
THU PHƯƠNG/Baohatinh.vn