Xã hội

Vụ vào nhà tướng công an cướp của: Sai lầm của chính người mẹ 'sốc lên sốc xuống'!

Theo TS Nguyễn An Chất, thước đo con ngoan không phải là gọi dạ bảo vâng, mà phụ huynh cần dạy sao để con dám phản biện - phản biện tất nhiên không phải cãi tay đôi với bố mẹ.

Gương mặt tuấn tú, thành tích học tập tốt (là thạc sĩ) cùng với gia cảnh đáng tự hào nên việc Lê Đình Kiên (29 tuổi, trú phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh) khống chế 6 người trong nhà một vị tướng công an để cướp tài sản đã khiến chính mẹ ruột của đối tượng này đau khổ, không tin đó là sự thật.

Sau khi sự việc xảy ra hồi đầu tháng 5/2018, một tờ báo đã miêu tả mẹ của đối tượng này "sốc lên sốc xuống" nói rằng: "Giá mà từ trước tới nay Kiên bộc lộ tính xấu như hút thuốc, nghiện ngập, bài bạc... thì tôi không sốc, nhưng con trai của tôi ngoan hiền được cả xóm làng khen!"

Như vậy, ở góc độ nuôi dạy con, rõ ràng đã có một sự ngộ nhận, sai lầm của bà mẹ về chính con ruột của mình.

"Bảo con đi chơi thì đi, bảo về thì con về..."

TS tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn, Hà Nội) cho biết đã từng nhận không ít cuộc điện thoại, gặp không ít các bậc phụ huynh tìm đến mình để trao đổi, nhờ tư vấn về vấn đề "con ngoan" của họ.

Ông chia sẻ: "Họ kể với tôi, trong cuộc sống, trong ứng xử xã hội, con của họ được nhiều người khen là ngoan. Tôi cũng hỏi họ khái niệm thế nào là ngoan thì nhiều vị nói, họ bảo gì con cũng nghe, bảo làm gì cũng làm, bảo đi chơi con đi chơi, bảo về thì con về…

Điều ấy phụ huynh cho rằng con mình "ngoan", không sai nhưng cứ như thế con lớn lên ngoan thật nhưng ngoan theo kiểu làm nô lệ, tức đi đâu ai bảo làm gì thì làm nhưng không sáng tạo, không phản biện và rất thụ động. Ngoan ấy khác lạ với ngoan ở những đất nước tiên tiến.

Những nước tiên tiến họ nhìn nhận con cái ngoan là biết nghe lời nhưng không phải "tuân lệnh" bố mẹ mà phải có sự phản biện. Ở nước ta, nhiều đứa trẻ biết "cãi" nhưng cái sự cãi đó rất lung tung. Phụ huynh cũng phải dạy các con kỹ năng "cãi". Nếu người lớn nói, các con không đồng tình thì các con phải biết nói lên quan điểm của mình".

TS Nguyễn An Chất. Ảnh: NVCC

TS. Chất cho rằng điều này còn đúng cả trong nhà trường. Chẳng hạn, giáo viên tiểu học ra đề bài cho học sinh: "Em hãy tả con lợn ở nhà em". Học sinh bảo: "Nhà con không nuôi lợn nên con không biết". Điều đó, học sinh không sai vì nhà em không nuôi, nhưng cô giáo lại nói em không nghe lời, em thiếu ý thức. Trong khi, đó là cô giáo đưa ra đề bài không chuẩn.

"Mình đang sai lại bắt học sinh làm theo mình? Thay vì trách học sinh, cô giáo có thể đưa ra đề tài phù hợp hoàn cảnh hơn như: "Em hãy tả con lợn mà em biết", thì các em có thể tả được vì trong cuộc sống, các em học sinh có thể đã bắt gặp hình ảnh con lợn trên sách báo, trên truyền hình hay ở nhà bạn bè…".

Vụ Lê Đình Kiên: Lỗi của người mẹ là gì?

Quay trở lại câu chuyện của Lê Đình Kiên, theo TS Chất Kiên là người có tri thức, cũng là công dân từ 18 tuổi trở lên, đã có đủ nhận thức về hành vi của mình. Việc Kiên đi cướp của người khác là hành động rất khó tha thứ.

"Mẹ của Kiên nói con ngoan, đó là bà ấy nói thế còn hành động của Kiên không thể nói là ngoan được. Theo tôi, người mẹ này không nắm được hoạt động ngầm của con trai mình, những hoạt động không có lợi cho bản thân, gia đình và cộng động, mà chỉ biết trước mặt rằng mẹ bảo gì con nghe nấy và cho đó là ngoan!

Kiên là thạc sỹ, dù số tài sản cướp được nhiều hay ít, mục đích cướp là gì thì cũng khó chấp nhận.

Với những gì chúng ta biết được về hành vi cướp tài sản của Kiên thì Kiên đã có một âm mưu và kế hoạch rõ ràng để chiếm đoạt tài sản của người khác. Vì đó không phải cướp ngoài đường mà đã vào nhà người khác, khống chế nhiều người để cướp tiền, có thể làm hại đến tinh thần, sức khỏe của người khác.

Đây là tội rất lớn, là hành động không thể tha thứ. Phải có biện pháp răn đe tích cực không chỉ cho Kiên mà cho cả cộng đồng", TS. Nguyễn An Chất chia sẻ.

Ông cũng nêu thực trạng, có những gia đình, con lấy tiền của mình năm lần bảy lượt nhưng bố mẹ không biết vì để tiền hớ hênh, và cũng có không ít tiền nên cũng chẳng biết mình mất hay còn.

"Ăn cắp ở nhà rồi mới ăn cắp thiên hạ. Ở đây cũng phải lưu ý, Kiên có hành vi táo tợn như thế không phải 1 lần. Ông cha ta từng nói: Ăn trộm 1 cái kim thì sẽ ăn trộm 1 con bò. Bố mẹ thường không biết những mặt trái của cuộc sống ẩn sau đứa con của mình vì họ nhiều việc, thấy cho con ít tiền và bảo gì con nghe nấy có nghĩa là con ngoan rồi"!

Tác giả: Thủy Nguyên

Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ

  Từ khóa: cướp của , sai lầm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP