Bà Chiến bên vườn keo bị ông Thiết chặt phá |
Ngày 9/5, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, huyện cũng đã biết sự việc mấy năm gần đây và đang tiếp tục tập trung giải quyết.
“Việc này trước đây là xã đang xử lý. Còn huyện mới được báo cáo mấy năm gần đây!”, ông Việt nói.
Lý giải vì sao sự việc tranh chấp kéo dài không thể giải quyết thì ông Việt cho biết là do không được sự hợp tác từ người dân.
“Huyện đã nhiều lần chỉ đạo, hướng dẫn ra tòa để xử lý nhưng hộ ông Thiết không hợp tác. Hướng xử lý của huyện trước hết là hòa giải, nếu hòa giải không được thì phải đưa ra tòa”, ông Việt cho biết.
Cũng theo ông Việt thì quá trình sử dụng đất của hộ ông Nguyễn Khắc Đỉnh (bố của ông Nguyễn Khắc Thiết) là không liên tục và về nguyên tắc phải thu hồi để nhà nước quản lý hoặc cho hộ dân khác vào sản xuất.
Còn ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó phòng TN-MT huyện Hương Khê cho biết, về tính pháp lý thì thửa đất này chưa thuộc quyền của ông Tăng cũng như ông Đỉnh.
“Xã không đủ thẩm quyền để cấp. Vì vậy, về thẩm quyền thì chưa ai được cấp thửa đất ấy cả”, ông Bảo cho biết.
Vụ việc ban đầu chỉ là sự tranh chấp đất đai giữa hộ ông Nguyễn Quốc Tăng và Nguyễn Khắc Thiết (con của ông Nguyễn Khắc Đỉnh). Tuy nhiên, vụ việc kéo dài suốt hơn 10 năm đã kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề khác.
Đó là hàng trăm cây keo có độ tuổi trên 10 năm của gia đình ông Tăng bị ông Thiết chặt phá. Và người con trai của gia đình ông Tăng thì phải đối diện với án tù vì gây thương tích cho ông Thiết.
Bà Chiến bên tập đơn và giấy tờ liên quan đến vụ tranh chấp đất đai |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Phải tách vụ việc ra, vụ nào ra vụ nấy. Đất đai trong quá trình giải quyết mà anh (ông Thiết_PV) chặt phá thì phải điều tra xử lý tội phá hoại tài sản để xử lý theo pháp luật”, ông Việt nói.
Cũng theo ông Việt thì huyện cũng đã chỉ đạo Phòng TN-MT, Thanh tra, Công an tập trung giải quyết sự việc, trong đó có việc phá hoại tài sản.
Như Dân trí đã phản ánh, thửa đất rộng hơn 2.000m2 ở xóm 9, xã Hà Linh được ông Nguyễn Khắc Đỉnh (nay đã mất) khai hoang và sử dụng từ những năm 1977 và được Hợp tác xã Song Linh ghi sổ sách theo dõi, thu thuế nhưng chưa có một giấy tờ đất liên quan.
Khoảng năm 1998, vợ chồng ông Đỉnh chuyển ra ở cùng con trai cả và không còn sử dụng phần đất này. Khoảng 5 năm sau, khi vợ mất, ông Đỉnh chuyển vào Đắk Lắk sống cùng người con trai là ông Nguyễn Khắc Thiết đến lúc qua đời.
Do diện tích đất trên bị bỏ hoang nhiều năm, nên năm 2000 gia đình ông Nguyễn Quốc Tăng và vợ là Nguyễn Thị Chiến xin được sản xuất.
Gia đình ông Tăng đã xin và được trưởng thôn, HTX Song Linh và chính quyền xã Hà Linh đồng ý giao cho diện tích trên để sản xuất.
Thế nhưng 8 năm sau, con trai của ông Nguyễn Khắc Đỉnh là Nguyễn Khắc Thiết (ở Đắk Lắk) bất ngờ trở về tranh chấp, chặt phá keo của gia đình ông Tăng, bà Chiến.
Giải quyết vụ việc này là trách nhiệm của chính quyền các cấp. Thế nhưng, để vụ việc kéo dài dẫn tới những hậu quả, hệ lụy nặng nề cho người dân, vậy chính quyền địa phương cụ thể là huyện Hương Khê và xã Hà Linh đã làm tròn nhiệm vụ của mình?
Tác giả: Xuân Sinh
Nguồn tin: Báo Dân trí