Tin trong nước

VTV dàn dựng cảnh phá rừng để làm phóng sự?

Chiều 2.8, tại buổi họp báo do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, đại tá Phạm Minh Thắng – Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã thông báo kết quả điều tra, xác minh ban đầu liên quan đến phóng sự phản ánh tình hình khai thác, vận chuyển gỗ trái phép được phát trong chương trình Chuyển động 24H trên kênh truyền hình VTV1 vào ngày 4 và 5.5.2016.

Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, kết quả xác minh cho thấy các phóng viên của VTV đã nhờ một số người dân chặt hạ cây rừng để làm phóng sự phá rừng trên địa bàn tỉnh này.
Ảnh cắt từ phóng sự về nạn phá rừng ở Đắc Lắc trên Chuyển động 24h.
Ảnh cắt từ phóng sự về nạn phá rừng ở Đắc Lắc trên Chuyển động 24h.

Theo đại tá Thắng, qua xác minh những người có mặt trong phóng sự gồm: ông Vũ Dũ Dinh, bà Sùng Thị Mao, bà Giàng Thị Xá và ông Vàng A Tu (ngụ xã Ea Đáh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), cho thấy trong tháng 4-2016, có 2 người đàn ông và 1 người phụ nữ đến nhà xin được phỏng vấn, quay phim làm phóng sự tại nương rẫy của họ. Ba người này yêu cầu ông Dinh cầm theo cưa lốc nhưng ông Dinh không có thì họ yêu cầu ông Dinh đi mượn.

Sau đó những người này vào rẫy cưa 1 cây gỗ đã chặt hạ trước đó và 1 cây còn sống để quay phim. Sau khi thực hiện việc quay phim và phỏng vấn (theo sự hướng dẫn), thì phóng viên cho vợ chồng ông Dinh, bà Mao 500.000 đồng; ông Tu 100.000 đồng.

Đại tá Phạm Minh Thắng thông báo kết quả xác minh vụ việc.

Kiểm tra hiện trường quay phóng sự, cơ quan chức năng xác định khu vực này là rẫy của ông Dinh (thuộc tiểu khu 342A, thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng) mà các hộ dân tự ý khai hoang, sản xuất từ năm 1996. Đây không phải diện tích rừng mới khai hoang, bị chặt phá như phản ánh trong phóng sự… “Qua xác minh, có một số nội dung phản ánh không đúng, không khách quan, có sự cắt ghép, dàn dựng của phóng viên khi tác nghiệp” – đại tá Thắng nói.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tý – Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP