Phóng sự - Ký sự

Vì sao hàng loạt mỏ đá ở Hà Tĩnh ngắc ngoải chờ chết? (Kỳ 2)

Nguyên nhân nào đã đẩy hàng chục mỏ đá ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang “ăn nên làm ra” bỗng lâm cảnh khốn khó, thậm chí là ngắc ngoải chờ chết? PV Tầm Nhìn đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân thực trạng đáng buồn này…

    >> Hàng loạt mỏ đá ở Hà Tĩnh ngắc ngoải ‘chờ chết’ (Kỳ 1)

Hatinh24h Hatinh24h 01

Ông Phan Xuân Hồng – Chủ tịch Hiệp hội khai thác và chế biến đá thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh)  trao đổi với PV về những khó khăn của các doanh nghiệp khai thác mỏ đất đá trên địa bàn Kỳ Anh.

Một chủ mỏ đá N.V cho biết: “Trước khi đi vào khởi công xây dựng siêu dự án Pomosar, những đầu nậu thu mua đá cho đại dự án này đã phao tin là sẽ cần hơn 40 triệu khối đá để phục vụ cho việc xây dựng. Khi nghe được thông tin này rất nhiều nhà đầu tư trong vào ngoài tỉnh thậm chí cả nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan… đã ào ào lao vào “mảnh đất hứa” Kỳ Anh để xin làm đá.

Tuy nhiên, khi đi vào xây dựng, phía Pomosar chỉ sử dụng một khối lượng ít hơn rất nhiều so với thông tin trước đó. Chính điều này đã làm cho nhiều doanh nghiệp đá lao đao khi sản xuất ra hàng loạt sản phẩm, chất cao như núi mà chẳng có “ma” nào đến hỏi mua”.

 Nhiều nguyên nhân dẫn đến hàng loạt mỏ đá ở địa bàn Kỳ Anh nói chung và Hà Tĩnh nói riêng lâm vào tình trạng ngắc ngoải chờ chết.

Đến năm 2015, trước thực trạng ế ẩm, bị ép giá đến mức không thể tồn tại, các chủ mỏ đá ở Kỳ Anh mới quyết thành lập Hiệp hội mỏ đá Kỳ Anh. Thế nhưng xem ra tình hình vẫn không thay đổi…

Chủ mỏ đá tên P cay đắng thừa nhận: Trước đây các mỏ làm ăn theo kiểu “mạnh ai nấy chạy” nên việc nắm bắt thông tin hạn chế, bị chèn ép giá là điều khó tránh khỏi nên khi Hiệp hội đá thành lập chúng tôi mừng và hy vọng tình hình sẽ thay đổi, nhưng xem ra vẫn không ổn. Trong cuộc họp diễn ra đầu năm 2015, Hiệp hội đá đưa ra thông tin là trong năm 2015, phía Pormosa sẽ cần khoảng 3 triệu khối đá, các mỏ đá nên dựa vào thông tin này để sản xuất khối lượng và xây dựng đơn giá. Tuy nhiên, đến đến thời điểm này có thể khẳng định thông tin này là không chính xác vì hầu như lượng mua từ Pormosa là rất ít.

Trước cảnh sản xuất ra nhưng chẳng tiêu thụ được nhiều mỏ đá thực yếu thì chết hẳn, còn những mỏ lớn thì bắt đầu chuyển sang hướng khác. Cơn Tria, Hồng Sơn, Đá Dàn… từng là những mỏ cánh chim đầu đàn nhưng hiện đã rút nhiều máy móc và công nhân đến những tỉnh khác đầu tư.

Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quá cao

Hầu hết các chủ mỏ đều phản ánh, việc cấp quyền khai thác mỏ của UBND tỉnh Hà Tĩnh tràn lan không tiên lượng trước khối lượng cũng như việc cung – cầu của thị trường, dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho các mỏ.

Trong khi đó, việc cấp quyền khai thác mỏ từ 20 – 30 năm, tỉnh đã thu tiền, còn chủ mỏ bỏ ra một số lượng tiền rất lớn để đầu tư đầu tư giải phóng mặt bằng, máy móc thiết bị,…chưa thu được một phần nhỏ thì nhiều mỏ đã phải đóng cửa, nhiều mỏ sống lay lắt qua ngày do sức ép từ giá cả, thuế, nợ nần chồng chất, thị trường cầu bị thu hẹp…

Ông Phan Xuân Hồng – Chủ tịch Hiệp hội khai thác và chế biến đá thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, trước bối cảnh khó khăn chung của hàng loạt mỏ đá trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Hiệp hội khai thác và chế biến đá thị xã Kỳ Anh đã có rất nhiều công văn đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh, các Sở ban ngành xem xét điều chỉnh mức thu hài hoà, phù hợp với tình hình chung tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động khai thác ổn định.

Trong công văn số 04 của Hiệp hội khai thác và chế biến đá thị xã Kỳ Anh gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở Tài nguyên môi trường đã nêu rõ: “Sau khi các doanh nghiệp khai thác đá nhận được thông báo thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2015, Hiệp hội nhận thấy trong điều kiện hoạt động kinh doanh khó khăn như hiện nay, với mức đóng nộp như thông báo năm 2015 là một con số vô cùng lớn đối với doanh nghiệp. Lợi nhuận từ hoạt động khai thác chế biến và tiêu thụ đá không đáp ứng đủ các nguồn đóng nộp ngân sách nhà nước, nhất là tiền cấp quền khai thác khoáng sản”.

Cụ thể trong công văn cũng đã nêu những khó khăn và bất hợp lý trong việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

“Thứ nhất, nếu theo Nghị định số 203/NĐ – CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chính thức có hiệu lực. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính theo công thức T= QxGxK1xK2x R là bất hợp lý. Trong đó, Q là trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng địa chất nằm trong ranh giới khu vực được cấp phép khai thác.

Tuy nhiên, trong thực tế quá trình khai thác công ty sẽ không lấy được hết các trử lượng địa chất theo báo cáo thăm dò mà phải trừ lại một phần làm vành đai an toàn chống sạt lở sau khi kết thúc khai thác. Vì vậy nếu áp dụng theo công thức tính tiền dựa trên trữ lượng trong giấy phép thì doanh nghiệp không thể thực hiện được.

Thứ hai, nếu theo đơn giá trên địa bàn Hà Tĩnh theo Quyết định số 59/2014/ QĐ – UBND ngày 3/9/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc quy định giá tính thuế tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh thì đơn giá đá hộc 120.000 đồng/1m3 là cao nhất so với các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ cùng thời điểm (Thanh Hoá 65.000 đồng/ 1m3; Nghệ An 50.000 đồng/ 1m3; Quảng Bình 80.000 đồng/ 1m3; Quảng Trị  80.000 đồng/ 1m3…)…”.

Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập

Cũng tại Công văn của Hội các mỏ đá xây dựng Hà Tĩnh, gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đã chỉ rõ những bất cập từ việc tính  tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Hà Tĩnh như sau: Giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành đối với đá xây dựng là 120.000đ/m3. Như vậy, theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 203/2013/NĐ –CP thì giá tính cấp quyền khai thác phải là 120.000đ/m3.

Công  văn của Hiệp hội khai thác và chế biến đá thị xã Kỳ Anh gửi Sở TN&M, UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ những bất cập trong việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh lại thực hiện tính toán theo hướng dẫn tại Công văn số 651/ĐCKS –KTĐCKS ngày 13/3/2015 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, tức là giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 120.000 x 1,45 =174.000đ/m3 (trong đó 1,45 là hệ số nở rời hay còn gọi là hệ số chuyển đổi từ thể tự nhiên sang thể nguyên khai). Riêng đối với đá xây dựng, đá nguyên khai là “sản phẩm” sau nổ mìn, không có giá bán, chưa có hộ tiêu thụ. Để có sản phẩm tiêu thụ thì đá nguyên khai phải qua tuyển chọn, đập nghiền mới có các sản phẩm là đá hộc, đá dăm các loại. Vì vậy, đá sau nổ mìn chưa có giá bán.

Nếu áp dụng cách tính giá trên sẽ không phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 6 Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 “Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng”. Vì vậy, nếu lấy hệ số nở rời hay còn gọi là hệ số chuyển đổi từ thể tự nhiên sang thể nguyên khai để chuyển đổi trở lại đá tự nhiên làm căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là chưa có sức thuyết phục.

Mặt khác,  trong khi Nghị định 203/2013/NĐ-CP quy định rất rõ tại điểm a, khoản 1 Điều 6 là “Trữ lượng ghi trong giấy phép khai thác là trữ lượng địa chất” và “Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định theo giá tính thuế tài nguyên do UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương xây dựng, công bố tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn hiệu lực”. Vì vậy, việc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh đưa thêm hệ số nở rời vào trong công thức tính tiền là không phù hợp.

Không những vậy, việc tính tiền về trữ lượng cấp quyền khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng còn nhiều bất cập. Theo Ngị định số 203/2013NĐ –CP thì trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng địa chất ghi trong giấy phép.

Tuy nhiên,  theo văn bản số 1800/BC –STNMT ngày 26/6/2014 của Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh về xử lý các điểm mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Kỳ Anh phục vụ chuẩn bị thành lập thị xã mới và văn bản số 2932/UBND –CN ngày 9/7/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về xử lý các điểm mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Kỳ Anh phục vụ chuẩn bị thành lập thị xã mới, thì các mỏ đá khai thác trên địa bàn Kỳ Anh sẽ phải kết thúc khai thác vào năm 2018.

Chính điều này, có nghĩa là trữ lượng địa chất được phép khai thác thực tế chỉ được giới hạn đến năm 2018. Trong khi trữ lượng tính tiền cấp quyền klhai thác khoáng sản lại được UBND tỉnh Hà Tĩnh lấy trữ lượng địa chất cho cả đời dự án (thời hạn giấy phép khai thác đến sau 2020). Điều đó đã làm cho nhiều doanh nghiệp đã nộp tiền cho trữ lượng không được khai thác.

Với những nguyên nhân trên đã khiến cho nhiều chủ mỏ tại địa bàn Kỳ Anh nói riêng và Tĩnh Hà Tĩnh nói chung lâm vào tình trạng ngắc ngoải chết, thậm chí nhiều mỏ có tiềm lực mạnh cũng không thể chịu nỗi trước các khoản đóng nộp do UBND tỉnh Hà Tĩnh đề ra.

(Còn nữa)
Đặng Sơn –  Hà Vy / Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP