Vào khoảng 14h30 ngày 6/5, tại khu vực triển khai thi công dự án đường điện 500kV mạch 3, vị trí móng cột số 28 đoạn đi qua khu vực Sủm Ao, TDP Lê Lợi, phường Kỳ Liên, TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) xảy ra sạt lở nghiêm trọng làm lán trại của đơn vị thi công là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thanh Xuân bị đất đá vui lấp. Thời điểm xảy ra vụ việc, có 18 công nhân đang trú mưa trong lán tạm. Trong đó, 3 công nhân đã bị đất đá vùi lấp tử vong, 4 người bị thương và 11 người còn lại đã được lực lượng cứu hộ đưa ra an toàn.
Dự án vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc và khó về đích theo đúng tiến độ. |
Nguyên nhân ban đầu của vụ việc được xâc định là do mưa to gây sạt lở dẫn đến hậu quả đau lòng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Công điện yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất. Đồng thời khẩn trương xác minh nguyên nhân sự cố sạt lở để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn cho người lao động và nhân dân, xử lý nghiêm trách nhiệm (nếu có sai phạm) theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc nói trên, chính quyền TX Kỳ Anh cho biết, vị trí xảy ra sự việc là lán công nhân dùng để nghỉ trưa được dựng tạm cạnh con suối. Khi gặp mưa lớn, nước từ thượng nguồn dồn về cuốn theo đất, đá đã đổ ập xuống vị trí lán tạm của công nhân gây ra sự việc thương tâm. Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh huy động hơn 100 người gồm lực lượng Công an, quân sự, dân quân địa phương tiếp cận hiện trường tìm kiếm người tử vong và đưa người bị thương đi cấp cứu. Liên quan đến dự án này, theo Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, từ đầu tháng 3/2024 phát hiện đơn vị thi công là Công ty CP Sông Đà 5 mở đường trái phép trên rừng phòng hộ, đơn vị đã kiểm tra thực tế, đo đạc diện tích vi phạm là 603m2 tại Khoảnh 2, Tiểu khu 388A thuộc địa phận phường Kỳ Long, TX Kỳ Anh. Ngày 6/3, doanh nghiệp này đã tự ý chặt hạ 25 cây gỗ tự nhiên có đường kính 8 - 25cm, chiều cao 5 - 7m.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, đơn vị đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư có ý kiến chỉ đạo đơn vị thi công chấn chỉnh, thực hiện đúng quy định của pháp luật, tránh làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng môi trường sinh thái và làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Theo đánh giá của ngành chức năng, dự án được thực hiện chủ yếu ở khu vực rừng núi khi tỉnh Hà Tĩnh phải chuyển đổi mục đích sử dụng gần 21,8ha đất rừng để thi công. Phần lớn diện tích này có độ dốc lớn, quá trình thi công, các đơn vị đã phải phá đi diện tích rừng, đào xới đất đá và đổ cạnh các vị trí móng nhưng không hề có các biện pháp đảm bảo an toàn. Hệ quả là sau mỗi trận mưa lớn, lượng đất đá này đã tràn xuống, đè cây rừng tự nhiên hoặc bồi lấp các con suối, nguy cơ sạt lở rất cao.
Ngoài ra, công tác đền bù, GPMB phục vụ cho dự án qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến nay vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. Tại huyện Kỳ Anh, theo báo cáo dường dây 500KV mạch 3 đia qua địa bàn có chiều dài 23,5km, gồm 51 vị trí móng cột, qua địa bàn 7 xã với tổng diện tích bị ảnh hưởng 80,9ha và 328 hộ, 3 tổ chức bị ảnh hưởng. Mặc dù theo báo cáo thì đến nay đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công phần móng cột 51/51 vị trí, diện 8,0ha, đạt 100% song trên thực tế, dự án đang còn một số vướng mắc. Trong đó, có 9 hộ gia đình xây dựng công trình trên đất nông nghiệp thuộc diện phải di dời ra ngoài phạm vi hành lang đường điện 500kV và thực hiện bồi thường theo quy định nhưng chưa thống nhất phương án xử lý. Ngoài ra, địa phương này có 72,09ha, gồm 65,29ha đất rừng sản xuất và 1,63ha đất trồng cây lâu năm nằm trong hành lang đường điện 500kV. Các hộ gia đình kiến nghị đề xuất thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ vì sau khi hình thành đường điện 500kV để tiếp tục sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, không đạt hiệu quả kính tế và việc hỗ trợ 30% giá trị đất bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất quá thấp. Đến nay, vẫn còn một số hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng sạch và có 6 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.
Tại huyện Hương Khê, trong tổng số 35 vị trí móng cột của dự án đi qua địa bàn, hiện còn 3 hộ gia đình chưa thống nhất nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng. Cùng với đó, ngày 11/4/2024 Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị hỗ trợ bồi thường đối với diện tích đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không do hạn chế khả năng sử dụng đất đối với diện tích 360.819,7m2. Thời điểm này, 20 hộ dân thuộc thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc và TDP Khe Thờ, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc chịu ảnh hưởng bởi dự án đường dây 500kV mạch 3 đã được chi trả kinh phí GPMB trong hành lang tuyến nhưng vẫn chưa chịu di dời nhà cửa, vật kiến trúc, chặt hạ cây cối để bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung theo quy định.
Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dài 226km, là một trong bốn dự án thành phần thuộc Dự án đường dây 500kV mạch 3, có chiều dài 514km, được nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư 23.000 tỷ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, BQL dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) quản lý điều hành. Dự án qua địa bàn Hà Tĩnh có chiều dài 141,52km, với 285 vị trí móng cột, đi qua địa bàn 8 huyện, thị xã. Theo đánh giá, ngoài việc gặp không ít bất lợi về thời tiết, thì quá trình thi công dự án qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn khi phần lớn các vị trí móng cột đều nằm ở khu vực núi cao nên bất lợi cho quá trình thi công.
Cụ thể, các vị trí từ 14 - 49 thuộc dãy Hoành Sơn, TX Kỳ Anh có địa hình cao, gây khó khăn cho các nhà thầu từ việc mở đường công vụ, tiếp cận vị trí thi công cho đến việc vận chuyển, cung ứng thiết bị, vật liệu. Trong đó, móng cột số 28 nằm ở lưng chừng núi, với độ cao so với mặt nước biển khoảng 200m nên quá trình thi công, gặp mưa lớn đã xảy ra sự việc sạt lở làm 7 người thương vong nói trên. Ngoài ra, đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đoạn qua khu vực này song song với đường dây 500 kV Quảng Trạch - Vũng Áng nên quá trình nổ mìn, phá đá cũng mất nhiều thời gian vì phải hết sức cẩn trọng.
Phía chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung cho biết, trong thời gian vừa qua chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ sát sao để các nhà thầu đảm bảo các điều kiện thi công tốt nhất. Tiến độ từ đầu đặt ra là phấn đấu ngày 30/4/2024 hoàn thành việc thi công móng, đến ngày 30/5/2024 hoàn thành dựng cột và từ ngày 20/6/2024 bắt đầu kéo dây, đưa vào khai thác chậm nhất vào ngày 30/6/2024 theo đúng tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, thực tế tính đến hiện nay thì tiến độ đó là khó khả thi, khi việc thi công móng cột vẫn chưa hoàn thiện, trong khi đó một số vị trí móng cột vẫn chưa thể thi công vì vướng mắc công tác đền bù, GPMB.
Tác giả: Thiên Thảo
Nguồn tin: cand.com.vn