Hà Tĩnh ngày nay

Vì sao cân xe, xử lý xe quá tải trên QL1A Hà Tĩnh thất bại?

3 ngày, 5 lần “vỡ” trạm cân khi từng đoàn xe tải nặng rầm rập vượt trạm trước sự bất lực của lực lượng liên ngành thực thi nhiệm vụ.

Thế nhưng, để khắc phục tình trạng này, thay vì tăng cường đôn đốc chỉ đạo và bổ sung lực lượng để nâng cao hiệu quả răn đe phòng ngừa thì lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh lại đưa ra quyết định khá bất ngờ: “Dừng cân xe trên QL1A” tại cuộc họp chiều 26/7 với Tổng cục ĐBVN.


“Vỡ” trạm cân Hà Tĩnh, lực lượng liên ngành kêu …nhục!


Sợ cân xe tạo …phản cảm!


18h15 ngày 26/7, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ (người đã từng khẳng định đến 3 lần việc cân tải trọng xe là trách nhiệm của Khu QLĐB 4 mà trong số báo trước chúng tôi đã nêu) cùng Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ và Phó Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn An nhăm tìm giải pháp khắc phục hiện tượng xe quá tải liên tục gây sức ép và tụ tập thành đoàn xe để vượt trạm, thách thức lực lượng liên ngành làm nhiệm vụ


Được dự cuộc họp này, phóng viên ghi nhận quan điểm đi ngược với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát tải trọng xe nhằm bảo vệ hệ thống cầu, đường bộ của lãnh đạo chính quyền và ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh.


Ngay đầu cuộc họp, ông Trần Minh Kỳ khẳng định việc kiểm soát và xử lý xe tải theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ là chủ trương đúng và khỏi phải bàn nhưng phải rút kinh nghiệm về cách làm vì QL1A đang thi công còn lực lượng không có để huy động: “Một chủ trương rất đúng nhưng làm như thế thấy phản cảm lắm, mấy ngày qua, tôi đã phải nghe cả trăm cuộc điện thoại của nhân dân, của báo chí, tôi đã thấy chờn”, ông Kỳ nói.


Vấn đề rút kinh nghiệm đã được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nhắc đi nhắc lại đến cả chục lần tại cuộc họp. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến vỡ trạm cân là do lái xe tụ tập phương tiện, chống đối tại hai đầu trạm cân trong khi lực lượng liên ngành vừa thiếu, vừa yếu thì lại không được nhìn nhận để tìm hướng và tìm giải pháp tháo gỡ. Thế mà biện pháp để tránh vỡ trạm cân được Phó chủ tịch Trần Minh Kỳ đưa ra là: “Phải bàn lại phương án và nghiêm cấm cân xe trên QL1A(!?)” khiến nhiều đại biểu, nhất là đại biểu của Tổng cục ĐBVN không khỏi không bất ngờ.


Lực lượng công an nhiều việc (!?)


Theo đại diện Khu QLĐB IV và lãnh đạo Thanh tra Tổng cục ĐBVN đưa ra tại đây thì vị trí cân xe trước khi thực hiện đã được khảo sát một số điểm trong đó có bến xe Hồng Lĩnh. Tuy nhiên, hiện đoạn đường qua đây đang thi công do đó chưa thể triển khai được và vị trí cân hiện tại là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, lực lượng liên ngành cũng đã khảo sát có vị trí hạ tải xe rộng vài nghìn m2 gần đó. Điểm mấu chốt quyết định sự thành bại của việc cân xe tại Hà Tĩnh là đã không giải quyết được hiện tượng lái xe tập kết rất đông phương tiện tại hai đầu trạm cân và để gây áp lực và tìm thời cơ để vượt trạm.

xxx

Hàng trăm xe đậu thành hàng dài ven QL1A gây cản trở giao thông, gây áp lực với lực lượng làm nhiệm vụ trước sự thờ ơ của lãnh đạo địa phương

Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc công an tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, đồng tình với chủ trương cân xe, tuy nhiên vấn đề không yên tâm là điểm cân làm trên QL1A gây bất ổn bởi lượng xe đông, đường chật(?!) Hiện công an tỉnh chỉ có thể bố trí 7 công an.“Cảnh sát địa bàn đến hỏi lái xe về việc dừng đỗ nhưng lái xe bảo chạy đường dài mệt nên nghỉ, công an cũng chịu. Vả lại, công an tỉnh còn nhiều nhiệm vụ khác và không thể tăng thêm quân số vì hiện đang phải thi điều lệnh, tập trung cho di dân tái định cư, rồi việc trên rừng, dưới biển…”, Thượng tá Nguyễn Văn An lý giải.


Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Xuân Cường sau đó có đề nghị phối hợp công an, thanh tra kiểm tra tải trọng ngay tại những nơi xe đỗ, tuy nhiên Thượng tá Nguyễn Văn An không đồng ý vì cho rằng cân xe là trách nhiệm của thanh tra giao thông (!?).


Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ thêm một lần yêu cầu lực lượng liên ngành phải rút kinh nghiệm, bàn bạc để triển khai và không cân xe trên QL1A.


Do không nhận được sự hợp tác cần thiết của địa phương, việc cân xe đã tạm dừng từ trưa 27/7 sau 4 ngày triển khai.

xx

Thậm chí, lái phụ xe tụ tập đông người, tổ chức vượt trạm nhiều lần mà lực lượng làm nhiệm vụ vừa thiếu, vừa yếu lại không được tăng cường để ứng phó

Từ thất bại khi xử lý xe quá tải trọng được tổ chức lần đầu tại Hà Tĩnh cho thấy, công tác này chỉ thành công nếu có sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền và lực lượng chức năng địa phương. Bởi việc tổ chức cân xe lưu động, xử lý xe quá tải không phải lần đầu tiên mới thực hiện mà trước khi tiến hành tại Hà Tĩnh đã được tổ chức hiệu quả tại Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Yên Bái , Thái Bình, Đồng Nai, Lâm Đồng..…trên các tuyến QL1A, QL5, QL6, QL10, QL18, QL20, QL70…


Xin trích ý kiến của Phó chủ tịch UBND tỉnh ông Trần Minh Kỳ tại cuộc họp với lãnh đạo Tổng cục ĐBVN để kết thúc bài viết này: “Tại cuộc họp HĐND tỉnh vừa qua bản thân tôi đã đưa ra ý kiến nếu không xử lý xe quá tải, khi đầu tư công cắt giảm thì 5 năm nữa các tuyến đường trên địa bàn được đầu tư nhiều nghìn tỉ đồng sẽ quăng đi hết”. Nói là vậy, nhưng thực tế công tác bảo vệ đường của Hà Tĩnh như thế nào thì dư luận đã thấy qua diễn biến vỡ trạm cân liên tục mấy ngày qua.


Xem thêm Công điện số 95/CĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng và chở quá số khách cho phép tại đây


Tuấn Anh

GTVT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP