Địa Chí Hà Tĩnh

Về ốc đảo có 50 ngôi nhà hoang giữa sông Lam

 

Về ốc đảo có 50 ngôi nhà hoang giữa sông Lam

Năm 1990, khi cầu Bến Thủy một hoàn thành, từ một nơi kinh tế phát triển, thuyền đò tấp nập ra vào, thôn Hồng Lam (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) lại bị cô lập so với bên ngoài. Người dân lần lượt bỏ ra đi khiến ngôi làng nhỏ có tới 50 ngôi nhà bị bỏ hoang và 13 năm chưa có thanh niên về đám cưới.

Chỉ cách trung tâm TP Vinh (Nghệ An) khoảng 7km nhưng cách duy nhất để vào thôn Hồng Lam là phải đi đò. Buổi trưa, chuyến đò nặng trĩu vì chở rất nhiều học sinh tan trường về. Chòng chành mất hơn 10 phút, chúng tôi cũng vào được ngôi làng như ốc đảo giữa lòng sông Lam.

Ốc đảo giữa ngã ba đô thị

Tuy chỉ cách không khí tấp nập của phố phường một con lạch nhỏ nhưng nơi đây lại vắng vẻ và đậm chất quê mùa đến bất ngờ. “Ngày đó, dân chúng trong làng đông lắm, cuộc sống nhộn nhịp khi mái nhà này kề sát nóc nhà kia. Vậy mà bây giờ, tan hết cả rồi các cháu ạ”, ông Trần Chắt (90 tuổi) một cụ già trong thôn cho biết.
Cách duy nhất để vào làng Hồng Lam là đi đò. Ảnh: Vân Thanh. 
Theo như lời kể của những người cao tuổi thì “làng nổi” Hồng Lam có cách đây khoảng hơn 300 năm. Hồi đó, có hai anh em họ Hồ vì nhà nghèo, không có chỗ nương thân trong “đất liền” nên đã đưa nhau ra đây lập nghiệp. Thấy có người ở, cây cối, hoa màu quanh năm tươi tốt nên nhiều người đã kéo nhau ra lập làng và làng bắt đầu sinh sôi nảy nở, trở nên đông đúc từ đó.

Trước kia làng được chia làm hai vùng rõ rệt, một bên làm ngư nghiệp với tên gọi Yên Ngọc, một bên làm nông nghiệp với tên Phong Thái, đều thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1954, làng được cắt về xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và tên gọi Hồng Lam cũng xuất hiện từ đó. Trước những năm 1954, thôn Hồng Lam được xem là căn cứ quan trọng đề cắt giữ vũ khí cũng như lương thực.

Khi chưa có cầu Bến Thủy, người dân đều đi lại đều bằng đò thì Hồng Lam được mệnh danh là khu đô thị sầm uất bởi nghề thủ công dệt chiếu cói. Thời hoàng kim đó dần lùi xa khi chiếc cầu nối liền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được xây dựng. Mặc dù nằm giữa “ngã ba đô thị” gồm TP. Vinh, thị trấn Xuân An và thị trấn Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nhưng khi phương tiện đi lại dễ dàng, đặc biệt khi đò không còn thông dụng thì Hồng Lam đã trở thành một ốc đảo bị cô lập .

Bây giờ, từ hạt gạo đến viên gạch xây nhà đều phải vận chuyển vào bằng đò. Người dân muốn mua bán gì cũng hết sức khó khăn.

13 năm không có đám cưới

Những ngôi nhà còn khá chắc chắn nằm san sát nhau cạnh cho thấy ngôi làng đã từng có một quá khứ sầm uất. Tuy nhiên, với những bậc cao niên trong làng thì họ đã và đang đối mặt với một nỗi sợ, sợ rồi ngôi làng với bề dày lịch sử sẽ biến mất trong tương lai bởi sự thay đổi chóng mặt về dân số.
“Làng tôi giờ chỉ thấy người già và trẻ con”, ông Hồ Hành cho biết. Ảnh: Vân Thanh.
 Sống trong cảnh bị cô lập, người dân tìm cách để thoát ly dần, từng lớp thanh niên lớn lên, đi học rồi tìm đường vào Nam hay ra Bắc lập nghiệp. Ông Trần Văn Thắng (50 tuổi) một người dân trong thôn cho biết: “Nói thì chắc không ai tin nhưng thôn chúng tôi bây giờ đang bị già hóa đi rồi, trong làng toàn người già với trẻ con thôi chứ thanh niên trai tráng thì đi hết rồi. Bây giờ cả thôn may ra được mấy cháu đang học lớp 11 lớp 12 là ở nhà thôi”.

Không những dân số ở thôn Hồng Lam đang bị già hóa đi mà ngày càng bị giảm một cách trầm trọng. Trước đây, vào những năm 1998, dân số trong thôn năm ở gần 2000 người. Tuy nhiên, chỉ ba năm sau, dân số trong làng đã giảm xuống chỉ còn mấy trăm người.

Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Chắt (87 tuổi) chia sẻ: “Trước đây, thôn đông vui lắm nhưng từ khi phong trào di dời đi nơi khác ở thì hàng loạt gia đình đã bỏ đất mà đi. Như sáng nay đó, có gia đình ông Trần Đình Dần (60 tuổi) mới vừa liên hoan chia tay với bà con lối xóm để vào Nam sinh sống”.

Ông Hồ Hành (82 tuổi) bảo: “Ngôi làng này hơn 10 năm nay không có lấy một đám cưới rồi các cháu ạ, ngày trước mỗi lần trong làng có đám cưới là vui vẻ lắm nhưng giờ thì đã không còn. Nhiều lúc, chúng tôi thèm nghe tiếng nhạc đám cưới và tiếng chúc mừng mà không có” Sở dĩ có chuyện như vậy là vì thanh niên trai tráng trong làng đi cả rồi, kẻ ra Bắc, người vào Nam kiếm đường làm ăn.

Giờ đây trong làng hầu hết là trẻ nhỏ và người trung tuổi, còn thanh niên rất hiếm. Lần đám cưới được tổ chức tại làng là vào năm 2000, khi đó, sau đám cưới của con gái bà Ngô Thị Nguyệt lấy người trong làng. Đó được xem là đám cưới to nhất và là đám cưới cuối cùng của ngôi làng Hồng Lam. Từ đó trở về sau, không còn ai tổ chức đám cưới nữa. “Làng chỉ có đám cưới khi ai đó cưới vợ lẽ chứ thanh niên không còn ai tổ chức đám ở quê nữa”, bà Nguyệt chua chat nói.

Không có đám cưới đồng nghĩa với trẻ con trong làng ngày càng ít. Hiện tại bây giờ, cả làng chỉ có 12 em học sinh cấp 1 trong khi đó năm học 2011 – 2012 làng có 31 em học sinh. Do đường đi học phải vượt sông nên chỉ những em học sinh cấp 2 mới sang đất liền học còn học sinh lớp 1 được dạy ngay tại làng. Và tình trạng lớp học chỉ có 3,4 em là điều phổ biến ở đây.

50 ngôi nhà hoang

Bên cạnh việc dân số đang bị già hóa thì ở đây xảy ra một thực trạng là người dân đua nhau thoát ly. Con cháu đi làm ăn rồi tìm đường đưa bố mẹ đi theo, ông Nguyễn Văn Phong (48 tuổi) trưởng thôn cho biết: “Hiện nay, trong làng có rất nhiều người chuyển đi nơi khác sống, nhiều gia đình đã đi theo con cái vào đất liền. Đơn cử như gia đình ông Dần mới tổ chức liên hoan để chia tay bà con lối xóm và Nam sinh sống. Và hiện nay, trong làng có hơn 50 ngôi nhà đang bị bỏ hoang”.
Rất nhiều ngôi nhà còn tươm tất như thế này bị bỏ hoang giữa làng. Ảnh: Vân Thanh. 
 Chưa dừng lại ở đó, cuộc sống của người dân nơi đây đều phụ thuộc vào trồng cói dệt chiếu và trồng cây lạc. Công việc bấp bênh, thu nhập thấp nên còn rất nhiều người muốn ra đi. Ông Thắng cho biết thêm: “Các con của tôi đã chuyển vào sinh sống trong Nam cả rồi nên giờ tôi đang thu xếp công việc rồi cũng vào đó đoàn tụ cùng các con”. Không chỉ gia đình ông Thắng mà rất nhiều gia đình đang chuẩn bị bỏ Hồng Lam ra đi tìm mảnh đất mới.

Ông Lê Hồng Lưu chủ tịch xã Xuân Giang chia sẻ: “Vấn đề của người dân trong thôn Hồng Lam chúng tôi đều biết rõ, điều cần thiết bây giờ với người dân là có một cây cầu để đảm bảo giao thương với đất liền được dễ dàng. Tuy nhiên, việc người dân mơ ước có một cây cầu là điều khá xa vời khi ngân sách của xã không đủ để xây dựng. Mấy năm trở lại đây, có 120 hộ dân đến xã cắt khẩu để chuyển đi nơi khác và hầu hết trong đó đều là bà con của thôn Hồng Lam cả”.

Quen sống trong cảnh bốn bề là nước, hàng ngày đi học trên những chuyến đò đầy gian nan có lẽ là ấn tượng khó quên của học sinh trong thôn Hồng Lam. Vì cái nghèo, cái đói, cứ thế hệ này lớn lên lại tha phương để kiếm vùng đất mới để Hồng Lam hôm nay trầm mặc, buồn hiu nép mình bên dòng Lam đang ngày ngày cuộn chảy. Ước mơ về của người dân nơi đây về một cây cầu còn xa vời lắm.

Vân Thanh (Theo MTG)

  Từ khóa: ốc đảo , nhà hoang , Sông Lam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP