Người dân đứng dọc quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) để bắt xe |
Theo ghi nhận của Thanh Niên, bắt đầu từ 6 giờ sáng nay, 10.2 (tức mồng 6 tháng Giêng), hàng trăm người dân ở Hà Tĩnh đã đổ ra các ngã ba, ngã tư dọc theo quốc lộ 1A để đón xe ra Bắc vào Nam sau dịp nghỉ tết.
Tại khu vực đầu đường tránh thành phố Hà Tĩnh (thuộc xã Thạch Long, huyện Thạch, Hà Tĩnh), mặc dù ra đón xe từ lúc sáng sớm nhưng đến 9 giờ, rất đông người đứng hai bên đường vẫn chưa bắt được xe. Mỗi khi có xe khách giường nằm chạy tuyến bắc - nam và ngược lại đi qua, người dân lại giơ tay vẫy vẫy ra hiệu xin được lên xe nhưng hầu hết các xe này đã kín chỗ.
Gia đình chị Hoàng Thị Lan đứng tại đầu đường tránh thành phố Hà Tĩnh để đón xe ra Hà Nam nhưng các xe đã kín chỗ |
Những người đón xe hầu hết là các công nhân, sinh viên và những hộ gia đình chưa đặt mua vé từ trước. Chính nguyên nhân này khiến họ khó khăn trong việc bắt xe và bị các nhà xe ép giá. Phải đứng đón xe suốt nhiều giờ liền trong thời tiết của ngày nghỉ tết cuối cùng khá oi bức, nhiều người tỏ ra mệt mỏi, đặc biệt là các em nhỏ theo cha mẹ ngồi vạ vật bên đường.
Chị Hoàng Thị Lan (40 tuổi, trú tại thôn 11, xã Thạch Mỹ, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi cùng chồng và 3 con ra đứng đón xe ở đầu đường tránh thành phố Hà Tĩnh để quay trở lại Hà Nam làm công nhân nhưng đến 8 giờ sáng vẫn chưa đón được xe. Ngày thường giá vé chỉ 250.000 đồng/người nhưng sau tết nhà xe “hét giá” 350.000 đồng/người mà vẫn không có giường. Thậm chí, gia đình tôi chấp nhận nằm luồng mà nhà xe cũng lắc đầu. Đa số những người mua vé trước tết hoặc gọi điện đặt trước thì mới có chỗ”.
Chị Lan lo lắng, nếu gia đình không đón được xe thì sẽ không kịp cho 3 con kịp thời gian nhập học ở buổi học đầu tuần.
Một số người dân ra đường đón xe đi các tỉnh phía Nam tỏ ra mệt mỏi vì không bắt được xe |
Ở phía bên kia đường, anh Trần Quốc Dâng (42 tuổi, trú tại thôn Sâm Vân Hội, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) cùng một số người dân khác vẫn chưa bắt đi các tỉnh phía Nam, dù đã đứng vẫy xe suốt 2 tiếng đồng hồ.
“Sáng nay, tôi ra đây bắt xe vào tỉnh Đắk Nông để làm việc sau nhiều ngày về quê ăn tết. Đứng vẫy một số xe mà họ đều đòi giá cao gần gấp 3 số với ngày thường. Ngày thường chỉ mất 550.000 đồng/vé mà hôm nay các nhà xe đều đòi 1,5 triệu đồng/vé. Do giá vé quá cao nên tôi chưa chấp nhận lên xe mà cố gắng vẫy thêm các xe khác xem giá vé có giảm hơn thì đi”, anh Dâng nói.
Dọc theo quốc lộ 1A qua các huyện khác của tỉnh Hà Tĩnh, nhiều hành khách cũng phải chịu cảnh vạ vật chờ xe.
Để kịp ngày làm việc đầu năm, nhiều hành khách chấp nhận giá vé cao hơn so với ngày thường để được lên xe |
Ông Bùi Phan Lương, Phó giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh, cho hay để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương sau dịp nghỉ tết, bến xe đã tăng cường thêm 20 đầu xe mỗi ngày, nâng tổng số đầu xe tại bến lên 100 xe. Để tránh tình trạng nhà xe nhồi nhét và ép giá hành khách, trước dịp nghỉ tết năm nay, Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh chỉ cho phép nhà xe tăng không quá 30% giá vé so với ngày thường. Đồng thời, yêu cầu nhà xe ký cam kết và niêm yết giá vé công khai. Cho tới thời điểm này, nhu cầu đi lại của người dân chỉ ở mức tăng nhẹ so với ngày thường.
Dọc quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh đều có nhiều người dân ra đường đợi bắt xe |
Nói về tình trạng người dân không vào bến mua vé mà ra dọc quốc lộ 1A đón xe nên bị nhà xe chặt chém, ông Lương cho rằng, chính người dân đã tự làm khó mình vì đã không chủ động vào bến mua vé vì đầu xe phục vụ người dân không thiếu.
“Người dân theo tâm lý cứ nghĩ rằng bây giờ lượng xe nhiều nên cứ ra đường là bắt được xe. Chính sự chủ quan này mà người dân đã “tiếp tay” cho các nhà xe được dịp chặt chém và nhồi nhét khách. Việc người dân không vào bến mua vé còn khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách không dự trù được lượng khách để tăng cường đầu xe và gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý”, ông Lương nói.
Tác giả: Phạm Đức
Nguồn tin: Báo Thanh niên