Quyết định thu hồi chưa có hiệu lực, tỉnh Hà Tĩnh đã phân đất cho doanh nghiệp khác vào xây dựng trên những hạng mục dự án mà Công ty đang triển khai. Trị giá đất dự án của Công ty Đa Quốc Gia, tính theo khung giá đất của tỉnh là gần 700 tỷ đồng, còn theo giá thị trường tại thời điểm nay thì gấp gần 5 lần 700 tỷ đồng. Trong khi đó, trước khi ký quyết định thu hồi đất dự án, Uỷ ban ép Công ty nhận chưa đến 19 tỷ đồng.
Có hay không “lợi ích nhóm” trong việc thu hồi đất?
Đại diện công ty cổ phần Đa Quốc Gia phản ánh trực tiếp với Người đưa tin: Năm 2007, Công ty nhận bàn giao 126.535m2 đất (tương đương với gần 13 ha) và gần 30.000 m2 đất ngoài, gọi là đất lưu không, để thực hiện dự án Dịch vụ 24h (đầu tư xây dựng trạm nghỉ xe và kinh doanh dịch vụ tổng hợp với trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và phương tiện vận tải, hỗ trợ các dịch vụ phục vụ khu Kinh tế Vũng Ánh. Gần 30.000m2 đất ngoài này dùng vào việc làm các hạng mục cho đường giao thông – quốc lộ số 12, khi nào tỉnh thu hồi thì phải trao trả ngay lập tức.
Ngay sau khi nhận được bàn giao đất, Công ty đã tiến hành đầu tư xây dựng một số hạng mục của dự án như kè móng, san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tự làm đường nối vào dự án… Thời điểm đó, khu vực này chưa có đường tỉnh lộ 12 nên hoang sơ, vắng vẻ. Khu đất Công ty được giao toàn là ruộng sâu, đầm phá, sình lầy… đã được san lấp thành mặt bằng sạch, được chia thành khu vực của từng hạng mục rất khoa học. Khu đất lưu không được trồng cây để giữ đất cho việc làm đường tỉnh lộ…
Lễ khởi công của công ty Đa quốc gia.
Dự án được thực hiện đúng, khẩn trương tới mức, phó cục trưởng cục Đường bộ Việt Nam (bộ Giao thông vận tải), ông Nguyễn Văn Thanh đã có công văn khen rằng, đây là “Công ty đầu tiên xây dựng, vận hành thí điểm trạm dừng xe “Dịch vụ 24h”, mô hình dự án sẽ được phát triển và nhân rộng trên phạm vi toàn quốc, hoan nghênh việc đầu tư của công ty Đa Quốc Gia cho dịch vụ này”.
Các hạng mục công việc trong dự án được thực hiện nhịp nhàng để đấu nối hoạt động cho từng hạng mục vào với nhau. Giấy phép xây dựng vẫn còn thời hạn, Công ty đang thực hiện xây dựng các hạng mục công trình, chưa cần đến việc xin gia hạn đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Tiếp theo thu hồi chứng nhận đầu tư là quyết định số 1371/QĐ-UBND, ngày 27/4/2011 của UBND tỉnh do Phó chủ tịch Lê Đình Sơn ký, thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai đối với công ty cổ phần Y.E.S (trước đây là công ty Đa Quốc Gia).
Thu hồi đất của Đa Quốc Gia để giao cho ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng quản lý và bố trí sử dụng. Căn cứ để ra quyết định thu hồi rất “trên trời”, thể hiện rất rõ sự tùy tiện trong việc thu hồi và giao đất, không căn cứ vào thực tế thực hiện dự án của doanh nghiệp. Đại diện công ty cổ phần Đa Quốc Gia cho rằng, tất cả những quyết định trên đều trái pháp luật, đều vì “lợi ích nhóm”. Sau khi nhận được những quyết định sai trái, Công ty đều có khiếu nại nhưng lãnh đạo tỉnh không trực tiếp giải quyết mà cho các sở chuyên môn trả lời văn bản khiếu nại không đúng trình tự, lại rất thiếu các căn cứ chuyên môn, dẫn đến những ý kiến trả lời thật lộn xộn và khôi hài.
Trên thực tế, quyết định thu hồi đất dự án cho rằng Công ty vi phạm khoản 12 Điều 38 luật Đất đai năm 2003 là vô căn cứ. Bởi Công ty có tài liệu chứng minh, ngay sau khi nhận bàn giao đất đã tiến hành xây dựng một số hạng mục của dự án như kè móng, san lấp mặt bằng; sử dụng đất liên tục chứ không phải để đất không trong 24 tháng liền để tỉnh lấy đó làm lý do thu hồi.
Nghiêm trọng hơn Tiên Lãng?!
Theo tìm hiểu, trước đây, khu đất công ty Đa Quốc Gia được giao làm dự án là “con vịt xấu xí”, nhưng dưới sự đầu tư của Công ty (về vật chất, trí tuệ) thì khi khu Kinh tế Vũng Áng được mở ra, đường tỉnh lộ 12 chạy qua, nó trở nên rất đẹp, lung linh. Thế là từ vịt con xấu xí, nó thành thiên nga. Vì nó thành thiên nga nên nó đã bị gãy cánh. Cũng y như khu đất mà gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã thuê của chính quyền xã, huyện.
Lúc thuê, nó chỉ là vùng “đất chết”, bao nhiêu năm đầu tư công sức, tiền bạc, nó thành “đất sống”, rất đẹp, thế là bị thu hồi để rồi toàn bộ lãnh đạo chính quyền huyện “dính” vòng lao lý, mất chức, trong lý lịch, hồ sơ lưu của chính mình và con cái sẽ phải ghi: Tiền án, tiền sự: Có. Chỉ vì thiên nga và “đất sống” mà ban hành những quyết định trái luật, trái lương tâm để rồi, để dấu ấn trong lý lịch cho con cái nhưng thế, có đáng không?
Hiện trang khu đất công ty Đa Quốc Gia được giao.
Theo khiếu nại của công ty Đa Quốc Gia, thực tế, vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng tuy chấn động nhưng vẫn kém xa về tính nghiêm trọng, về sự bất hợp lý, thậm chí là bất minh so với việc ra quyết định thu hồi đất dự án đang thực hiện rất tốt của công ty Đa Quốc Gia của lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Bởi trong vụ Tiên Lãng , đất bị thu hồi còn chưa có chủ mới (tất nhiên, ngầm hiểu là giải quyết xong thì có người thuê ngay – PV), trong khi đó lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi đất của doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, chưa đền bù, chưa làm các thủ tục pháp lý theo đúng các quy định của Nhà nước như thành lập hội đồng định giá, đền bù, hai doanh nghiệp tự thoả thuận… đã giao đất cho doanh nghiệp khác thực hiện xây dựng trên các hạng mục công trình mà công ty Đa Quốc Gia đang tiến hành.
Hiện trạng của dự án thể hiện, doanh nghiệp mới được giao đất đang xây dựng khách sạn trên đúng nền móng và thiết kế của Đa Quốc Gia đang làm. Vì sao lại có một sự “ăn cắp” trí tuệ và vi phạm các quy định của pháp luật nghiêm trọng như thế? Phải chăng, Hà Tĩnh có “luật riêng”, lãnh đạo tỉnh có thể dùng quyền năng của giấy tờ ra quyết định, thích “giao” cho ai thì “giao”, bỏ qua các quy định của pháp luật?
Sau mỗi lần bị làm khó bởi quyết định không đúng pháp luật, công ty Đa Quốc Gia đều khiếu nại đúng trình tự quy định. Các khiếu nại đều rất rõ ràng nhưng tỉnh Hà Tĩnh giao cho ban ngành trả lời với tính chất lấy lệ, thể hiện sự thiếu hiểu biết thực tế đối với dự án. Người đưa tin sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này. |
Quế Ngân / Nguoiduatin.vn