Năm 19 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa tìm cách rời bỏ Đức Bồng, Vũ Quang, Hà Tĩnh để thoát nghèo, Lê Khánh Toàn quyết tâm bám trụ làng quê, đồi núi, mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Toàn lặn lội ngược xuôi ở nhiều vùng đất, trồng thử nghiệm nhiều loại cây, tham khảo ý kiến của cán bộ nông nghiệp… “Sau khi tìm hiểu, nhận thấy đất quê mình có thể trồng được nhiều cây có khả năng chịu hạn cao như keo, cao su, cam, bưởi, chanh phù hợp để chăn nuôi trâu, bò, dê, gà, vịt”, Toàn khẳng định.
Lấy sức trẻ làm vốn liếng, năm 2001, anh vượt qua những con đường đèo dốc, tìm kiếm một mảnh đất phù hợp để lập nghiệp. Toàn quyết định mua lại quyền sử dụng 3 ha đồi ở vùng Rú Đò. Xã Đức Bồng thời điểm đó còn chưa có điện, đường sá hết sức khó khăn, dân cư lại thưa thớt. Hằng ngày, trên đỉnh đồi, người ta vẫn thấy bóng một chàng thanh niên vạm vỡ, cặm cụi phát quang, san đất, làm cỏ để trồng cây.
“Ngày đầu mới lên, mùa hè nắng nóng chói chang, ngày đông rét thấu xương, đêm muỗi rừng bay vào nhà, không có điện, lại xa chợ, xa khu dân cư, nhiều lúc nản quá muốn bỏ cuộc. Mỗi lần xách balô lên lại thấy luyến tiếc với núi đồi, sợ cỏ mọc, cây cối lụi tàn, đất trọc, đồi hoang”, Toàn tâm sự. Ban đầu, Toàn cho trồng cây ngắn ngày như mía, sắn, nuôi gà, đi bẫy chim, bẫy thú. Cứ thế, lấy ngắn nuôi dài, có được thêm chút vốn, anh mua giống trồng cam.
Thấy cam lớn từng ngày, anh vui lắm, cứ nghĩ cây lớn ra quả sẽ có thêm vốn để mở rộng quy mô. Thế nhưng, sau ba năm quần quật làm việc, Toàn mới phát hiện ra giống cam anh mua chất lượng kém, lại không phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu nên cam chẳng thanh ngọt, ít nước, bán chẳng ai mua. Toàn phải phá hết 200 gốc cam 3 tuổi.
Sau lần đó, Toàn bắt tay trồng lại từ đầu giống cam mới. Lần này, Toàn tìm đọc kỹ sách kỹ thuật chăm sóc, học hỏi những người trồng vườn lâu năm, nên đúc rút được nhiều kinh nghiệm chọn giống, ươm cành, đào hố, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch… Cuối cùng, cam sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả rõ rệt. Anh có thêm vốn để trồng thêm loài cây khác cam, nuôi trâu, bò, gà…
Thu hoạch quả ngọt
Hiện tại, anh Lê Khánh Toàn sở hữu 9 ha đất trang trại, trong đó có 3 ha cam với gần 1.000 gốc, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 8 tấn, thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, anh có 2 ha cam trồng mới 3 tuổi đang bói quả, 2 ha rừng trồng keo, chàm và 2 ha trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Anh còn nuôi thêm gà, vịt, 14 con bò để lấy phân bón. Trang trại của anh mỗi năm cho thu nhập vài tỷ đồng. Anh mua máy móc, xây nhà khang trang, mở rộng mô hình trang trại, tạo thêm công ăn việc làm.
Cam chanh của Toàn luôn được thương lái thu mua với giá cao vì chất lượng cam đạt tiêu chuẩn. Nhiều người đã đến học tập và áp dụng kinh nghiệm trồng cam của anh, nhờ đó đồi trọc đất trống đang dần biến thành đất vàng trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. “Trồng cam chanh, cam bù vốn ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến mùa thu hoạch, thương lái vào tận nơi thu mua, không phải lo đầu ra của sản phẩm”, anh Toàn khẳng định.
Mô hình trang trại của Toàn là điển hình của huyện Vũ Quang, nhiều lần được nhận bằng khen của huyện và tỉnh. Năm 2011, anh Toàn vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc. “Thời gian đầu mình lập nghiệp rất khó khăn vì thiếu vốn, không có kinh nghiệm, kỹ thuật. Mong rằng Nhà nước sẽ quan tâm hơn đến lực lượng thanh niên muốn làm giàu tại quê nhà bằng nông nghiệp, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho anh em làm trang trại có hiệu quả hơn, khoa học và hiện đại hơn”, anh Toàn tâm sự.
Anh Nguyễn Quốc Nhật, Bí thư Đoàn xã Đức Bồng, nói: “Những trang trại mô hình trồng trọt, chăn nuôi, những vườn cam nặng trĩu quả ngọt đang dần phủ lên những ngọn đồi trọc cằn cỗi. Đó là máu, nước mắt của chàng trai tiên phong dám nghĩ dám làm như Toàn để đưa mảnh đất nghèo Vũ Quang thay da đổi thịt, đời sống người dân được cải thiện”.
Quang Hải – Minh Thùy