Kinh tế

Từ hôm nay, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành

Bắt đầu từ hôm nay (16/9), các mức lãi suất điều hành được Ngân hàng Nhà nước cắt giảm 0,25%/năm có hiệu lực.

Đây là lần giảm lãi suất điều hành đầu tiên của Ngân hàng nhà nước kể từ tháng 10/2017.

Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.

Giảm lãi suất điều hành không tác động nhiều đến lãi suất cho vay.

Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.

Giai đoạn gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành; trong nước kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định.

Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại và cả năm nay, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp, CPI 8 tháng đầu năm tăng 2,57%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thông thường, khi lãi suất điều hành giảm thì sẽ tạo áp lực tăng lạm phát nên việc hiện tại giữ được lạm phát tương đối thấp là thời điểm thích hợp để giảm lãi suất.

Việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra, tức lãi suất cho vay ít nhất sẽ không tăng, trong bối cảnh lãi suất đầu vào có nhích lên trong thời gian qua.

Việc giảm lãi suất điều hành theo các chuyên gia tác động không đáng kể đến thị trường lãi suất cho vay. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất trên thị trường cho vay dân cư và doanh nghiệp không bị ràng buộc bởi các loại lãi suất điều hành. Thực tế cho thấy có những thời điểm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng biến động mạnh nhưng lãi suất ngân hàng giao dịch với cư dân không bị ảnh hưởng.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu... Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như FED hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất.

"Do vậy, quyết định cắt lãi suất như trên của Ngân hàng Nhà nước mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới", BVSC nêu quan điểm.

Tác giả: NGỌC VY

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP