Anh Trần Văn Tân với công việc quản con voi cuối cùng ở rừng Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Táo |
Mùa xuân 1983, thức ăn trong rừng phong phú, lại nghỉ Tết, ít việc nên voi Bạc Nòi - con voi từng lập công trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được phong hàm trung úy, rất sung sức và động đực, nhưng lại thiếu voi cái. Cơn động đực của Bạc Nòi là nỗi khiếp đảm của cả lâm trường Ba Rền (Quảng Bình).
"Thời kỳ động đực (2-3 tháng), voi hay chảy nước đen ở mang tai, trở nên phá phách, bướng bỉnh. Lông dựng lên, tướng đi khác hẳn. Nó thường xuyên rượt đuổi công nhân”, quản voi Lê Thanh Hà kể lại. Những người quản lý thường xích voi vào rừng, cho nhịn đói để kiệt sức mà đỡ quấy phá.
“Lao động sản xuất nhưng cả lâm trường cứ nơm nớp chờ thông báo chạy nạn voi”, ông Hà kể lại. Bốn đến năm người được bố trí ở các góc rừng để canh, khi thấy voi đực chạy đến thì phát thông báo để công nhân tránh.
Một lần người quản Bạc Nòi tên Hòa đi lùa voi về để lao động. Điều khiển nhưng Bạc Nòi không nghe lời nên ông Hòa xông vào dùng roi đánh thì bị nó dùng ngà xốc tử vong. Đến chiều, không thấy ông Hòa về, mọi người đi tìm thì phát hiện sự việc.
Một tháng sau đó, voi Bạc Nòi được thả tự do. Nó đi đến đâu, có người theo dõi để báo mọi người sơ tán. Cũng thời điểm này, người dân vào rừng lấy mây, đốt lửa đêm, bị voi tấn công, giết chết một người, làm hai người khác bị thương.
Voi xô đổ máy móc, phá lán trại. Trước tình hình công nhân căng thẳng chạy voi, lâm trường Ba Rền có văn bản gửi Bộ Lâm nghiệp (cũ) xin tử hình Bạc Nòi.
Vào buổi sáng, anh Tân theo dấu xích để tìm voi đưa về bãi chăn thả, đến đêm lại để voi đi tự do. Ảnh: Hoàng Táo |
Khoảng tháng 3/1983, Bạc Nòi bị tử hình. Buổi sáng hôm đó, nó vào khu lán trại để phá phách, xô máy kéo T55 thì bị chiếc máy đè vào dây xích nên không di chuyển được. Lâm trường Ba Rền liền huy động một dân quân và một thợ săn, dùng súng AK để bắn voi.
Phải mất nhiều lượt bắn với ba viên đạn mỗi lượt, trong đó có phát bắn xuyên tai voi mới chết. “Trúng đạn, voi vùng vẫy, gầm rú cả một vùng. Nếu chiếc máy kéo không chèn lên sợi xích thì không bắn được, thậm chí có thể làm chết thêm người”, ông Đoàn Ngọc Thạnh, y sĩ chăm sóc sức khỏe cho voi, kể lại.
Sau cái chết của Bạc Nòi, nhiều quản tượng rất buồn. Là trưởng đoàn voi kéo gỗ, Bạc Nòi rất tinh khôn. Cặp ngà dài của Bạc Nòi bị cắt đưa về trụ sở lâm trường Ba Rền. Sau này, lâm trường tách nhập, chuyển đổi nên cặp ngà thất lạc. Riêng xác voi dùng gỗ đốt cả tuần liền.
Công việc của lâm trường Ba Rền sau đó trở lại bình thường, những con voi khác vẫn phục vụ kéo gỗ. Đến tháng 10/2013, voi cuối cùng trong sáu con đưa về lâm trường bị chết.
Lâm trường Khe Giữa, đơn vị quản lý, đang kiến nghị trả lại voi cho tỉnh Quảng Bình nhằm phục vụ du lịch. Ảnh: Hoàng Táo |
Quảng Bình hiện còn một voi cái, được cho là con của Bạc Nòi. Quản tượng Hà nhớ khoảng năm 1977, voi con được sinh ra tại đội Tương Lai. Voi cái sinh con ở ngoài rừng rồi dẫn về đội sản xuất, trong sự ngạc nhiên của nhiều người.
Khoảng năm 1990, voi con bắt đầu được tập lao động. Con cái được giao cho lâm trường Khe Giữa (huyện Lệ Thủy) dùng kéo gỗ, đến năm 2014 thì nghỉ vì hết gỗ khai thác.
Anh Trần Văn Tân (43 tuổi, trú huyện Lệ Thủy) được lâm trường Khe Giữa phân công chăn voi. Công việc hàng ngày bắt đầu từ sáng sớm bằng việc theo dấu xích đi tìm voi, lùa về bãi chăn thả cho ăn, ra suối tắm mát.
Voi thường ăn đương, giang, chuối, lau và đót. “Một số cây nó không tự kiếm được như đoác, kè… thì mình chặt mang lên rừng cho ăn”, anh Tân nói.
Chỉ trừ mưa bão không thể tiếp cận voi mới đi xa, còn bình thường quanh quẩn khu vực chăn thả chưa đến nửa ngày đường. Gắn bó với voi cả ngày trong rừng, anh Tân bảo công việc vất vả, nhưng bù lại voi tình cảm, quấn quýt.
Hiện, lâm trường Khe Giữa kiến nghị trả lại voi cho tỉnh Quảng Bình để phục vụ du lịch.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, nhằm phục vụ khai thác gỗ ở các cánh rừng miền Tây Quảng Bình, Bộ Lâm nghiệp (cũ) đã cấp voi về các lâm trường nhằm vận chuyển gỗ.
Năm 1963-1964, sáu con voi được chuyển về lâm trường Ba Rền, trong đó con Bạc Nòi được Đoàn 559 tặng cho Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, Bạc Nòi từng phục vụ kéo pháo, vận chuyển đạn dược ở chiến dịch Điện Biên Phủ nên được phong quân hàm trung úy. Việc phong hàm với ý nghĩa ghi nhận công lao của voi.
Các chú voi được phân về từng đội sản xuất, cách nhau tầm 10 km ở giữa rừng miền Tây Quảng Bình, được chăm sóc y tế, hưởng các chế độ ăn nghỉ và có người quản lý.
Tác giả: Hoàng Táo
Nguồn tin: Báo VnExpress