Trong dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015, Bộ GD&ĐT đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của trường CĐ là tốt nghiệp THPT thay vì quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo một mức điểm nhất định như những năm trước.
Hết mong “lọt sàng xuống nia”
Thông tin này thực sự là cú sốc đối với các trường trung cấp vì cổng trường CĐ đã mở quá rộng, sẽ không học sinh (HS) nào muốn học trung cấp nữa.
Ông Hàn Mặc Khách, Chủ tịch HĐQT Trường trung cấp Mai Linh (TP HCM), cho biết, năm 2015, trường chỉ tuyển được hơn 100 HS, trong đó chủ yếu là HS tốt nghiệp THCS.
Năm 2016, trường chỉ mong tuyển được nhiều HS tốt nghiệp THCS chứ không phải HS tốt nghiệp THPT, bởi đối tượng này ít khi chọn học trung cấp khi mà các em đủ điều kiện học CĐ.
Ông Khách cho rằng, xét về tâm lý, ai cũng muốn học ĐH, CĐ; ngay cả những HS học trung cấp trước đây cũng muốn nâng cao trình độ bằng cách liên thông lên ĐH, CĐ. Vì vậy, sẽ không có nhiều HS tốt nghiệp THPT lại chọn học trung cấp, ngoại trừ HS nghèo muốn học trung cấp để đi làm sớm nhưng số này không nhiều.
Học sinh ngành điều dưỡng Trường trung cấp Ánh Sáng trong giờ thực hành. Ảnh: Người Lao Động. |
Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Ánh Sáng (TP HCM), cho biết, những năm qua, mỗi năm trường tuyển được khoảng 1.000 HS, trong đó số HS có bằng tốt nghiệp THPT chiếm từ 90%-95%.
“Đó là kết quả tuyển sinh khi tuyển sinh của các trường CĐ còn bị ràng buộc bởi điểm sàn, còn nay (năm 2016), học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện vào CĐ thì không biết kết quả tuyển sinh có đạt như những năm trước hay không. Các trường trung cấp không còn hy vọng lọt sàng xuống nia”, ông Sáng lo.
Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho rằng, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của trường CĐ là tốt nghiệp THPT sẽ không làm phương hại đến các trường trung cấp, khi việc phân luồng HS sau THCS được thực hiện tốt. Tuy nhiên, công tác phân luồng hiện nay không hiệu quả khi có rất ít HS tốt nghiệp THCS đi theo hướng học nghề.
Số liệu tại Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, năm 2015, TP có trên 75.000 HS tốt nghiệp THCS nhưng chỉ khoảng 1.000 HS theo hướng học trung cấp, học nghề.
Bít đầu ra nhóm ngành sức khỏe
Trong lúc các trường trung cấp chưa hết lo lắng cho tuyển sinh lại tiếp tục đón thêm một “hung tin” là Bộ Y tế vừa cho biết sau 5 năm nữa (từ năm 2021), các bệnh viện, các cơ sở y tế trong toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý… hệ trung cấp.
Từ thời điểm kể trên, các vị trí này sẽ tuyển đầu vào thấp nhất là trình độ CĐ; Từ 2025, sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế. Trước mắt, từ năm 2018, sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học…
Bộ Y tế cho rằng, trên thế giới, đặc biệt là trong các nước ASEAN, cán bộ y khoa thuộc các vị trí kể trên đã đạt trình độ học vấn từ hệ CĐ trở lên. Tại Thái Lan, hầu như các điều dưỡng đều đã đạt trình độ thấp nhất là ĐH. Vì vậy, quyết định này được coi là một trong những bước đi nhằm nâng cao trình độ nhân sự y khoa, hội nhập và phát triển chất lượng nhân lực y tế của Việt Nam so với các nước khác.
Thạc sĩ Đặng Văn Sáng cho rằng, lý do Bộ Y tế đưa ra không thuyết phục bởi thực tế hiện nay, Nhật hay Đức vẫn sang Việt Nam tuyển lao động tốt nghiệp trung cấp ngành sức khỏe, nhất là điều dưỡng. Thời gian đào tạo bậc CĐ ở nước ngoài và trung cấp ở Việt Nam cơ bản như nhau: 2 năm đối với người đã tốt nghiệp THPT, 3 năm đối với người tốt nghiệp THCS. Thế nên, cái khác ở đây chỉ là tên gọi của khung trình độ quốc gia, vì chỉ Việt Nam mới đào tạo trung cấp. Hơn nữa, trong một cơ sở y tế không phải vị trí nào cũng cần trình độ CĐ trở lên.
Sau quy định trên của Bộ Y tế, số phận các trường trung cấp chuyên đào tạo nhóm ngành sức khỏe sẽ ra sao? Bà Trần Lệ Hằng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Y Dược Vạn Hạnh (TP HCM), nói ngắn gọn rằng sở, bộ sinh ra trường thì phải có trách nhiệm với trường.
Nhiều trường sẽ phải giải thể
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, với những quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng bậc CĐ của Bộ GD&ĐT cùng quy định ngưng tuyển sinh, tuyển dụng nhóm ngành sức khỏe bậc trung cấp, các trường trung cấp sắp tới đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Không loại trừ có hàng loạt trường phải giải thể vì không tuyển sinh được hoặc đồng loạt nâng cấp lên CĐ.
Theo Huy Lân/Người Lao Động