Hà Tĩnh có 7.850 ha mặt nước sử dụng nuôi trồng thủy sản, trong đó có 2.770 ha nuôi mặn lợ với đối tượng chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua và một số giống cá mới như chẽm, mú, hồng mỹ… Những năm gần đây, nuôi thủy sản lồng bè nước mặn lợ tăng nhanh cả về diện tích và số lượng, bởi hình thức nuôi này thuận tiện trong việc theo dõi, quản lý, chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao và tận dụng được mặt nước tự nhiên.
Tuy vậy, đối tượng nuôi tương đối hạn chế. Năm 2012, có khoảng 200 hộ tham gia với gần 300 lồng nuôi; thể tích lồng bè 36.259 m3, tăng 12 lần so với năm 2011; sản lượng đạt 100 tấn (mỗi lồng có thể tích 60 m3, lợi nhuận đạt 30-50 triệu đồng/vụ)…
Tháng 10/2013, Sở KH&CN triển khai dự án nuôi thử nghiệm cá chim vây vàng trên địa bàn xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) nhằm đưa loài cá mới, có giá trị kinh tế cao vào nuôi, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cá chim vây vàng sống ở biển có tốc độ tăng trưởng nhanh; khả năng chống chịu với môi trường tốt, có thể nuôi với nhiều hình thức như: lồng bè, ao đầm. Cá chim vây vàng có chất lượng thịt thơm ngon, giá thành tương đối cao, có thể xuất khẩu. Theo kết quả phân tích của Phòng Công nghệ sau thu hoạch – Viện Nghiên cứu hải sản, trong 100g thịt cá chim vây vàng, thành phần dinh dưỡng có Protein 43%, Lipid 10%, đặc biệt, trong thịt cá rất giàu hàm lượng Omega3, giúp phát triển trí não con người.
Sau 7 tháng nuôi, cá chim vây vàng cho trọng lượng trung bình khoảng 5 lạng, giá bán từ 180-200 nghìn đồng/1kg |
Anh Lưu Quang Vũ (Thạch Hạ) tham gia dự án nuôi cá chim vây vàng từ tháng 4/2014 với 4 lồng cá, khoảng 3.000 con. Thực hiện đúng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, đến nay, có những con đạt trọng lượng 7-8 lạng, trung bình 5 lạng/con. Anh Vũ cho biết, so với một số loại cá nước lợ khác như hồng mỹ, chẽm, mú… thì cá chim vây vàng cho lợi nhuận cao hơn hẳn. Trong khi nhiều loại cá khác phải đạt trọng lượng 1 kg mới cho thịt ngon và bán được giá, thì cá chim vây vàng chỉ cần nặng trên 3 lạng là có thể bán tỉa, chất lượng thịt vẫn đảm bảo. Hiện nay, giá bán tại lồng khoảng 180-200 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, việc chăm sóc cá chim vây vàng cũng công phu, vất vả hơn. Cá mới thả phải nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, khi lớn lên có thể trộn thức ăn công nghiệp với cá tươi hoặc cho ăn hoàn toàn bằng cá tươi và phải thái nhỏ. Cá chim vây vàng tạp ăn, ít bệnh nhưng dễ sốc nước ngọt. Anh Vũ cũng chia sẻ, trận lũ mới đây dù không lớn nhưng cá chết tương đối nhiều. Nếu cẩn thận, trước các đợt lũ nên chuyển cá vào các hồ trong đê để tránh lũ. Nên thả cá vào khoảng tháng 2 dương lịch để thu hoạch cá trước mùa mưa lũ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Trao đổi với chúng tôi, chị Uông Thị Kim Dung, chuyên viên Phòng Quản lý khoa học – Sở KH&CN cho biết, thành công lớn nhất của việc đưa cá chim vây vàng vào nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh là làm đa dạng đối tượng nuôi và cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Hơn nữa, còn mở ra hướng đi mới cho những vùng nuôi thủy sản kém hiệu quả; đồng thời, thúc đẩy các ngành nghề có liên quan phát triển, tạo nguồn thực phẩm tươi sống, hàm lượng dinh dưỡng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Sau khi dự án thành công, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo khoa học nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn thành phố. Kết hợp với hệ thống khuyến nông, khuyến ngư, các cấp tổ chức tuyên truyền nhằm phổ biến kiến thức, nhân rộng mô hình nuôi cá chim vây vàng”, chị Dung cho biết thêm.
Theo đánh giá bước đầu của Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh – cơ quan chủ trì thực hiện dự án thì cá chim vây vàng thích nghi tốt với điều kiện môi trường của Hà Tĩnh. Cá có tỷ lệ sống cao, trung bình trên 90%, tốc độ tăng trưởng vượt trội. Việc nuôi thử nghiệm thành công cá chim vây vàng sẽ mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi cá tỉnh nhà.
Dương Chiến