Kinh tế

Trái cây ngon bán đi đâu?

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 2 tỉ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu trái cây chiếm trên 75%. Nhưng ở thị trường trong nước, ngay chính vụ thu hoạch, người tiêu dùng thường xuyên mua phải trái kém chất lượng, thậm chí phải bỏ đi.

Chị Nguyễn Thị Mai (ngụ Bình Thạnh, TP HCM) bức xúc kể vừa mua 4 kg bơ giá 100.000 đồng ở một xe đẩy trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) nhưng không ăn được trái nào vì bơ chín bị úng, thâm đen. Có hôm chị mua ở cửa hàng, giá đến 75.000 đồng/kg nhưng vẫn bị hư đến 1/3.

Bơ giá rẻ bán đầy đường nhưng chất lượng "hên xui"

Đem câu chuyện trái bơ hư tới cuộc họp giới thiệu sự kiện "Đắk Nông - Mùa bơ chín năm 2018" hỏi ông Lê Văn Một, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Đắk Nông (một trong những tỉnh trồng bơ lớn nhất cả nước), thì được biết phần lớn bơ hư, kém chất lượng do hái sớm, bơ chưa đạt độ chín già cần thiết. "Tỉnh Đắk Nông đang hỗ trợ 66 hộ (quy mô mỗi hộ tối thiểu 2 ha, tổng diện tích 700 ha) sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng nhận diện" - ông Một thông tin.

Ông Vũ Tuấn Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sam Nông nghiệp công nghệ cao - doanh nghiệp đang thực hiện dự án phát triển cây bơ tại Đắk Nông để xuất khẩu, giải thích cây bơ đã du nhập Việt Nam khoảng 100 năm, nhiều giống bị thoái hóa, chất lượng kém. Một vài giống bơ có chất lượng cao như bơ Cuba, bơ 034, bơ Booth, bơ Hass… đang cung không đủ cầu. Ngay tại vườn, hàng đạt chuẩn đã có giá 90.000-150.000 đồng/kg; bơ thương lái thu mua bán ở chợ phần lớn là hàng dạt nên chất lượng thấp, giá rẻ.

Ông Nguyễn Bá Tùng, chủ vựa trái cây lớn ở Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), cũng cho rằng người tiêu dùng trong nước đang phải ăn hàng dở, hàng dạt. "Hàng xuất khẩu đi Mỹ, Hàn Quốc… phải trồng theo quy trình, còn hàng trong nước cỡ nào cũng bán được nhưng vận động nông dân sản xuất theo quy trình ngon - sạch không dễ nên nguồn cung hạn chế" - ông Tùng nói. Theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn, không riêng trái cây mà các loại nông sản Việt Nam đều có chất lượng không ổn định do diện tích canh tác trên từng hộ nông dân rất nhỏ và sản xuất riêng lẻ. Chỉ một số trang trại lớn hay HTX mới có diện tích lớn để hình thành vùng chuyên canh để sản xuất trái cây chất lượng cao. Bên cạnh đó, công nghệ sau thu hoạch còn hạn chế cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng trái cây trong nước.

Thời gian qua, một số HTX, chủ trang trại bắt đầu phát triển thương hiệu trái cây Việt và định giá khá cao so với mặt bằng chung, thường gấp 2-3 lần. Các dòng hàng này chủ yếu có mặt ở các cửa hàng trái cây cao cấp, nhà hàng, khách sạn. Nhiều đơn vị đang tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, cạnh tranh mạnh hơn; trong tương lai, giá trái cây sẽ giảm nhưng người tiêu dùng không nên trông chờ giảm giá nhiều bởi "tiền nào của nấy".

Tác giả: Ngọc Ánh

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: trái cây , giá cả

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP