Straits Times ngày 8/3 cho biết, ông Thôi Thiên Khải nhấn mạnh rằng các bên cần tránh những phán xét sai lầm, nhắc lại những bài học kinh nghiệm đắt giá của Mỹ qua các cuộc chiến như Chiến tranh Triều Tiên.
Đại sứ Trung Quốc nói, một quan điểm đang tồn tại ở Mỹ là Trung Quốc muốn thách thức việc Mỹ thể hiện bá quyền ở Biển Đông, qua các hành động như xây dựng và bồi lắp các đảo nhân tạo, xây cơ sở quân sự như đường băng, và triển khai vũ khí bao gồm máy bay, tên lửa… “Đây là một điển hình của sự phán xét sai lầm chiến lược. Tôi kêu gọi Washington không lặp lại những sai lầm trong quá khứ”, ông Thôi Thiên Khải nói.
Để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, Hải quân Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra trên biển và trên không để khẳng định quyền tự do đi lại. Mới đây nhất, tàu sân bay USS John C. Stennis và các tàu chiến của Mỹ đã hoạt động ở phía đông Biển Đông từ ngày 1/3.
Sĩ quan chỉ huy trên tàu Stennis Greg Huffman ngày 5/3 cho biết, ông thấy tàu Trung Quốc đã xuất hiện nhiều hơn trong khu vực. “Tôi chưa từng thấy tàu (Trung Quốc) hoạt động xung quanh nhiều như vậy”, Huffman nói. Ông từng hoạt động ở Biển Đông hồi năm 2007.
Sự xuất hiện của các tàu Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây lo ngại ở Biển Đông, bao gồm việc triển khai tên lửa đất đối không trái phép đến quần đảo Hoàng Sa, và lắp đặt các trạm radar ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong những tuyên bố phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong diễn biến khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đêm 7/3 đã lên tiếng trước thông tin rằng Nhật Bản sẽ điều một tàu ngầm đến Philippines lần đầu tiên sau 15 năm, và 2 tàu chiến Nhật Bản sẽ cập cảng Cam Ranh vào tháng 4.
“Trung Quốc đang trong tình trạng cảnh báo cao về các động thái quân sự của Nhật Bản trong khu vực”, ông Hồng Lỗi nói.