Đó là nhờ sự vào cuộc xử lý quyết liệt người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định của lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) trong mấy tháng trở lại đây.
Quán nhậu “vắng như chùa Bà Đanh”
Chiều tối 19.9, vào thời điểm hàng ngày các quán nhậu thường đông khách nhất, PV đến một số “cung đường ăn uống” nổi tiếng tại thành phố Hà Tĩnh như đường Nguyễn Du, Lê Duẩn, 26/3… Tuy nhiên, một điều lạ so với trước đây là lượng thực khách rất ít, mỗi quán trung bình được khoảng một hai bàn, thậm chí có quán vắng tanh.
Nhà hàng Top One (số 90, đường Lê Duẩn, TP Hà Tĩnh) vắng bóng thực khách |
Bà chủ của Quán nhậu 21 Nguyễn Du cho biết: “từ khi lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đo và xử phạt nồng độ cồn, lượng khách giảm hẳn.Nhiều khi khách đang uống cũng ngó xem CSGT có đang làm việc ở đầu đường hay không, nếu có thì sẽ đi đường vòng để về”.
Theo bà chủ quán này, khách chỉ cần nghe nói 3 ngày trước hoặc thậm chí nửa tháng trước có CSGT đo nồng độ cồn gần đó là họ cũng dè. Trước đây quán chị trung bình được 6 bàn mỗi ngày thì nay có khi chỉ được 1 bàn, thậm chí có ngày không được bàn nào.
Đường Lê Duẩn là một địa chỉ ẩm thực mới nổi ở TP Hà Tĩnh trong mấy năm trở lại đây. Con đường này được nhiều người gọi là “phố ẩm thực” của thành phố với rất nhiều nhà hàng, quán nhậu với đủ các thể loại và phong cách ăn uống. Trước đây, vỉa hè được tận dụng đặt bàn ghế thì nay đã bị cấm. Cũng trước đây, cứ chiều đến tối, hai bên vỉa hè xe máy, ô tô đậu chật kín nhưng bây giờ khung cảnh hoàn toàn ngược lại.
8h tối, dọc các quán liền nhau như Nhà hàng Top One, Đèn Lồng Đỏ, Đồng Nhân… chủ quán và nhân viên hầu hết ngồi chơi xơi nước, khách chỉ lác đác. Thậm chí nhiều quán không một bóng khách.
Chủ quán nhà hàng Top One cho biết, vào giờ này khách vốn rất đông, bây giờ lượng khách giảm mạnh đến hơn 60%. Mỗi ngày từ 20-25 bàn, thậm chí có ngày lên tới 30 bàn thì nay có khi được tầm 2-3 bàn.
Vắng bóng khách, nhân viên nhà hàng tụ tập nhau ngồi chơi |
“Tiền chi phí mặt bằng, điện nước, thuế… hàng tháng cao, bây giờ khách ít nên quán có nguy cơ đóng cửa”, bà chủ quán cho biết. Khi được hỏi về lợi ích khi CSGT xử phạt người vi phạm nồng độ cồn, theo bà, khách uống nhưng vẫn làm chủ được phương tiện thì không nên phạt. Tuy nhiên, bà cũng không phủ nhận việc đo nồng độ cồn như vậy có những mặt được đối với tình hình sử dụng rượu bia hiện nay.
“Hiện nay khách uống rượu bia thì chủ quán phải lo taxi, xe máy để chở họ về”, bà cho biết.
Kiên quyết xử lý tất cả các trường hợp vi phạm
Cũng vào tối ngày 18.9, PV Tầm Nhìn theo chân một tổ đo nồng độ cồn của công an thành phố Hà Tĩnh tại chốt đường Nguyễn Công Trứ (gần Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh, TP Hà Tĩnh) .
Đại úy Nguyễn Quốc Việt, tổ trưởngtổ đo nồng độ cồn tại đây cho biết: bình thường sẽ có ba tổ đo nồng độ cồn ở ba chốt khác nhau, mỗi tổ từ 10-12 đồng chí, bao gồm cả CSGT và cảnh sát trật tự.
“Ban ngày sẽ có 4 tổ CSGT tuần tra ở trên đường, phát hiện trường hợp nào sẽ đo và xử lý ngay. Còn buổi tối lực lượng CSGT kết hợp lực lượng khác thường bắt đầu đo từ lúc 8h tối đến khoảng 11h đêm”, đại úy Việt cho biết.
Cảnh sát giao thông thành phố Hà Tĩnh đo nồng độ cồn |
Qua trực tiếp quan sát lực lượng CSGTthực hiện nhiệm vụ, có thể thấy tất cả các trường hợp có nồng độ cồn vượt quá quy định, bị lập biên bản xử phạt và tạm giữ phương tiện đều dùng điện thoại gọi điện khắp nơi cho người thân để “xin được bỏ qua”. Tuy nhiên lực lượng CSGT làm việc rất quyết liệt, không nhân nhượng cho bất cứ người vi phạm nào.
Cũng có trường hợp người điều khiển phương tiện là nam có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá quy định sẽ được CSGT nhẹ nhàng nhắc nhở và đề nghị chuyển việc cầm lái cho bạn đi cùng.
Theo các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đây, sau một thời giam thực hiện quyết liệt theo quy định thì hiện nay số lượng người vi phạm vượt quá nồng độ cồn giảm mạnh. Trong tối hôm nay, 5 trường hợp đã bị xử phạt với tổng số tiền 9,5 triệu đồng, tạm giữ 3 xe máy.
Được biết, riêng trong tháng 8/2016, công an thành phố Hà Tĩnh đã xử phạt 168 trường hợp với tổng số tiền 420 triệu đồng. Trong đó ô tô là 55 trường hợp, xe máy là 111 trường hợp.
Nhiều người dân đứng xem lực lượng CSGT làm việcvui và tỏ ra rất đồng tình với việc xử phạt thật nặng người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia. Theo người dân, đặc biệt là các bà nội trợ, có như vậy mới giảm được tai nạn giao thông, chồng đi làm về ít la cà mà về đúng giờ hơn, từ đó hạnh phúc gia đình cũng được đảm bảo.
Tất cả các trường hợp khi vi phạm đều gọi điện cho người thân “xin bỏ qua”, nhưng lực lượng công an thành phố Hà Tĩnh kiên quyết xử lý đến cùng. |
Tai nạn giao thông, phạm pháp hình sự giảm hẳn
Trao đổi với PV, Đại úy Nguyễn Quốc Hùng, quyền Trưởng công an Thành phố Hà Tĩnh cho biết: tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia ngày diễn biến phức tạp và để lại hậu quả rất lớn cho gia đình và xã hội.Có đến 70-80% các vụ tai nạn giao thông, phạm pháp hình sự có liên quan đến sử dụng rượu bia.
Trước khi Nghị định 46/2016/ND-CP của chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.8.2016 về việc xử phạt vi phạm giao thông được ban hành, chế tài xử lý nồng độ cồn đối với người sử dụng rượu bia cũng đã có từ lâu, và công an thành phố cũng đã tiến hành thực hiện. Tuy nhiên, lúc đó quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Trước đây, việc nhiều người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia có những hành vi như chống đối gây khó khăn cho quá trình xử lý nên anh em cũng ngại xử lý. Hai là phương tiện đo nồng độ cồn cơ chế hoạt động khó vận hành, và đặc biệt là trong quá trình xử lý có không ít sự can thiệp từ bên ngoài khiến quá trình xử lý gặp khó khăn.
Xuất phát từ thực trạng sử dụng rượu bia, đồng thời khắc phục những khó khăn trên, công an thành phố Hà Tĩnh đã có chủ trương xử lý người vi phạm nồng độ cồn vượt quá quy địnhvới tinh thần chỉ đạoquyết liệt, kiên quyết đến cùng.
“Chính vì vậy, cho đến nay tỉ lệ phạm pháp hình sự, tình trạng đánh nhau cũng như tỉ lệ tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đã giảm hẳn”, đại úy Hùng cho biết.
Đại úy Nguyễn Quốc Hùng, quyền trưởng Công an Thành phố Hà Tĩnh: “Không có vùng cấm trong việc xử lí người vi phạm” |
Ông Hùng chia sẻ, việc công an thành phố kiên quyết xử lý người vi phạm sẽ góp phần lớn chuyển biến và nâng cao ý thức của người dân về việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
Ông Hùng ví dụ, trước đây đi làm về, nhiều người còn tụ tập uống rượu bia đến 9, 10h khuya mới về thì nay lo về nhà sớm ăn cơm cùng gia đình. Nhiều người hiện nay cũng có cớ để từ chối uống rượu bia khi bị ép… Nếu có uống, họ cũng kêu người thân chở hoặc đi taxi về… từ đó, hạnh phúc gia đình được vun đắp, sự an toàn của người dân được đảm bảo.
“Chúng tôi làm vì sự an toàn, hạnh phúc của người dân, vì tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố”, ông Hùng khẳng định.
Khi được hỏi, nhiều ý kiến cho rằng sự vào cuộc xử lý quyết liệt của công an thành phố có mâu thuẫn với chủ trương khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng một số loại bia do tỉnh nhà sản xuất trước đây hay không? ông Hùng cho rằng không hề có mâu thuẫn gì cả. “Việc người dân sử dụng rượu bia không ai có quyền ngăn cấm, nhưng khi đã tham gia điều khiển phương tiện giao thông thì mọi người phải đảm bảo quy định của pháp luật”, ông Hùng cho biết.
Cũng có nhiều người dân thắc mắc, nhiều trường hợp chỉ mới uống hai, ba ly bia chưa dẫn đến say cũng đã bị xử lý là quá nặng. Ông Hùng cho biết, khoa học chỉ ra rằng, vì cơ địa của mỗi người là khác nhau, do đó việc uống rượu bia tác động lên hệ thần kinh mỗi người là khác nhau. Khi uống vào vẫn điều khiển phương tiện giao thông sẽ rất nguy hiểm nên cấm là hoàn toàn phù hợp. Điều này, trong quá trình thực hiện lực lượng CSGT cũng giải thích để người dân hiểu.
“Không có quy định CSGT đứng chỗ nào khi thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên CSGT sẽ lựa chọn vị trí thích hợp, không nhất thiết đứng trước các quán, nhà hàng hay địa điểm diễn ra các sự kiện”, ông Hùng chia sẻ.
Đại úy Nguyễn Quốc Việt cho biết thêm, chủ trương xử lý kiên quyết tình trạng này nhận được sự ủng hộ, đồng tình nhất trí từ các ban ngành và quần chúng nhân dân. Đặc biệt, chỉ huy rất dứt khoát, kiên quyết trong xử lý, không có trường hợp nào có thể can thiệp được, cũng không nhân nhượng bất cứ trường hợp nào. Có không ít trường hợp cố tình kéo dài thời gian, cố thủ trong xe…khi đó CSGT phải vận động, thuyết phục, ghi hình, yêu cầu người điều khiển phương tiện hợp tác. Những trường hợp nào chống đối thì phải vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết, cứng rắn.
“Có nhiều trường hợp chính người nhà chỉ huy vi phạm và gọi điện “xin” nhưng chỉ huy tuyệt đối không bỏ qua mà vẫn xử lý đúng quy định. Chúng tôi kiên quyết xử lý tất cả các trường hợp vi phạm”, ông Việt khẳng định.
Nhiều người dân mong rằng, không chỉ thành phố Hà Tĩnh mà các huyện khác cũng cần triển khai xử lý kiên quyếtngười vi phạm về nồng độ cồn như vậy. Việc xử lý đã và ngày càng góp phần nâng caovăn hóa sử dụng rượu bia cho người dân,đảm bảo an toàn giao thông và tình hình trật tự xã hội trong toàn tỉnh.
Mai Nguyễn – Hà Vy