Chăm sóc sức khỏe

TP Hà Tĩnh: Hàng nghìn hộ dân“khát” nước sạch

Từ nhiều năm nay, nước sạch vẫn là niềm ước ao đối với hàng nghìn hộ dân ở TP Hà Tĩnh. Không chỉ thiếu nước sạch vào mùa hè, mùa khô, ngay cả ở mùa mưa, nhiều hộ dân vùng ven đô cũng phải nai lưng đi tìm nước sạch.

Hàng nghìn hộ dân“khát” nước sạch
Hàng nghìn gia đình ở TP Hà Tĩnh đang dùng nước giếng khoan, giếng đào không đảm bảo tiêu chuẩn.

Đã 10 năm trôi qua, sau ngày xã Thạch Hưng được sáp nhập vào thị xã (TP Hà Tĩnh), gần 1.000 hộ dân ở đây vẫn chưa có nước máy để dùng. Nước từ các giếng đào, bể trữ nước mưa là nguồn cung chính cho sinh hoạt của bà con nơi đây.

Xách trên tay xô nước đỏ ngầu từ bể lọc ra giặt giũ, chị Trần Thị Hường (xóm Trung Hưng) cho biết, nhà có 7 khẩu nhưng bình trữ nước mưa chỉ được 1,5 m3, tất cả sinh hoạt đều phụ thuộc vào nước giếng khoan. Dù đã xây bể lọc nhưng do nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên phải mua nước ở nơi khác về để nấu ăn.

“Phải mua nước với giá cao, lại phụ thuộc vào người bán, nhưng trong hoàn cảnh này không thể khác hơn, thành phố xây dựng hệ thống đường ống cấp nước cho dân sớm ngày nào dân sướng ngày đó chú ạ” – chị Hường ao ước.

Cùng chung tình cảnh “khát” nước sạch như các hộ dân nơi đây, nhưng xem ra tác động của vấn đề thiếu nước đối với các đơn vị y tế, giáo dục ở địa phương còn lớn gấp bội. Theo y tá Trần Thị Huyền (Trạm Y tế Thạch Hưng), do không có nước sạch nên việc đảm bảo vô khuẩn trong khám, chữa bệnh cho bà con rất khó. Những lúc bệnh nhân đông hoặc có dịch bệnh xuất hiện, công tác khử trùng, ngăn chặn mầm bệnh vô cùng khó khăn.

Được biết, do thiếu nước sạch nên không ít người dân Thạch Hưng bị bệnh ngoài da và rối loạn tiêu hóa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 16 xã, phường của thành phố, số hộ đang sử dụng nguồn nước từ giếng đào, khoan, lu bể nước mưa còn khá lớn. Ngoài các phường nội đô cơ bản đã có nước sạch, hiện còn 10.618 cư dân thành phố (37,85%) chưa được sử dụng nước sạch hợp tiêu chuẩn.

Không ít người dân ở Thạch Hưng băn khoăn, khoảng cách từ trung tâm thành phố về đây không đáng là bao, trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của bà con rất lớn nhưng đến bây giờ hệ thống đường ống cấp nước vẫn chưa về đến đây. Với nhu cầu bức thiết, khẩn trương như thế mà thành phố vẫn chưa đáp ứng được, nói gì đến việc hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II.

Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố, hiện nhu cầu sử dụng nước tại các khu dân cư xen dắm ở vùng nội đô rất lớn, song việc tiếp cận không dễ chút nào. Nếu không nằm trong vùng hưởng lợi của dự án thì người dân phải bỏ ra một khoản tương đối lớn để xây dựng đường ống dẫn. Như vậy, khách hàng vừa phải bỏ tiền để mua nước, vừa phải bỏ tiền để mua thiết bị cho đơn vị kinh doanh nước.

Trao đổi với chúng tôi về năng lực cung ứng nước sạch của Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh, ông Võ Ngọc Vinh – Giám đốc công ty khẳng định, nguồn nước hiện nay đủ cung cấp cho nhu cầu sử dụng của cả thành phố. Sau khi dự án cấp nước TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận giai đoạn 2 hoàn thành, đơn vị đã xây dựng 34 km đường ống cấp 1, nâng công suất từ 16.000m3/ngày, đêm lên 24.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện nay, mạng lưới đường ống cấp 2 trên địa bàn thành phố chưa được hoàn thiện nên một số địa phương vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước sạch.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hà cho biết, trước thực trạng thiếu nước ở một số địa phương, cuối năm 2013, thành phố đã thẩm định phê duyệt xây dựng 48 km đường ống cấp 2 tại Thạch Hưng và Thạch Đồng với tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng, dự kiến, trong năm 2014, thành phố sẽ tiếp tục thẩm định phê duyệt xây dựng hệ thống đường ống cấp 2 ở xã Thạch Môn. Ngoài ra, để khuyến khích, tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng hệ thống tuyến ống cấp nước, thành phố đã ban hành cơ chế hỗ trợ 70% giá trị công trình đối với phường, 50% giá trị công trình đối với xã.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trở ngại lớn nhất đối với việc đầu tư, xây dựng mạng lưới đường ống cấp nước về các khu dân cư đó chính là thiếu nguồn lực. Theo rà soát, bình quân mỗi địa phương phải xây dựng được 25-30 km đường ống nước cấp 2 mới cung ứng đủ nước sạch cho người dân, tuy nhiên, vì chưa đủ nguồn lực nên các xã lại phụ thuộc vào kế hoạch xây dựng của thành phố để được hưởng mức hỗ trợ. Trong khi đó, cũng do thiếu nguồn lực nên mỗi năm, thành phố chỉ phấn đấu xây dựng 20-30 km đường ống nước cấp 2.

Xem ra, nếu không linh hoạt trong việc huy động nguồn lực thì mục tiêu đến năm 2015, 100% cư dân thành phố được sử dụng nước sạch đạt chuẩn rất khó hoàn thành.

Ngô Tuấn / Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG