Tin trong nước

Toàn cảnh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama

3 ngày trong chuyến công du Việt Nam với khoảng 40 tiếng ở Hà Nội và gần trọn 24 tiếng ở TPHCM, Tổng thống Mỹ Barack Obama kịp làm nhiều việc để thuyết phục về cam kết thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ, cũng kịp cảm nhận nhiều điều sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam…

Lịch trình thăm Việt Nam của Tổng thống Obama chính thức bắt đầu vào 21h30 đêm Chủ nhật, 22/5, khi chuyên cơ của ông đáp xuống Nội Bài. Cái vẫy tay chào đầu tiên từ cửa máy bay của ông và bó hoa chào mừng từ một thiếu nữ Việt để lại nhiều thiện cảm.

Suốt những hành trình di chuyển sau đó, từ sân bay về khách sạn, từ nơi lưu trú tới các điểm làm việc, du ngoạn, từ Hà Nội tới Sài Gòn, bất kể ban ngày hay đêm khuya… Tổng thống Mỹ đều nhận được sự chào đón nồng nhiệt, hứng khởi của người dân Việt Nam. Và đáp lại, người đứng đầu nước Mỹ, giữa vòng an ninh nghiêm ngặt, đã thể hiện sự thân thiện, cởi mở, hòa đồng với con người, với văn hóa nước bản địa.

Tổng thống Mỹ đi tới đâu cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân Việt Nam (ảnh: Quý Đoàn).
Tổng thống Mỹ đi tới đâu cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân Việt Nam (ảnh: Quý Đoàn).

Trong ngày đầu tiên của chuyến công du Việt Nam (23/5), Tổng thống Obama đã tiếp kiến, hội đàm với cả 4 lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phủ Chủ tịch, Tổng thống Obama thống nhất công bố quyết định quan trọng của Mỹ về việc xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam – bước đi xóa bỏ rào cản cuối cùng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước từng là cựu thù trong suốt 20 năm Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tuyên bố chung Việt – Mỹ được ký kết sau cuộc hội đàm cấp nhà nước này sau đó thể hiện rất nhiều nội dung cam kết về tăng cường hợp tác giữa 2 nước trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế – thương mại, văn hóa – giáo dục, an ninh quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, đối phó biến đổi khí hậu; nhiều văn kiện, dự án quan trọng, quy mô lớn được ký kết.

Cuộc gặp của nguyên thủ 2 nước Việt - Mỹ tại Phủ Chủ tịch mang lại nhiều kết quả quan trọng, trong đó có tuyên bố về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí (ảnh: Quý Đoàn).
Cuộc gặp của nguyên thủ 2 nước Việt – Mỹ tại Phủ Chủ tịch mang lại nhiều kết quả quan trọng, trong đó có tuyên bố về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí (ảnh: Quý Đoàn).
 Cuộc họp báo quốc tế của Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội trưa ngày 23/5 (ảnh: Nam Hằng).

Cuộc họp báo quốc tế của Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội trưa ngày 23/5 (ảnh: Nam Hằng).

Trong cuộc hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Obama trao đổi về việc thúc đẩy công nhận cơ chế kinh tế thị trường đầy đủ ở Việt Nam, thúc đẩy việc phê chuẩn, thực thi Hiệp định TPP, thống nhất quan điểm về việc xử lý tranh chấp trên Biển Đông, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử chung giữa ASEAN và Trung Quốc… Ông Obama cũng đến chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam mà ông vừa tiếp đón tại Nhà Trắng trong chuyến thăm lịch sử gần 1 năm trước.

 Tổng thống Obama ấn tượng về cuộc đi bộ thăm nhà sàn, ao cá Bác Hồ cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh: Quý Đoàn).

Tổng thống Obama ấn tượng về cuộc đi bộ thăm nhà sàn, ao cá Bác Hồ cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh: Quý Đoàn).

Tổng thống Mỹ có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng dạo bước thong thả trong khu Phủ Chủ tịch, cùng cho cá ăn tại ao cá Bác Hồ. Trong cuộc tiếp xúc ngắn, trong không gian đặc biệt đó, ông Obama có những giây phút thảnh thơi để cảm nhận sự yên bình của Hà Nội, đặt chân tới nơi tôn kính của người Việt.

Lời phát biểu ngắn của Tổng thống Obama tại tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang thể hiện sự am hiểu, trân trọng văn hóa, tinh thần người Việt.
Lời phát biểu ngắn của Tổng thống Obama tại tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang thể hiện sự am hiểu, trân trọng văn hóa, tinh thần người Việt.

Dự một tiệc chiêu đãi cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Obama có phát biểu ngắn gọn nhưng thể hiện được sự chân thành, am hiểu văn hóa Việt khi so sánh phẩm chất của dân tộc Việt Nam với hoa sen – loài hoa mọc từ bùn, đầy gian khó, là biểu tượng của vẻ đẹp, của hy vọng, của sức mạnh và sự can trường.

 Bài phát biểu về tiến trình phát triển trong quan hệ Việt - Mỹ của ông Obama được viện dẫn bằng cả thơ thần của Lý Thường Kiệt, Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn (ảnh: Quý Đoàn).

Bài phát biểu về tiến trình phát triển trong quan hệ Việt – Mỹ của ông Obama được viện dẫn bằng cả thơ thần của Lý Thường Kiệt, Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn (ảnh: Quý Đoàn).

“Điểm cộng” cho những phát ngôn của Tổng thống Mỹ được thể hiện trong bài phát biểu về quan hệ Việt – Mỹ trước cộng đồng trí thức, doanh nhân trẻ Việt Nam trong ngày làm việc thứ 2 tại Hà Nội (trưa 24/5). Ông Obama đề cập đến quá khứ buồn, đến sự khác biệt giữa 2 dân tộc Việt- Mỹ với cam kết hợp tác chân thành trên nguyên lý tôn trọng tuyệt đối độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định dành ưu tiên trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ để phát triển quan hệ Việt – Mỹ.

Bài phát biểu viện dẫn cả bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn thể hiện sự hiểu biết, trân trọng với nền văn hóa, tinh thần, bản sắc Việt Nam.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Mỹ khẳng định về chủ quyền, sự độc lập không thể chi phối, áp đặt của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử; vấn đề Biển Đông và nguyên lý tôn trọng tuyệt đối, nước lớn không thể “ăn hiếp” nước nhỏ.

 Diễn thuyết trước các thủ lĩnh trẻ của Việt Nam, Tổng thống Mỹ nhắc đến những Sơn Tùng, Trần Lập với khát vọng đường tới ngày vinh quang. (Ảnh: Công Quang)

Diễn thuyết trước các “thủ lĩnh” trẻ của Việt Nam, Tổng thống Mỹ nhắc đến những Sơn Tùng, Trần Lập với khát vọng “đường tới ngày vinh quang”. (Ảnh: Công Quang)

Tương tự, đối thoại với doanh nhân trẻ, cộng đồng start-up Việt Nam chiều ngày 24/5 cũng như phát biểu trước 800 thành viên cộng đồng Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) sáng ngày 25/5 tại TPHCM, Tổng thống Mỹ khéo léo dùng hình tượng những người có ảnh hưởng tới giới trẻ Việt Nam như ca sĩ Sơn Tùng, nhạc sỹ Trần Lậpđể khích lệ niềm đam mê, tinh thần khởi nghiệp, khát khao “đường tới ngày vinh quang” của thanh niên Việt Nam. Ông chia sẻ, di sản lớn nhất của ông sau 20 năm hoạt động trên chính trường chính là chương trình thủ lĩnh trẻ mà ông khởi xướng, kết nối cũng như cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực cho hoạt động này sau khi dời nhiệm sở.

Ông Obama gây thiện cảm về sự gần gũi, cởi mở, hòa đồng với người dân. Ông đi ăn bún chả bình dân, vui vẻ chụp ảnh, bắt tay người hâm mộ (ảnh: Hữu Nghị).
Ông Obama gây thiện cảm về sự gần gũi, cởi mở, hòa đồng với người dân. Ông đi ăn bún chả bình dân, vui vẻ chụp ảnh, bắt tay người hâm mộ (ảnh: Hữu Nghị).

Trong 3 ngày ở Việt Nam ông Obama đã để lại trong nhiều người dân hình ảnh một vị lãnh đạo thân thiện, cởi mở, gần gũi. Ngồi trong “siêu xe” Cadillac One, ông vẫy chào cánh phóng viên vừa hoàn thành nhiệm vụ sau một sự kiện. Ông hồ hởi cùng chụp ảnh, bắt tay, cười nói với hàng nghìn người vây quanh quán bún chả bình dân trên phố – nơi ông chọn tới dùng bữa tối ngày 23/5. Ông dừng xe, trú mưa tại một quán trà đá bên đường, hỏi han đời sống người dân ở khu Mễ Trì Hạ trên đường dời Hà Nội. Ông tếu táo đáp lại câu hỏi hóm hỉnh của một doanh nhân trẻ về việc không tiếp tục ứng cử Tổng thống Mỹ lần thứ 3.

Nhiều người Việt đã nhận xét Tổng thống Mỹ Obama thật giản dị, gần gũi, đúng như kỳ vọng. Còn Tổng thống Mỹ cũng chia sẻ, sự thân thiện, tình cảm của người dân Việt Nam đã chạm tới trái tim ông, ông cảm nhận rất rõ điều đó. Những quan chức nhà nước tháp tùng ông cũng chia sẻ sự ấn tượng khi được người dân địa phương chào đón nồng nhiệt, với những đoàn người đông nhất mà họ từng thấy đứng kín hai bên đường phố để vẫy tay, chào đón, bày tỏ sự hứng khởi…

Tổng thống Obama có một chuyến công du thành công trong việc thuyết phục, truyền lửa về một tinh thần cởi mở, dân chủ, về một giá trị nhân văn, tự do… Những cam kết của ông, cũng là cam kết của lãnh đạo Mỹ, không chỉ dừng ở nhiệm kỳ này sẽ được chính những người Việt Nam kiểm chứng, giám sát.

P. Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP