“Đồn là nhà, biên giới là quê hương”
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào là anh em ruột thịt”, đây là phương châm của anh em chiến sỹ Đồn biên phòng 575.
Các anh không những làm tròn trách nhiệm bảo vệ biên giới mà còn “ba cùng” với những người dân tộc Chứt anh em khai sinh một bản Rào Tre – nơi địa đầu biên giới phía Tây.
Bên chén rượu gạo nồng ấm một chiều xuân, thiếu tá Dương Thanh Tịnh, phụ trách Biên phòng bản Rào Tre cho chúng tôi biết: Bản Rào Tre giờ đây đã khác nhiều so với hồi sơ khai, đồng bào dân tộc Chứt từ chỗ chỉ có 18 hộ, đến nay đã có 35 hộ với 135 nhân khẩu.
Một góc bản Rào Tre |
Những người dân tộc Chứt từ khi được chính quyền đưa về đây để an cư lập nghiệp cũng đã phần nào hòa nhập với cộng đồng người Kinh. Họ không còn thấy người lạ là trốn vào rừng sâu, cũng như có thói quen ăn hang ở hốc và ngủ trên cây nữa.
Giờ đây, người Chứt đã biết đi học, biết đọc cái chữ trên tivi, bị bệnh hay sinh đẻ đã biết đến trạm y tế. Đó phần lớn là nhờ công của những người chiến sỹ biên phòng nơi đây. Họ đã “ba cùng với người dân: cùng ăn, cùng ở và cùng sản xuất.
Nhớ lại những ngày đầu được phân công nhiệm vụ hướng dẫn người dân tăng gia sản xuất, nuôi trâu bò lợn gà, trồng lúa nước…thay vì vào rừng săn bắn hái lượm. Anh Dương Thanh Tịnh cười kể cho chúng tôi chuyện hài: Đó là khi trâu bò xông đến ăn lúa, bà con thay vì đuổi thì lại cử người chạy đến báo cáo các anh biên phòng.
Hay chuyện khi bà con mới thành lập bản, còn thiếu ăn, thiếu mặc, người dân cũng như chính quyền địa phương hỗ trợ gạo, mắm muối, lập tức họ đem đổi lấy rượu uống, quần áo thì đem trả lại vì…không biết mặc thế nào.
Đó là chuyện của hàng chục năm về trước, còn bây giờ nhờ các anh bộ đội biên phòng hướng dẫn cách ăn ở, sản xuất, bà con đã biết tự tăng gia, từ đủ ăn đã biết cách làm giàu.
Tuy đời sống vật chất đã khấm khá hơn nhưng tình trạng hôn nhân cùng huyết thống, con anh lấy con em, cháu lấy chú…vẫn là một trong những vấn đề mà Biên phòng Hà Tĩnh lo lắng và đang tìm mọi cách để giúp bà con dân tộc Chứt thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này.
Ấm tình quân dân
Thiếu tá Dương Thanh Tịnh tâm sự, bà con dân tộc Chứt thường không ý thức được việc làm của mình nên thường bị kẻ xấu lợi dụng, như khi cần đến lá chanh, họ đến xin các anh nhưng thay vì hái lá, họ lại bẻ cả…cành.
Thậm chí, lợi dụng vào thói quen của bà con thích uống rượu nên những đối tượng xấu còn vào tận bản gạ đổi rượu lấy trâu bò.
Chính vì vậy nên việc tuyên truyền cho bà con về nếp sống văn hóa là tương đối khó khăn. Họ vẫn còn những hủ tục “cưới vợ” bằng cách đặt một bó củi khô trước cửa nhà cô gái mà mình thích, nếu cha mẹ cô gái mà mang bó củi vào đun nấu tức là đã đồng ý, “chú rể” chỉ việc mang chăn màn đến ở rể.
Vì thế việc tảo hôn hay hôn nhân cận huyết chính quyền cũng như các anh rất khó phát hiện và thuyết phục.
Chuyện tăng gia sản xuất hay tuyên truyền các chủ trương khác, dân bản còn nghe theo, riêng chuyện hôn nhân cận huyết thì rất khó để đồng bào nghe.
Hay trong chuyện sinh đẻ, người phụ nữ phải tự vào rừng sâu vượt cạn một mình vì họ quan niệm đó là việc xấu, sẽ mang đến nhiều điềm gở cho mọi người trong gia đình. Đến chuyện ốm đau, bệnh tật cũng nhất quyết không đến trạm xá mà mời thầy cúng về nhà đuổi tà, trừ ma.
Thế mới có chuyện hài là thầy cúng Hồ Phúc giỏi nhất của bản khi bị bệnh không thể tự cúng trừ tà cho mình đến khi sắp chết được các anh vận động đưa đến trạm y tế chữa trị mới khỏi bệnh…sốt rét ác tính.
Còn chuyện học thì cả bản hiện có 44 cháu đang học từ mẫu giáo đến THCS. Tuy nhiên chỉ học hết cấp 2 là các cháu bỏ học, phần vì không có tiền, đói cái bụng, thấy việc học khó hơn làm nương rẫy lại chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học nên chúng tôi có đến nhà vận động thế nào cũng không được.
Trong bản hiện nay, cao nhất có 2 em đã học chương trình cao đẳng văn hóa nghệ thuật nhưng vì chưa học hết phổ thông nên chưa lấy được bằng.
Để vận động các em đến trường, chỉ huy trưởng Võ Trọng Hải đã bỏ tiền riêng để cho 2 em được đi học hoàn chỉnh chương trình phổ thông và lấy bằng văn hóa nghệ thuật.
Trên con đường khúc khuỷu, quanh co rời bản Rào Tre về Hà Nội, nhớ lại hình ảnh người dân bản Thoọng Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô-lykhămxay (Lào) được Biên phòng Hà Tĩnh giúp đỡ lũ lụt gùi lương thực tiếp tế cho bộ đội biên phòng Hà Tĩnh năm 2002 khi cơn đại hồng thủy làm cả huyện Hương Sơn bị cô lập giữa bốn bề là nước khiến tôi thấy nao lòng.
Tình quân – dân đã được ví như cá với nước gắn bó keo sơn không thể tách rời được thật đẹp đẽ biết bao. Những người lính biên phòng nơi đây đã làm ấm lên tình người nhờ những việc làm nghĩa tình như vậy.
Ngay từ đầu năm, Bộ chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh đã có kế hoạch phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh để cùng Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Bình và Tỉnh đoàn Quảng Bình trong năm 2014 này để tổ chức một đêm giao lưu. Ngoài ra, Bộ chỉ huy còn có chủ trương nếu chiến sỹ biên phòng nào lấy vợ ở bản Rào Tre thì sẽ đặt vấn đề với huyện, tỉnh Hà Tĩnh để cấp đất, Bộ chỉ huy cấp tiền làm nhà. Hiện tại đã có 2 chiến sỹ biên phòng lấy vợ ở bản Rào Tre và trong đêm giao lưu 2014 này sẽ mời lên nhận tiền để hỗ trợ cải thiện nâng cao cuộc sống. Đây là một trong những tấm gương nhằm tạo ra bước chuyển mới để bà con tránh lấy cùng huyết thống bởi nếu cứ để trình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh lâu dài của dân tộc Chứt. Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh. |
Huy Phong
Thời báo Tài chính xuân Giáp Ngọ