Liên hệ với thực trạng sản xuất và cung ứng nông sản trên địa bàn Hà Tĩnh, có thể thấy sản phẩm của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; khoảng cách cung – cầu ở thị trường KKT Vũng Áng vẫn còn xa…
Thiếu số lượng, nghèo nàn chủng loại
Sau 3 năm triển khai thực hiện các công trình, dự án, đến nay, tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (một trong 5 KKT trọng điểm quốc gia) đã có 26 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, 28 dự án đang triển khai xây dựng các hạng mục công trình. Tổng số lao động đang làm việc tính đến tháng 6/2013 là 12.465 người, trong đó có 1.100 lao động nước ngoài.
Để đáp ứng nhân lực làm việc tại KKT, ước tính đến năm 2015 sẽ cần hơn 63.000 công nhân, kỹ sư trong và ngoài nước. Số lượng này cùng với khoảng 40.000 người dân tại 6 xã trong KKT Vũng Áng hầu hết đã “ly nông” đang hình thành thị trường tiêu thụ rộng lớn cho các sản phẩm lương thực, thực phẩm trong toàn tỉnh.
Tuy nhiên, nguồn cung tại chỗ hiện nay đang hết sức khiêm tốn. Chợ thị trấn Kỳ Anh – đầu mối cung ứng lương thực, thực phẩm lớn nhất của huyện cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% số lượng cho KKT Vũng Áng. Theo các hộ kinh doanh lương thực, thực phẩm tại chợ thì các mặt hàng rau, củ, quả ở đây hầu hết nhập từ ngoại tỉnh, nhưng cũng chỉ đủ cung cấp cho các bà nội trợ phục vụ nhu cầu cuộc sống gia đình, chưa thể cung ứng cho các bếp ăn tập thể quy mô vài trăm người trở lên.
Để đáp ứng hơn 3.000 suất ăn cho người lao động trên công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, các nhà ăn của hơn 10 đơn vị nhà thầu phục vụ cho dự án này phải hết sức vất vả trong việc lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Anh Nguyễn Quang Thông – bếp trưởng của một đơn vị nhà thầu phục vụ dự án trên cho biết, để phục vụ 2 bữa ăn chính cho 1.000 lao động, mỗi ngày, nhà bếp tiêu thụ tối thiểu 300 kg thịt và 400 kg rau. Các loại thực phẩm này, hầu hết các nhà bếp ở đây đều nhập về từ Công ty TNHH Metro Cash & Carry (Chi nhánh ở Nghệ An).
Bên cạnh hạn chế về số lượng, theo các chủ bếp ăn tập thể phục vụ các dự án ở KKT Vũng Áng, thực phẩm ở Hà Tĩnh chưa phong phú về chủng loại để đảm bảo sự hấp dẫn các bữa ăn. Ông Diệp Phong Khánh – nhân viên quản lý nhà ăn Công ty Formosa lý giải, mặc dù mong muốn được tiêu thụ sản phẩm rau củ cho người nông dân trong tỉnh nhưng chủng loại “rau nhà” ở thị trấn Kỳ Anh hết sức nghèo nàn và ngay cả chợ TP Hà Tĩnh cũng thiếu sự phong phú. Trong khi đó, ở chợ TP Vinh (Nghệ An), từ rất sớm (2-3h sáng) đã có các điểm bán rau tươi với số lượng lớn và chủng loại phong phú. Cùng với đó, một số thực phẩm chế biến sẵn để thay đổi món trong bữa ăn ở Hà Tĩnh hầu như không có nên nhà ăn của Công ty phải mua từ TP Hồ Chí Minh”.
Chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu
Bếp ăn của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa hiện đang phục vụ cho 1.700 công nhân, kỹ sư, chuyên gia trong và ngoài nước. Với số lượng 3 bữa ăn tương đương khoảng 4.000 suất cơm, mỗi ngày, bếp ăn này cần hàng trăm kg thực phẩm và khoảng 1.000 kg rau các loại. Theo ông Chang Minh Hoa – Giám đốc Công ty Minh Hoa (đơn vị trúng thầu gói thầu phục vụ nhà ăn của Công ty Formosa) thì việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chế biến bữa ăn ở Hà Tĩnh hết sức khó khăn. Số lượng thiếu, chất lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu nghiêm ngặt về VSATTP lại càng khó đáp ứng.
Đại lý cung cấp rau, củ, quả ở chợ thị trấn Kỳ Anh với hơn 90% mặt hàng phải nhập từ ngoại tỉnh.
Ông Hoa cung cấp cho chúng tôi những hợp đồng đã ký kết với Siêu thị Metro ở TP Vinh và đánh dấu đỏ vào những tờ phiếu kiểm dịch các sản phẩm động vật. “Đối với bếp ăn tập thể phục vụ hàng ngàn người như thế này, yêu cầu đầu tiên và không thể thiếu là đảm bảo VSATTP. Trong khi đó, các địa chỉ cung ứng nhỏ lẻ ở Hà Tĩnh lại không có đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu này cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn. Duy nhất chỉ có Siêu thị Co.opmart có khả năng để hợp tác thì giá lại quá cao” – ông Hoa nói.
Ngoài Công ty Formosa và Công ty Nibelc có bếp ăn phục vụ 1.000 người trở lên, hiện tại, trong KKT Vũng Áng còn có khoảng 80 bếp ăn tập thể quy mô từ 50 người đến hàng trăm người. Để đảm bảo sức khỏe cho lao động, các nhà thầu (chủ sử dụng lao động), yêu cầu các bếp ăn tập thể khi nhập thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, phải đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường Hà Tĩnh hầu hết sản phẩm rau, củ, quả không chứng minh được độ an toàn và các sản phẩm từ động vật phần lớn không có giấy kiểm dịch.
Theo các chủ bếp mà chúng tôi tiếp cận, các sản phẩm họ mua ở ngoài tỉnh, do cung đường vận chuyển xa nên nhiều lúc không còn tươi ngon nhưng bởi đảm bảo các yếu tố pháp lý nên phải sử dụng. Điểm yếu này đang khiến chúng ta phải nhường thị phần tiềm năng cho các doanh nghiệp tỉnh bạn.
Có thể nói, ở thị trường giàu tiềm năng này, yếu tố chất lượng sẽ ngày càng khắt khe hơn, khi KKT Vũng Áng tiếp tục phát triển với vóc dáng của trung tâm công nghiệp lớn của cả nước cùng sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn khác. Các bếp ăn hiện đại phục vụ các nhà máy, dự án; hệ thống nhà hàng, khách sạn đáp ứng nhu cầu lễ tân, hội họp… sẽ tiếp tục phát triển với yêu cầu về thực phẩm số lượng lớn, không chỉ đảm bảo yếu tố VSATTP mà còn là sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Thị trường tiêu thụ nông sản đang phát triển từng ngày trên địa bàn thực sự là cơ hội lớn để chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa một cách bền vững.
Chị Nguyễn Thị Liệu (thôn Bắc Châu – xã Kỳ Châu): Rau đắt hàng, không đủ bán
Gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác ở xã Kỳ Châu, mỗi nhà chỉ có khoảng vài trăm m2 đất trồng rau thơm gia vị. Mấy năm gần đây, các loại rau này rất đắt hàng, sáng sớm chỉ ít chục bó ra chợ đã có vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, vì diện tích sản xuất nhỏ lẻ, điều kiện thời tiết Kỳ Anh mưa nhiều nên thu nhập từ cây rau hàng hóa không thường xuyên. Đất Kỳ Châu rất dễ làm rau, nếu có diện tích sản xuất tập trung và điều kiện hạ tầng thuận lợi, người nông dân chúng tôi sẽ có cơ hội tăng thu nhập từ trồng rau.
Chị Nguyễn Thị Thanh – chủ đại lý bán buôn rau quả ở chợ thị trấn Kỳ Anh: 99% rau, củ, quả phải nhập từ các địa phương ngoại tỉnh
Là đại lý bán sỉ rau, củ, quả lớn nhất huyện Kỳ Anh, năm nay, lượng tiêu thụ hàng tại đại lý chúng tôi tăng 5-6 lần so với những năm trước. Hàng ngày, chúng tôi phải nhập hơn 3 tấn rau, củ, quả (cà chua, khoai tây, hành tây, củ cải, bí…) từ các địa phương ngoại tỉnh. Do cung đường vận chuyển xa nên tỷ lệ hư hỏng lớn, hàng nhanh hỏng nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận vì tại địa phương không có vùng sản xuất nào đảm bảo đa dạng các mặt hàng.
Ông Phạm Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thú y: Việc giết mổ gia súc, gia cầm hầu hết bằng phương pháp thủ công, không đảm bảo vệ sinh
Một điều đáng quan tâm đó là hệ thống lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Việc giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn trong nhiều năm qua hầu hết theo phương pháp thủ công, nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn đối với sản phẩm sau khi giết mổ. Hầu hết các cơ sở giết mổ đều không trang bị dụng cụ bảo hộ lao động cho người lao động, chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng hoạt động kém hiệu quả; thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và phân gia súc chưa đúng quy trình.
Mai thủy – Thanh Hoài
Báo Hà Tĩnh